Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán số
Trong xu thế phát triển của thời đại công nghệ số, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy cơ sở hạ tầng các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại không sử dụng tiền mặt. Qua đó, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số, hình thành những công dân số trong tương lai.
Cán bộ Agribank Thanh Hóa hướng dẫn người dân thực hiện các hình thức thanh toán tài chính trực tuyến.
Qua ghi nhận thực tế, hiện nay, tại các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng, kể cả các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã dần phổ biến, áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giao dịch, mua sắm.
Chị Nguyễn Thị Lệ Bích, chủ cửa hàng tạp hóa tại đường Trịnh Khả (phường Hạc Thành), cho biết: “Trước đây, khách hàng thường chỉ thanh toán bằng tiền mặt, nhưng gần đây, khi mua sắm, người dân chủ yếu trả tiền qua hình thức chuyển khoản, vừa tiện lợi và cũng tránh nhầm lẫn khi có đông khách. Thời điểm đầu, tôi cũng chỉ dán số tài khoản để khách dễ chuyển khoản. Sau đó, tôi liên hệ với ngân hàng làm mã QR để người dân quét mã thanh toán dễ dàng hơn, rất thuận tiện”.
Để tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thúc đẩy thực hiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Nhờ đó, hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng hệ thống chính quyền điện tử, ứng dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trên địa bàn. Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo đảm kết nối phục vụ không sử dụng tiền mặt và các dịch vụ trung gian thanh toán, như: hạ tầng kết nối mạng internet, phủ sóng di động; hạ tầng nền tảng tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu và kết nối liên thông với các hệ thống khác; nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Đến đầu tháng 7/2025, toàn tỉnh có 9.570 trạm thu bắt sóng; hạ tầng viễn thông cố định hiện có 14 trạm chuyển mạch và 2.785 thiết bị truy nhập internet cáp quang; 100% trung tâm xã và hầu hết các thôn, bản đã có mạng truyền dẫn cáp quang, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ internet băng thông rộng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn... Qua đó, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số do cơ quan Nhà nước cung cấp.
Các doanh nghiệp, như: Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel, VNPT, Viettel, Mobifone, FPT đang từng bước thực hiện việc dịch chuyển từ cung cấp các dịch vụ truyền thống như bưu chính, viễn thông, internet sang cung cấp các dịch vụ mới phục vụ chuyển đổi số như cung cấp các phần mềm, nền tảng số, dịch vụ số, logistics... cho các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chuyển đổi số. 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử, ứng dụng chữ ký số điện tử trong giao dịch với ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Cùng với đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không sử dụng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Các ngân hàng thương mại đã đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ có thể tiếp cận khách hàng qua kênh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện ích. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng. Nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng phương thức điện tử, thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code..., đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến thanh toán không sử dụng tiền mặt đến với người dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 368 máy ATM và gần 4.000 máy POS được lắp đặt tại các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng. Các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện lực; nước sạch; các cơ sở y tế, giáo dục... tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán đáp ứng nhu cầu thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Bài và ảnh: Lương Khánh
{name} - {time}
-
2025-07-04 21:19:00
Đồng hành cùng phụ nữ trên hành trình phát triển kinh tế
-
2025-07-04 20:14:00
Gia tăng năng lực từ nhà máy mới vận hành
-
2025-07-03 20:25:00
Xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản
Shinhan Finance: 6 năm bền vững - Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên tài chính xanh và số hóa
Bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách ổn định, thông suốt
Khách hàng TYM bước ra thế giới từ đồng vốn vay nhỏ
Phát triển bền vững nghề chế biến thủy, hải sản
Nâng tầm sản phẩm địa phương thành thương hiệu quốc gia
Ngành thương mại - dịch vụ nỗ lực bứt phá
Agribank đồng hành với sự nghiệp giáo dục
Ma trận bao vây: Mô hình giúp doanh nghiệp phát triển bền vững