Phát triển du lịch nông nghiệp: Còn nhiều khó khăn
Với nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng các giá trị văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Thanh Hóa có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp là rất lớn và đây cũng là một trong những hướng đi mới của ngành nông nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn... Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển du lịch nông nghiệp lại đang gặp không ít khó khăn, thách thức.
Du khách đến tham quan khu vực nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty CP Thương mại và phong cách mới (Queen Farm), thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).
Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và phong cách mới (Queen Farm), thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) cho biết: Phát triển du lịch nông nghiệp như một mũi tên trúng nhiều đích. Vừa giúp gia tăng giá trị sản xuất, quảng bá được sản phẩm của công ty, lại vừa thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm để nâng cao thu nhập. Bởi vậy, thời gian qua, cùng với việc đầu tư phát triển nông nghiệp, công ty đã linh hoạt sáng tạo ra những sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm cao, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Chẳng hạn, đối với du khách là trẻ em, khi đến đây sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên xanh mát với những luống rau xanh, được trải nghiệm trồng rau thủy canh, trồng dưa chuột baby, dưa lưới Taki và một số loại rau cao cấp như: rau chân vịt, cải xoăn Kale... Đối với du khách là người lớn hoặc khách quốc tế, sẽ được tìm hiểu quy trình sản xuất thạch rau má, một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Queen Farm. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và cũng là quảng bá sản phẩm, Queen Farm đã chú trọng đầu tư xây dựng khu vực trưng bày sản phẩm, bố trí nguồn nhân lực du lịch để giới thiệu các mô hình cho khách tham quan... Cũng nhờ việc phát triển du lịch nông nghiệp mà công ty đã thúc đẩy được việc tiêu thụ nông sản, sản phẩm và quảng bá thương hiệu của mình.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tân, công ty cũng gặp phải những khó khăn nhất định bởi để xây dựng điểm du lịch nông nghiệp phải hoàn thiện các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách như, hệ thống tham quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống. Trong khi đất tích tụ là đất nông nghiệp mà theo quy định của pháp luật không được phép xây dựng công trình kiên cố. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại đây cũng còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của du khách; đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản; hơn nữa, cũng chưa có cơ chế hỗ trợ việc vay vốn để phát triển sản xuất bởi vậy công ty cũng gặp khó khăn để tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động; việc liên kết với các khu điểm du lịch trong và ngoài tỉnh cũng còn hạn chế dẫn đến việc chưa thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Nói về việc phát triển du lịch nông nghiệp, ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Như Thanh cho biết: Những năm gần đây, có nhiều đơn vị, cá nhân ở huyện đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, mang đến trải nghiệm thú vị mới cho du khách. Nổi bật như, mô hình nuôi ốc gắn với du lịch cộng đồng tại thôn Cây Nghĩa, hay thôn làng Lúng (xã Xuân Thái), vườn hoa Thủy Sơn (thị trấn Bến Sung), vườn bưởi Hải Tân (xã Hải Long), mô hình trồng nho (xã Xuân Du)... Cùng với đó, là tham quan nhiều mô hình nông nghiệp có quy mô lớn, các trang trại, gia trại, các mô hình XDNTM kiểu mẫu, các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao gắn kết với các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện. Phải khẳng định rằng, du lịch nông nghiệp không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, mà còn đánh thức các giá trị văn hóa bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống... của địa phương.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì hiện nay việc phát triển du lịch nông nghiệp của huyện Như Thanh còn nhiều hạn chế, quy mô nhỏ chủ yếu là hộ gia đình, HTX đầu tư phát triển. Huyện cũng chưa có nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao phục vụ du khách đến tham quan. Các sản phẩm du lịch nông thôn cũng chưa đặc sắc, chưa mới lạ, hấp dẫn. Chưa có sự liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút du khách trong và ngoài nước. Việc gắn du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương cũng chưa được chú trọng. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không bảo đảm. Tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu...
Với nhiều lợi ích mang lại, nhất là trong việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, nên vài năm trở lại đây, loại hình du lịch nông thôn đang được các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển và dần khẳng định được vị thế trong cơ cấu ngành du lịch của tỉnh. Đã có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút sự quan tâm của du khách như: Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam - Thanh Tam BamBoo Ecopark, Nông trại Ánh Dương và nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ, công nghệ cao kết hợp với du lịch tham quan, mua sắm tại một số địa phương Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành, Lang Chánh...
Thực tiễn cho thấy, do chưa có quy hoạch cụ thể, chưa có sự liên kết, tham gia của địa phương, các đơn vị lữ hành nên hiệu quả của các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp chưa cao, thiếu tính bền vững. Bởi vậy, các điểm du lịch nông nghiệp gần như mới chỉ là “điểm đến” chứ chưa phải là “điểm dừng” chân của du khách. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo “bàn đạp” cho du lịch nông nghiệp phát triển và dần khẳng định được vị thế trong cơ cấu ngành du lịch của tỉnh, các cấp ngành, địa phương cần có quy hoạch bài bản từ cơ sở hạ tầng, diện tích đất sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng miền. Đồng thời, cần tạo thành chuỗi liên kết giữa du lịch nông nghiệp với các loại hình du lịch khác, chú trọng yếu tố cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi địa phương. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm OCOP...
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-11-21 13:56:00
COP29: Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân thiện với môi trường
-
2024-11-21 09:16:00
Top khách sạn, resort hàng đầu ở Cát Bà được yêu thích trên Traveloka
-
2023-12-05 14:03:00
Năm 2023, du lịch Thanh Hóa vượt chỉ tiêu đón khách trước 1 tháng
Khám phá Sài Gòn - Phan Thiết: Hành trình trải nghiệm du lịch độc đáo cùng Traveloka
Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới
Đổi mới, đa dạng hóa các tuyến tham quan gắn với Di sản Thành Nhà Hồ
Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông
Xây dựng đền Bà Triệu trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn
Gợi ý 5 địa điểm bán bánh lọc Huế thơm ngon, chuẩn vị tại Thanh Hóa
Nếp hạt cau Pù Luông
Phường Trung Sơn quyết tâm xây dựng đô thị du lịch văn minh, hiện đại
Những ngày đầu đông nơi núi rừng Pù Luông