(Baothanhhoa.vn) - Đến nay, mặc dù một số chính sách thị thực mới được áp dụng, nguồn khách quốc tế dự báo sẽ có sự tăng trưởng đáng kể, song các chuyên gia du lịch nhận định khách du lịch nội địa sẽ tiếp tục “cứu cánh” đối với toàn ngành du lịch nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong năm 2024. Tuy nhiên, để có thể thu hút được đa dạng nguồn khách từ các thị trường trọng điểm đòi hỏi du lịch xứ Thanh cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về sản phẩm, chất lượng dịch vụ và cách tiếp cận thị trường mục tiêu.

Khách nội địa dự báo tiếp tục “cứu cánh” cho ngành du lịch trong năm 2024

Đến nay, mặc dù một số chính sách thị thực mới được áp dụng, nguồn khách quốc tế dự báo sẽ có sự tăng trưởng đáng kể, song các chuyên gia du lịch nhận định khách du lịch nội địa sẽ tiếp tục “cứu cánh” đối với toàn ngành du lịch nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong năm 2024. Tuy nhiên, để có thể thu hút được đa dạng nguồn khách từ các thị trường trọng điểm đòi hỏi du lịch xứ Thanh cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về sản phẩm, chất lượng dịch vụ và cách tiếp cận thị trường mục tiêu.

Khách nội địa dự báo tiếp tục “cứu cánh” cho ngành du lịch trong năm 2024Trải nghiệm đua xe công thức hấp dẫn khách nội địa khi đến Anh Phát Hotels & Resorts (thị xã Nghi Sơn).

Thực tế, so với một số trọng điểm du lịch của cả nước và một số tỉnh lân cận, thế mạnh của du lịch Thanh Hóa chính là khách nội địa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách của tỉnh không bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặt khác, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung bộ; có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt Bắc - Nam đi qua; có cửa khẩu quốc tế và cảng hàng không. Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km, du lịch Thanh Hóa ngày càng trở nên thu hút khách nhờ hệ thống giao thông kết nối thuận tiện.

Theo các chuyên gia du lịch, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, du lịch ngắn ngày tại các điểm đến du lịch nội địa, đi theo nhóm khách lẻ sẽ tiếp tục là xu hướng trong năm 2024. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng và xu hướng phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã, đang tích cực đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, định vị thị trường mục tiêu, đổi mới phương thức marketing, tiếp cận khách hàng... Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Anh Phát Lê Hồng Đạo cho biết: “Nhu cầu du lịch của du khách sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên du lịch ngắn ngày với các điểm đến nội tỉnh, nội địa sẽ là ưu tiên hàng đầu của du khách trong thời gian tới. Theo đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong năm 2024, cùng với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn như: đua xe “công thức 4 mini” Go-Kart trên đường đua hiện đại, trải nghiệm xe địa hình ATV xuyên núi Xước dài 8km, trượt cỏ, trường bắn súng sơn, chèo thuyền kayak... Anh Phát Hotels & Resorts và sẽ có thêm dịch vụ trượt zipline. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm một số dịch vụ, trải nghiệm mới, chú trọng nâng cấp các sản phẩm hiện có, đồng thời cố gắng thực hiện bình ổn giá nhằm thu hút đông đảo khách du lịch”.

Nhận định về xu hướng du lịch nội địa, bà Lê Thị Hải Anh, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Du lịch xanh (TP Thanh Hóa) cho rằng: “Ngay cả khi một số chính sách miễn thị thực mới được áp dụng thì khách quốc tế cũng chỉ tăng mạnh ở một số địa phương trong nước. Bởi vậy, năm 2024 khách nội địa chắc chắn vẫn sẽ đóng “vai trò” chính trong cơ cấu khách của các đơn vị lữ hành. Đối với các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong khi chờ nối lại một số đường bay trong nước đi - đến Thanh Hóa, chúng tôi sẽ đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong khu vực và các tỉnh phía Bắc nhằm trao đổi nguồn khách, trước mắt là thị trường khách du xuân Giáp Thìn 2024”.

Khách nội địa dự báo tiếp tục “cứu cánh” cho ngành du lịch trong năm 2024Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch nội địa. Ảnh: Hoài Anh

Nhấn mạnh đến các giải pháp cần làm ngay nhằm thu hút khách nội địa, một số chuyên gia du lịch cho rằng các khu, điểm, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện bình ổn giá, cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, làm mới sản phẩm hiện có và gia tăng trải nghiệm... Qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường nội địa. TS Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: “Với đa dạng sản phẩm du lịch, tỉnh Thanh Hóa có nhiều điều kiện để thu hút lượng lớn khách nội địa ngay từ những tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là mục tiêu mở rộng thị trường, kéo dài thời gian lưu trú và nâng mức chi tiêu của khách. Do đó, vấn đề đặt ra lúc này đối với ngành du lịch là cần đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, gia tăng trải nghiệm, dịch vụ tại mỗi điểm đến. Đây là cơ sở để tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đến các thị trường mục tiêu một cách hiệu quả. Đồng thời, cần phát huy hiệu quả các mối liên kết giữa các doanh nghiệp - doanh nghiệp, địa phương - địa phương, địa phương - doanh nghiệp và liên kết vùng. Qua đó góp phần tạo nên những tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn và gia tăng cơ hội hút khách nội địa từ các trọng điểm du lịch”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá đến các địa phương là thị trường trọng điểm du lịch trong nước như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và khu vực Tây Nguyên. Trong đó, tập trung quảng bá sâu rộng hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” đến các thị trường mục tiêu.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]