Sáng tạo từ thực tiễn
Giản dị, chân thành và cởi mở là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với anh Lê Trạc Đồng, Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất (Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức). Nhiều cán bộ, công nhân lao động công ty gọi anh bằng cái tên trìu mến “cây sáng kiến”, bởi anh là “cha đẻ” của nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào lao động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lê Trạc Đồng, Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức (bên phải) với sáng kiến “Chế tạo robot phun sơn tĩnh điện”.
Năm 2012, tốt nghiệp Cao đẳng, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh chuyên ngành cơ khí chế tạo, anh Lê Trạc Đồng về công tác tại phòng Kỹ thuật (Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức). Được sự giúp đỡ của lãnh đạo phòng kỹ thuật và đồng nghiệp, cùng với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, Lê Trạc Đồng sớm bắt nhịp với công việc và từng bước trưởng thành. Trong suốt quá trình công tác, anh chăm chỉ, hăng say và tích cực nỗ lực học hỏi, sáng tạo, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn. Hằng năm, anh lập kế hoạch đào tạo và trực tiếp triển khai đào tạo công nhân với một số khóa đào tạo như: Đào tạo công nhân mới tuyển dụng toàn công ty; đào tạo cho công nhân thực hiện chiến dịch bảo hành; đào tạo kiến thức cho cán bộ thị trường trong việc nắm bắt các nguyên vật liệu và xu thế sản xuất trong tương lai với tổng số công nhân được đào tạo 120 người/năm...
Là người đam mê nghiên cứu khoa học, anh Đồng chịu khó nghiên cứu, tìm tòi những sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp. Hơn 10 năm làm việc, anh Đồng đã có 15 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo hiệu ứng lan tỏa cho phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty, trong đó phải kể đến sáng kiến “Chế tạo robot phun sơn tĩnh điện” giúp làm lợi cho công ty 320 triệu đồng/năm.
Bộ phận sơn tĩnh điện của Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức mỗi năm sử dụng trên 100 tấn bột sơn, quy trình sơn tĩnh điện qua một dây chuyền khép kín và bao gồm các bộ phận: Giá treo thiết bị cần sơn, buồng sơn đầu vào có hệ thống lọc và thu hồi sơn tĩnh điện cyclone, buồng phun sơn đầu ra và giá treo sản phẩm đầu ra. Trong quá trình phun sơn tại 2 buồng phun sơn đều phải bố trí 3 công nhân dùng súng phun sơn để phun bổ sung bột sơn cho các sản phẩm. Làm như vậy, bộ phận sơn phải bố trí thêm biên chế 3 công nhân, vừa phải tăng chi phí, công nhân thường xuyên làm theo dây chuyền tại đây cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng lượng sơn phun vào mặt sản phẩm vẫn còn bị lỗi khá nhiều.
Anh Đồng đã trăn trở, suy nghĩ tìm giải pháp tăng cường mật độ bao phủ sơn đều hơn, không để sơn bị thoát ra ngoài, đồng thời tham khảo các cơ sở sơn tĩnh điện trong nước và một số nước phát triển để nghiên cứu cải tiến hoặc nhập thiết bị tốt để tăng năng suất lao động, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Qua khảo sát cho thấy, trong ngành sơn tĩnh điện các nước tiên tiến sử dụng công nghệ phun sơn tự động nhưng giá thành máy móc, thiết bị rất cao, do đó công ty không có khả năng đầu tư.
Anh Đồng cho biết: "Từ điều kiện sản xuất của công ty, tôi đã bàn bạc với ban giám đốc quyết định nghiên cứu giải pháp “Chế tạo robot phun sơn tĩnh điện”. Robot ra đời đã khẳng định sự thay đổi trong việc chuyển đổi vị trí làm việc: Máy móc công nghệ thay thế cho sức người. Trước đây, khi chưa có robot phun sơn tĩnh điện, cần 3 công nhân làm việc thường xuyên, thì nay được thay thế hoàn toàn robot. Nhờ áp dụng robot tự động, chất lượng và hiệu quả sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, mật độ bao phủ sơn đều hơn, do đó chất lượng sản phẩm tốt hơn. Sau khi đưa robot vào sử dụng, phần cửa trước đó để công nhân đứng phun sơn bằng tay đã được bịt kín bằng các tấm nhựa chỉ để khe đủ cho tay robot hoạt động nên phần sơn bị thất thoát ra môi trường giảm tới 95%.
Với những đóng góp của mình, anh Lê Trạc Đồng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa lần thứ 12 (2020-2021); được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV - năm 2023.
Bài và ảnh: Thanh Huê
- 2024-11-07 08:25:00
Bí thư chi bộ, trưởng thôn hết lòng vì việc dân
- 2024-11-04 14:27:00
Doanh nhân vượt khó tích cực tham gia an sinh xã hội
- 2023-11-07 10:08:00
Người trưởng ban quân khí toàn năng
Người cán bộ hội nhiệt huyết
Cán bộ mặt trận “Dân vận khéo”
Người thầy của những học sinh giỏi
Người có uy tín góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Những người điều dưỡng thầm lặng
Gieo “hạt giống đỏ” trong các cấp hội phụ nữ
Người có uy tín tiêu biểu ở bản Pù Toong
Chất lính giữa thời bình
Vượt khó, làm giàu từ mô hình ươm trồng cây xanh