Nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản
Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang dần chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp, các địa phương đã tích cực tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Từ đó xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản.
Sản xuất dưa vàng công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Thọ Xuân).
Là một trong những đơn vị luôn tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, hằng năm, Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) đều dành một nguồn kinh phí lớn cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Với mục tiêu ấy, công ty luôn chú trọng rà soát nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng. Đến nay, công ty đã chiếm được phần lớn thị phần trong việc cung ứng gạo cho các địa phương trong tỉnh và đang dần mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành cả nước. Toàn bộ diện tích lúa gạo được công ty sản xuất 100% theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Hiện, công ty đang có 3 sản phẩm gạo Tâm An, gạo Tâm Bình và gạo Japonica đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2021. Năm 2024, đơn vị phấn đấu sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng hơn 25% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Duy Cường, phó giám đốc công ty, cho biết: “Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng của sản phẩm nên buộc các doanh nghiệp, HTX, hay bất cứ đơn vị sản xuất nào cũng phải trau dồi kiến thức, đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là yếu tố quan trọng để các đơn vị giữ vững vị thế và cũng là cơ hội để tạo sức bật cho doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận”.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn thuộc Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 124ha; trong đó xây dựng hơn 20ha nhà lưới, nhà màng theo công nghệ Israel, trực tiếp sản xuất hoa, rau, củ, quả chất lượng cao. Ngoài ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trung tâm còn áp dụng hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) trong quy trình canh tác. Toàn bộ thông tin được thông báo về hệ thống máy chủ, người quản lý sẽ dựa vào đó để kiểm tra, rà soát cũng như cảnh báo các dấu hiệu bất thường cho ban kỹ thuật từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc thu hoạch và vận chuyển cũng được trung tâm điều phối xe trên ứng dụng thông minh, tránh ùn tắc, sai lộ trình hoặc chậm giờ. Từ sự kết hợp “nhuần nhuyễn” của công sức lao động và hệ thống máy móc công nghệ cao, các sản phẩm của Công ty CP Mía đường Lam Sơn luôn có chất lượng ở mức cao.
Thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX và đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm trên toàn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Phần lớn các mô hình nông sản ứng dụng công nghệ cao đều đạt hiệu quả tốt cả về năng suất, chất lượng lẫn lợi nhuận. Trung bình một năm, các mô hình trồng trọt đạt lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha; chăn nuôi lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng/ha; thủy sản từ 2 - 5 tỷ đồng/ha.
Để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tích cực tuyên truyền cho bà con nông dân về lợi ích của việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, chứng nhận VietGAP. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông - lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm. 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.
Bài và ảnh: Chi Phạm
{name} - {time}
-
2024-12-13 16:06:00
Điện lực Thạch Thành phát động ký cam kết an toàn lao động
-
2024-12-13 15:47:00
Tiếp tục định hướng phát triển năng lượng tái tạo
-
2024-08-04 19:58:00
Nhiều khó khăn trong xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tường minh hoạt động đấu thầu
Vinmec khai trương phòng khám đa khoa quốc tế tại Vinhomes Ocean Park
Bản tin Tài chính (4/8): Giá vàng giảm, nhà đầu tư vẫn lạc quan
Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
Giữ an toàn thị trường tiền tệ
Vietjet được vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Bản tin Tài chính 3/8: Giá vàng trong nước vượt ngưỡng 78 triệu đồng
EVNNPC kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư dự án lưới điện trung hạ và công tác tài chính kế toán tại PC Thanh Hóa
Bảo đảm an toàn diện tích nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão