Thêm nhiều không gian văn hóa đọc trong cộng đồng
Cùng với hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở, sự ra đời và phát triển của các thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách pháp luật với những hình thức đọc sách đa dạng, phong phú, đã góp phần tạo thêm không gian văn hóa đọc trong cộng đồng, thu hút đông đảo người dân tham gia đọc sách.
Đông đảo người dân đến đọc sách tại tủ sách pháp luật nhà văn hóa khu phố 6, phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn).
Chúng tôi tìm đến nhà văn hóa khu phố 6, phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn), cũng là lúc người dân tập trung tại đây khá đông để đọc sách, báo. Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 6 Vũ Trọng Thơ cho biết: "Tủ sách pháp luật của khu phố được xây dựng từ mấy chục năm về trước, được bố trí trong nhà văn hóa khu phố để bà con dễ dàng tiếp cận đọc sách khi có nhu cầu. Hiện tại, tủ sách có trên 2.000 đầu sách, báo, tài liệu pháp luật các loại. Trong số đó có nhiều tài liệu hướng dẫn việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, các tài liệu liên quan đến đời sống xã hội. Hàng năm, chúng tôi đều chủ động bổ sung tài liệu, sách báo mới để phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân. Hàng ngày, nhà văn hóa khu phố đều mở cửa để phục vụ người dân đến vui chơi, giải trí cũng như đọc sách, báo. Từ việc đọc sách, nhất là các sách pháp luật đã giúp nâng cao nhận thức về pháp luật cho bà con. Từ đó, giúp bà con chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".
Là người thường xuyên đến đọc sách tại tủ sách pháp luật ở khu phố 6, bà Nguyễn Thị Lanh chia sẻ: "Tủ sách pháp luật vừa là công cụ tra cứu cũng vừa là cầu nối gần nhất đưa người dân tiếp cận đến các văn bản, tài liệu, sách báo. Hàng ngày, cứ khoảng 17h - 18h là tôi đến nhà văn hóa khu phố để đọc sách, tại đây có nhiều tài liệu phong phú giúp tôi tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức để áp dụng vào cuộc sống. Cũng nhờ có tủ sách pháp luật đã tạo thêm cho người dân chúng tôi một không gian văn hóa đọc".
Cùng với tủ sách pháp luật thì nhiều thư viện tư nhân được đầu tư xây dựng đã góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Điển hình là thư viện tư nhân “Không gian đọc Yên” ở tiểu khu 3, thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn). Ông Phạm Văn Trường, người thành lập thư viện tư nhân- Không gian đọc Yên cho biết: "Không gian đọc Yên đi vào hoạt động từ năm 2021, hiện có hơn 10.000 bản sách ở các lĩnh vực, từ sách thiếu nhi, sách tham khảo, sách ngoại ngữ, kỹ năng sống, kinh doanh, lịch sử, tôn giáo và sách khoa học... Nguồn sách này do một số bạn đóng góp và kêu gọi hỗ trợ từ các nhà xuất bản. Để thu hút người dân cũng như các em học sinh đến đọc sách, Không gian đọc Yên được trang trí thân thiện, yên tĩnh. Đến với thư viện, ngoài việc đọc sách, các bạn trẻ có thể mượn sách mang về miễn phí. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Không gian đọc Yên thu hút đông đảo người dân, học sinh đến đọc sách".
Là người hay đến Không gian đọc Yên để đọc và mượn sách, tài liệu tham khảo, em Mai Thị Anh ở thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn), cho biết: "Thông thường vào ngày thứ 7, chủ nhật em thường đến Không gian đọc Yên để đọc sách, tìm tài liệu phục vụ cho việc học tập. Ở đây không gian thoáng mát, sạch sẽ, lại có đa dạng các loại sách, báo, tài liệu. Những kiến thức trong từng quyển sách, những câu chuyện mà sách đem lại đã hỗ trợ em rất nhiều trong học tập cũng như trong đời sống".
Theo thống kê từ Thư viện tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 thư viện tư nhân, thư viện dòng họ. Ngoài ra, tại hầu hết các thôn, khu phố trong tỉnh đều có tủ sách pháp luật được trang bị khá nhiều các loại sách, báo phục vụ người dân đến đọc sách, tra cứu tài liệu. Hướng đi mới này đã góp phần đưa sách đến gần với độc giả đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Hàng năm, Thư viện tỉnh đã tích cực luân chuyển, bổ sung thêm các đầu sách, báo xuống các địa phương, trường học. Qua đó, góp phần đưa sách, báo đến gần với bạn đọc, nhất là các đối tượng học sinh và người dân vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển văn hóa đọc hiện nay cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện số, truyền thông, các tiện ích xã hội hiện đại. Điều này, gây ra tình trạng lười đọc, đọc ít và đọc theo phong trào ngày càng gia tăng. Do đó, để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào đời sống cộng đồng, nhất là trong tầng lớp thanh, thiếu niên cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, các địa phương để thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về văn hóa đọc, vai trò của sách, tri thức trong đời sống.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-18 08:45:00
Lần đầu tiên tổ chức giải thưởng Bền Đam Mê dành cho thanh niên
-
2025-01-17 19:13:00
Nghĩa đen câu tục ngữ “Được lòng rắn, mất lòng ngóe”
-
2024-12-16 09:35:00
Công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024
Xuất bản cuốn sách song ngữ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chuyển biến tích cực từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Sắc màu hội tụ” tại đất thiêng Quảng Trị
[Podcast] Truyện ngắn: Câu chuyện tâm linh
VTV Awards 2024: Hình ảnh em bé Điện Biên dưới mưa dẫn đầu tuần bình chọn đầu tiên
Xã Cẩm Lương nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Nhìn lại “đảo ngọc” sau một thập kỷ, điều gì góp phần tạo nên kỳ tích?
Lễ hội đền Đồng Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Như thế nào là “lấy công làm lãi”?