(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, huyện Quan Hóa đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Quan Hóa đẩy mạnh phát triển chế biến lâm sản

Những năm gần đây, huyện Quan Hóa đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Quan Hóa đẩy mạnh phát triển chế biến lâm sảnSản xuất vàng mã xuất khẩu tại HTX Hợp Phát, xã Phú Nghiêm.

Huyện Quan Hóa có trên 86.000 ha đất có rừng, trong đó có trên 27.000 ha luồng với 5.800 ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Hiện toàn huyện có 22 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 11 công ty, 6 HTX, 5 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tre luồng, với các sản phẩm vàng mã, thanh ván gỗ sàn... Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã có nhiều giải pháp, như hỗ trợ phát triển rừng luồng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp các tuyến đường lâm sinh để thuận lợi cho việc thu mua, vận chuyển.

Sản xuất, chế biến sản phẩm tre luồng phát thải khá nhiều chất thải, nước thải, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, các cơ quan chức năng của huyện Quan Hóa đã tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện đúng các quy định về xả thải và bảo vệ môi trường. Huyện Quan Hóa khuyến khích các doanh nghiệp, HTX cải tiến quy trình sản xuất nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường; đầu tư hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Một số doanh nghiệp, HTX do chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định đã từng phải dừng hoạt động. Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các lực lượng chức năng, các đơn vị đã đầu tư, bảo đảm các điều kiện về xử lý nước thải bảo vệ môi trường, được cấp phép hoạt động trở lại.

Công ty TNHH Duyệt Cường ở bản Chăm, xã Phú Nghiêm là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn huyện Quan Hóa có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, doanh nghiệp có 6 dây chuyền sản xuất và phân xưởng đóng gói sản phẩm, công suất hoạt động đạt 5.400 tấn/năm với các sản phẩm chính là vàng mã, giấy đế. Công ty đang tạo việc làm cho khoảng 130 lao động với mức thu nhập ổn định.

Trước đây, việc sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn hoạt động nhỏ lẻ, manh mún theo quy mô hộ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khi được chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ đã liên kết, phát triển làng nghề, mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất, chế biến, mang lại thu nhập cao, ổn định hơn. Đồng thời, các hộ sản xuất trong làng nghề thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; cùng nhau thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Hiện, bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, huyện Quan Hóa còn chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ lâm sản để tăng thu nhập cho người dân. Năm 2021, xã Phú Nghiêm đã thành lập Tổ HTX Tân Thành nhằm chuyên môn hóa hoạt động sản xuất, từ đó cho ra đời sản phẩm măng chua Piềng Cú thơm ngon, không chỉ mang đậm dấu ấn truyền thống, mà còn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2022, măng chua Piềng Cú của xã Phú Nghiêm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, bắt đầu khẳng định và lan tỏa thương hiệu trên thị trường.

Tận dụng nguồn măng tre, nứa, luồng sẵn có trên địa bàn huyện, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Ca Da, thị trấn Hồi Xuân, đã vận dụng kinh nghiệm sản xuất măng khô truyền thống, nghiên cứu quy trình sản xuất theo phương pháp mới, cho ra đời sản phẩm măng khô Mường Ca Da đạt chất lượng cao. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đã được huyện Quan Hóa, thị trấn Hồi Xuân hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và làm hồ sơ, thủ tục để từ đó măng khô Mường Ca Da được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Để hoạt động chế biến lâm sản phát huy hết tiềm năng, huyện Quan Hóa đang tập trung rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào sản xuất nghề, mở rộng các cơ sở sản xuất có quy mô lớn; khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm tiêu chí về xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời huyện chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực đối với đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, ngân hàng triển khai chương trình vay vốn của Chính phủ với lãi suất ưu đãi để kích thích đầu tư, phát triển sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường cung cấp thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề...

Bài và ảnh: Minh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]