(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh - vùng đất “địa linh nhân kiệt” là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến, là cái nôi sản sinh nhiều bậc vua, chúa và các anh hùng hào kiệt, văn nhân xuất chúng. Từ đó, đã đúc kết, hình thành trên mảnh đất này một hệ thống dày đặc những ngôi đình làng dùng làm nơi hội họp, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và cũng là hiện thân của tình đoàn kết, cố kết cộng đồng trong Nhân dân.

Đình làng - nơi gắn kết tình quê

Xứ Thanh - vùng đất “địa linh nhân kiệt” là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến, là cái nôi sản sinh nhiều bậc vua, chúa và các anh hùng hào kiệt, văn nhân xuất chúng. Từ đó, đã đúc kết, hình thành trên mảnh đất này một hệ thống dày đặc những ngôi đình làng dùng làm nơi hội họp, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và cũng là hiện thân của tình đoàn kết, cố kết cộng đồng trong Nhân dân.

Đình làng - nơi gắn kết tình quêĐình làng Đắc Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa).

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì đình Việt Nam xuất hiện vào cuối thời nhà Lý - Trần (khoảng những năm 1156). Ban đầu, đình chỉ là nơi nghỉ chân của các bậc vua chúa, quan lại. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đình có sự biến đổi về tên gọi, công năng sử dụng cũng như về mặt kiến trúc. Đến khoảng thế kỷ thứ 15, 16 thì sử sách nhắc đến tên gọi “đình làng” và khi đình trở thành đình làng thì là nơi thờ Thành Hoàng của làng xã. Khi xưa, đình làng được khởi dựng nhằm phục vụ nhiều mục đích thờ tự, tế lễ, là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế và cũng là nơi vui chơi, sinh hoạt ca hát gắn kết cộng đồng... Đến nay, dù xã hội ngày càng phát triển nhưng đình làng vẫn là một “đặc sản văn hóa” riêng của người Việt, được biết bao thế hệ trân trọng, giữ gìn và ngày càng phát huy giá trị.

Với người dân ở làng Đắc Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) thì đình làng không chỉ là niềm tự hào của biết bao thế hệ nối tiếp nhau sinh ra và lớn lên tại làng mà còn là nơi thể hiện rõ nhất lối sinh hoạt mang tính cộng đồng gắn bó bền chặt dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử... Ông Lê Đình Thọ, trưởng ban quản lý đình làng Đắc Châu dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đình và chia sẻ: Làng Đắc Châu có từ bao giờ chưa có sử sách nào chép lại, chỉ biết các dòng họ có mặt và sinh sống trong làng đến ngày nay đã hơn 15 đời. Trước năm 1945, làng Đắc Châu có quần thể đình chùa, nghè miếu tương đối quy mô và phong phú. Hệ thống di tích đó gồm có đình Thượng và đình Hạ, thờ Nhị vị Tôn thần là Thành Hoàng làng đã có công giúp dân, giúp nước dẹp giặc ngoại xâm và khai thôn lập ấp, được các triều vua phong là Thượng Đẳng. Ngôi đình tọa lạc trên khu đất cao ráo hướng về sông Chu, tựa lưng vào núi Đọ, trước mặt là hồ bán nguyệt, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng, tạo cho đình một khung cảnh thâm nghiêm và u tịch. Trải qua nắng dãi mưa dầm, bom đạn chiến tranh tàn phá, nên ngôi đình không còn được nguyên vẹn như xưa, mà chỉ còn lại 3 đạo sắc phong của các đời vua thời Lê và Nguyễn, cùng một số bia đá, hiện vật, đồ thờ... Hiểu, trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi tha thiết của Nhân dân, cũng như con em địa phương đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc, đồng thời mong muốn xây dựng và tôn tạo lại ngôi đình để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện lòng thành kính đối với thần hoàng và các bậc hiền nhân đã có công khai khẩn thành lập làng, được sự đồng ý của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, năm 2012 con em xa quê và người dân địa phương đã cùng nhau đóng góp để nâng cấp, tu sửa lại ngôi đình, đồng thời phục hồi lại toàn bộ hiện vật, hoành phi, câu đối... Từ khi được phục dựng lại ngôi đình rộng rãi thoáng mát nên người dân thường xuyên tập trung đến đây để ngắm cảnh, chiêm bái cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Hàng năm, vào ngày 9, 10 tháng Giêng âm lịch, dân làng lại nô nức tổ chức lễ hội làng thu hút đông đảo con cháu ở khắp mọi miền Tổ quốc về sum họp, quây quần bên nhau... Đó cũng là dịp để bồi đắp mối đoàn kết tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm bền chặt.

Đối với người dân làng Phú Khê, xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa) thì đình làng đã và luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như trong tâm thức của họ. Qua bao nhiêu thế hệ tiếp nối nhau, hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” vẫn rất đỗi quen thuộc, khắc sâu trong tâm trí. Để từ đó, mỗi dịp lễ, tết hay ngày hội làng, họ lại nô nức tụ họp về đình làng Phú Khê cùng nhau thắp những nén hương thơm lên Thành Hoàng làng và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ. Theo sử sách ghi lại: Đình làng Phú Khê là nơi hai anh em họ Chu (Chu Minh - Chu Tuấn) là hai vị Đại Vương hiển linh trong giấc mơ đã có công giúp vua nhà Lý đánh tan quân giặc Ai Lao từ hơn ngàn năm trước, được Nhân dân nơi đây suy tôn Thành Hoàng làng, thờ phụng thành kính. Hàng năm, để thể hiện sự tri ân thành kính đến các bậc tiền nhân, cầu cho cuộc sống của người dân được ấm no, đủ đầy và cũng là dịp để con cháu gặp gỡ, giao lưu, vào ngày 16-2 (âm lịch), người dân Phú Khê lại nô nức tổ chức lễ hội Kỳ phúc với nhiều tiết mục đặc sắc như rước cỗ, tế cung đình, hát tuồng, chèo và nhiều trò chơi dân gian như kéo co, bắt trạch, thi nấu cơm...

Có thể nói rằng, đình làng đã có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của biết bao thế hệ người Việt. Bởi thế, mà trải dài khắp mảnh đất xứ Thanh từ đồng bằng, ven biển cho đến vùng núi ở bất cứ đâu chúng ta cũng có thể gặp những ngôi đình có hàng trăm năm tuổi vẫn luôn được người dân thờ phụng rất trang nghiêm, luôn có người coi sóc hay đến cúng tế, gắn bó mật thiết với bà con quanh vùng, như: đình làng Thượng Phú (Hà Trung); đình làng Đông Cao (Nông Cống); đình làng Yên Lược (Thọ Xuân); đình làng Hồ Nam (Vĩnh Lộc); đình làng Phú Điền (Hậu Lộc); đình làng Hồ (Thường Xuân)... Mỗi một ngôi đình mang vẻ đẹp mộc mạc, nhưng lại toát lên sự tinh tế, cổ kính, không chỉ là công trình kiến trúc biểu tượng của cả làng, mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử, những ước vọng của người dân gửi gắm qua kiến trúc và từng đường nét chạm khắc tinh tế. Cũng chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng luôn là việc làm vô cùng quan trọng. Qua đó, không chỉ gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của tình làng nghĩa xóm, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]