Xây dựng sản phẩm du lịch mới để hút khách
Năm 2024 tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ khi ngành du lịch cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng hiện còn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, việc ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mới tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Tuyến du lịch Nghi Sơn - đảo Mê (Nghi Sơn) hấp dẫn du khách khi đến với xứ Thanh.
Trong những năm gần đây, ngành du lịch Thanh Hóa đã không ngừng sáng tạo, đổi mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đã được phát triển, đưa vào khai thác, phục vụ du khách như Quảng trường biển, biểu diễn nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, làng bích họa (TP Sầm Sơn); tuyến du lịch Nghi Sơn - đảo Mê, du lịch trải nghiệm (Nghi Sơn); tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, dù lượn (Hoằng Hóa); du lịch nông trại, camping - glamping ở TP Thanh Hóa và các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Yên Định... Đặc biệt, trong năm 2023 du lịch Thanh Hóa khá thành công với sản phẩm du lịch sự kiện. Với việc tổ chức thành công hơn 70 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đã thu hút lượng lớn du khách đến một số khu, điểm du lịch của tỉnh suốt bốn mùa, góp phần làm giảm tính thời vụ - vốn là một phần hạn chế của du lịch Thanh Hóa suốt thời gian qua.
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã “bắt tay” với các địa phương trong cả nước nhằm phát triển sản phẩm du lịch mới mang tính liên vùng. Trong đó phải kể đến những chùm tour du lịch đặc sắc “Ba địa phương - Một điểm đến, nhiều trải nghiệm” kết nối Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; “Một hành trình - Bốn địa phương- Nhiều trải nghiệm” kết nối Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh”; “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” kết nối Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Hoa Lư (Ninh Bình), đền Hùng (Phú Thọ) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); “Về miền di sản Ninh Bình - Thanh Hóa”...
Tại hội nghị công bố chương trình kích cầu du lịch, tham vấn hoàn thiện sản phẩm “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” được tổ chức vào tháng 3/2024, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước cho rằng, du lịch Thanh Hóa ngày càng khẳng định sức hút với du khách nhờ phát triển sản phẩm du lịch mới. Đồng thời chỉ rõ, nếu như trước đây các tour kết nối khách đến Thanh Hóa chủ yếu tập trung khai thác sản phẩm du lịch biển, thì những năm gần đây những tour du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh hay du lịch sinh thái cộng đồng được đông đảo du khách đón nhận. Đặc biệt, Thanh Hóa là một trong những địa phương “cập nhật” nhanh nhất các xu hướng du lịch mới như camping - glamping, du lịch chữa lành, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe,...
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh: Những năm qua Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều chính sách ưu tiên tập trung cho phát triển du lịch. Nhờ đó, du lịch Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất tại khu vực Bắc Trung bộ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch Thanh Hóa ngày càng đa dạng, phong phú. Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch hiện có và phát triển các sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao, chú trọng tính trải nghiệm cho du khách. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết với các trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... và một số tỉnh, thành lân cận để thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch mới, mang tính liên kết nhằm hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024 ngành du lịch Thanh Hóa đã, đang tập trung làm mới các sản phẩm hiện có, đồng thời bổ sung thêm các dịch vụ, sản phẩm mới. Dự kiến trong tháng 4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và đội ngũ chuyên gia triển khai khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm trên địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân để sớm đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển sản phẩm du lịch sự kiện, với 145 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch sẽ được tổ chức tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu phát triển du lịch năm 2024 và đến năm 2025 Thanh Hóa thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2024-11-24 11:51:00
Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa
-
2024-11-22 22:39:00
Cuối năm, du lịch check-in lên ngôi
-
2024-04-05 14:50:00
Hè 2024, du lịch xứ Thanh có gì mới?
Gần 34 nghìn lượt khách quốc tế đến Thanh Hóa trong quý I năm 2024
Hải Tiến sẵn sàng cho mùa du lịch hè 2024
Tín hiệu tích cực trong phát triển du lịch ở Quan Sơn
Tuyên Quang truyền thông Năm du lịch và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ 3 tại Đà Nẵng
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Doanh nghiệp lữ hành nỗ lực tạo sức hút với nhiều dòng khách
Khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch theo tiêu chuẩn VTOS
Lễ hội Du lịch biển Nghi Sơn năm 2024 dự kiến khai mạc vào tối 26/4
Du khách thích thú trải nghiệm dù lượn, ngắm phong cảnh núi rừng Quan Hóa từ trên cao