Chuyện hiến đất, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Triệu Tiền
Được sáp nhập từ 3 thôn với tổng số 538 hộ dân, hơn 2.100 nhân khẩu, nhưng chi bộ, ban phát triển thôn Triệu Tiền, xã Đông Tiến (Đông Sơn) đã làm tốt công tác vận động, tạo sự đồng thuận cao trong XDNTM kiểu mẫu. Đặc biệt, việc nhà nhà hiến đất và góp công góp của để có những tuyến đường nông thôn rộng mở đã đưa Triệu Tiền là điển hình của tỉnh Thanh Hóa trong phong trào này.
Ông Thiều Văn Thức hiến đất cả 3 mặt của khuôn viên nhà để thôn mở rộng đường trục chính, ngõ xóm và đường ra đồng.
Những ngày vừa qua, thôn Triệu Tiền đang tổ chức các hội nghị tuyên truyền và lấy ý kiến Nhân dân về sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương lớn: Sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Chia sẻ của trưởng thôn Thiều Khắc Thở: “Qua tuyên truyền, bà con đã có sự đồng thuận cao. Đây cũng là truyền thống của người dân địa phương, bởi nó đã được thể hiện qua chương trình XDNTM kiểu mẫu của thôn trong những năm qua”.
Trở lại câu chuyện XDNTM kiểu mẫu đúng 3 năm trước, ông Thở nhớ lại: “Từ năm 2021, chúng tôi đã bắt tay XDNTM kiểu mẫu. Đúng lúc quyết tâm của cán bộ và Nhân dân trong thôn đang lên cao, thì dịch COVID-19 bùng phát, phải giãn cách, gây khó khăn cả thời gian dài. Sang đầu năm 2022, khi dịch tạm lắng, Đảng ủy, HĐND, MTTQ và các đoàn thể của xã đã về tổ chức họp, triển khai để vực dậy phong trào. Chúng tôi phải đi từng nhà vận động cho bà con hiểu vai trò của NTM, của phát triển hạ tầng, đường giao thông, các phong trào văn hóa văn nghệ... Cán bộ thôn, những thành viên trong ban phát triển thôn và các đoàn thể phải đi đầu trong các phong trào, trong đó có việc tiên phong hiến đất nhằm tạo hiệu ứng”.
Cũng ngay trong năm 2022, Triệu Tiền được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu với 14 tiêu chí đều đạt và vượt chuẩn. Phong trào hiến đất được đánh giá cao nhất, đạt hiệu quả nổi bật nhất không những ở xã Đông Tiến mà với toàn huyện Đông Sơn. Từ phong trào, 100% các hộ dân có đất nằm ven các tuyến đường lớn nhỏ đều nhất trí, đồng thuận, đồng ý hiến đất, đảm bảo tiến độ thi công các tuyến đường. Sau khi đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thôn vẫn tiếp tục triển khai phong trào hiến đất mở đường với hàng loạt điển hình. Có thể kể đến gia đình ông Thiều Khắc Phương hiến tặng 175m2 đất thổ cư, gia đình ông Nguyễn Xuân Thành hiến 120m2 đất thổ cư, gia đình các ông Thiều Văn Vy và Thiều Khắc Cường cũng hiến đất thổ cư với lần lượt 85m2 và 65m2. Với đất vườn cha ông để lại, nhiều hộ cũng không ngại hiến tặng địa phương, như ông Doãn Mạc với 150m2 cả đất vườn và thổ cư, bà Lê Thị Tuyên hiến 130m2 đất vườn...
Đến nay, toàn thôn đã có 215 hộ dân hiến hơn 5.000m2 đất và các công trình, kiến trúc trên đất, trong đó có 13 hộ hiến các công trình kiên cố. Từ đó, 15 tuyến đường thôn, liên thôn với tổng chiều dài gần 5.000m, rộng từ 4,5m - 7,5m được hoàn thiện. Gia đình ông Thiều Văn Thức là hộ bớt đất của cả 3 phía khuôn viên và nhà để hiến cho thôn. “Nhà tôi gần cánh đồng, giáp cả ngõ vào khu dân cư lẫn con đường trục chính của thôn. Được cán bộ thôn tuyên truyền, tôi hiểu được ý nghĩa cho phát triển kinh tế - xã hội nhiều đời sau và cho cả gia đình mình nên sẵn sàng. Tôi nói cứ lấy thước đo cho thẳng đường, đến đâu tôi hiến đến đó. Cả 3 phía nhà đều được hiến để mở rộng trục xóm, ngõ dân cư và đường ra cánh đồng phục vụ sản xuất".
Để đi hết các tuyến đường trong thôn, bà Thiều Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội nông dân, đồng thời là thành viên trong ban phát triển thôn phải dẫn chúng tôi bằng xe máy. Thôn có tới 3 tuyến đường chính và hàng chục tuyến nhánh, nhưng tất cả đều được mở rộng ô tô có thể tránh nhau, 2 bên là các hàng cây cảnh, cây bóng mát và những tường rào thông thoáng. Đáng nói, các ngã ba, ngã tư ở đây đều được mở rộng lên hơn 10m - một cách làm đi trước so với đa phần các tuyến đường cấp thôn trong tỉnh.
Cũng trong lộ trình XDNTM kiểu mẫu, Chi ủy, Ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở thôn đã vận động tuyên truyền trong Nhân dân huy động các nguồn lực từ việc xuất khẩu lao động để đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang, xây mới nhà ở gia đình khang trang. Hiện nay, thôn không còn nhà tạm bợ, dột nát, 100% số hộ có nhà ở đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Xây dựng. Cảnh quan môi trường trong thôn được chú trọng cải tạo, ven đường có hệ thống điện chiếu sáng, các vườn trên 200m2 được cải tạo phát triển vườn hộ, vườn mẫu, được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cao trong sản xuất.
Trong phát triển sản xuất, theo trưởng thôn Thiều Khắc Thở, nổi bật nhất là tích tụ đất đai để hình thành các khu sản xuất hiện đại. Trong thôn hiện có 2 HTX và doanh nghiệp hình thành được các khu nhà lưới để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhiều năm qua, thôn còn triển khai được cánh đồng liên kết sản xuất hơn 30ha, mỗi vụ chỉ trồng một giống lúa, phương thức canh tác được cơ giới hóa, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Các mặt đời sống nơi đây đều phát triển hơn so với mặt bằng chung trong vùng. Từ năm 2022, thôn đã xóa hộ nghèo, thu nhập bình quân đã vượt 70 triệu đồng/người/năm. Diện mạo một làng quê kiểu mẫu vẫn hiển hiện và ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Bài và ảnh: Linh Trường
{name} - {time}
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2024-11-19 15:02:00
Quảng Hòa về đích nông thôn mới nâng cao nhờ phát huy tiềm năng lợi thế
-
2024-06-01 21:32:00
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở bản Lang
Chuyển mình cùng nông thôn mới kiểu mẫu
Diện mạo xã nông thôn mới nâng cao Hà Bình
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong nông thôn mới
Nga Yên dồn lực về đích xã nông thôn mới nâng cao
Quan Hóa khắc phục khó khăn để xây dựng nông thôn mới
Thành Tâm phấn đấu “về đích” nông thôn mới nâng cao
Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Triệu Sơn gỡ khó tiêu chí nước sạch trong XDNTM
Yên Định tạo đột phá trong xây dựng huyện NTM nâng cao