(Baothanhhoa.vn) - Không những tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đảng viên vùng đồng bào Mông Thao Văn Thê (sinh năm 1986) ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) còn gương mẫu làm trước, tiên phong phát triển kinh tế.

Muốn bà con tin, mình phải làm trước...

Không những tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đảng viên vùng đồng bào Mông Thao Văn Thê (sinh năm 1986) ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) còn gương mẫu làm trước, tiên phong phát triển kinh tế.

Muốn bà con tin, mình phải làm trước...

Anh Thao Văn Thê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Mèo. Ảnh: Đồng Thành

Ở bản đồng bào Mông Ché Lầu, số người thế hệ 8X có trình độ trung cấp như Thao Văn Thê không nhiều. Bởi ngày ấy, điều kiện kinh tế còn đặc biệt khó khăn, nhiều hộ gia đình còn thiếu đói, đứt bữa, học sinh muốn học THPT đã phải xuống tận trung tâm huyện, cách nhà hơn 80 cây số. Trong khi nhận thức về việc học của phần đa đồng bào còn chưa cao, nhưng Thao Văn Thê vẫn quyết tâm đi học, bởi chỉ có học mới là con đường thoát nghèo.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông lâm (nay là Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa), Thao Văn Thê trở về công tác tại địa phương và sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Mèo từ năm 2012 đến nay. Anh hăm hở đi đến các bản làng trong xã, mang vốn kiến thức nhà trường để hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đưa nhiều giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Trong đó, câu chuyện vận động đồng bào Mông ở nơi mình sinh sống thay đổi tập quán canh tác lạc hậu với Thao Văn Thê khá nan giải. Cho đến trước năm 2019, phần nhiều bà con vẫn thường du canh nay đây mai đó, phá rừng lấy đất làm nương rẫy, hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, có ruộng lúa nước, bà con thường chỉ làm một vụ, hoặc không. Phần nhiều bà con không chăn nuôi để cải thiện thu nhập. Việc tổ chức đám tang còn rườm rà, ăn uống linh đình từ 5 - 6 ngày, gây lãng phí, tốn kém, khiến nhiều hộ gia đình đã nghèo càng nghèo thêm.

Biết đó là lạc hậu và phải thay đổi, nhưng làm thế nào để bà con tin tưởng, làm theo lại là chuyện khác. Thao Văn Thê đã cùng với chi bộ, ban quản lý bản đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bà con thâm canh trồng lúa nước 2 vụ; trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, rồi chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá cải thiện thu nhập...

Không chỉ nói đúng, vợ chồng Thao Văn Thê còn tiên phong làm trước. Năm 2020, anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng 1ha cây khoai mán ruột vàng sau một thời gian thử nghiệm trên đất rừng Ché Lầu. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc và tích cực đấu nối thị trường tiêu thụ, ngay trong năm đầu tiên, ruộng khoai đã mang lại cho gia đình anh thu nhập 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Thấy cây khoai mán ruột vàng có lãi, nhiều hộ dân trong bản Ché Lầu đã nhờ anh hướng dẫn cách trồng. Không những nhiệt tình truyền đạt cách thức, cầm tay chỉ việc, anh còn hỗ trợ bà con giống khoai ban đầu. Đến nay bản Ché Lầu đã có gần 20 hộ gia đình tham gia trồng loại cây này. Anh Thê cho biết: Hiện tại, sản phẩm làm ra của bà con trong bản chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường về sản lượng. Loại cây trồng này phù hợp với trình độ canh tác của bà con, trong khi chi phí ban đầu không nhiều, từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch chỉ 1 năm.

Ngoài ra, vợ chồng anh Thê còn tích cực cải tạo diện tích đất hoang hóa, tạo đường dẫn nước để thâm canh trồng lúa nước 2 vụ. Đồng thời mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại nuôi bò với gần 20 con. Nhờ đó, cuối năm 2023, gia đình anh đã xây dựng được một căn nhà khang trang, kiên cố thuộc diện nhất nhì bản Ché Lầu.

Cùng với tiên phong phát triển kinh tế, hướng dẫn áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, Thao Văn Thê còn cùng với cấp ủy chi bộ, ban quản lý bản vận động bà con thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục trong tang ma và hôn nhân cận huyết thống. Thấy anh làm được, nói được, nhiều bà con trong bản đã học và làm theo. Đến nay các đám tang ở bản Ché Lầu đã được tổ chức theo nếp sống mới, người chết được đưa vào quan tài, không ăn uống linh đình trong nhiều ngày gây lãng phí, tốn kém. Nhiều thanh niên nam nữ đã kết hôn với người dân tộc Thái, xóa bỏ tư tưởng người Mông chỉ lấy người Mông, góp phần ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Anh Thao Văn Thê cho biết: “Ban ngày làm việc tại công sở xã, tối về mình vẫn thường xuyên đến nhà thăm hỏi tình hình, động viên nhiều gia đình trong bản vươn lên phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái học hành. Muốn bà con tin và làm theo, thì mình phải đi trước, làm trước. Mình tin, làm theo chủ trương của Đảng, cuộc sống của bà con bản mình sẽ ngày càng tốt đẹp hơn”.

Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]