Làm giàu trên vùng đồng trũng
Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện Thiệu Hóa có bước phát triển, tác động tích cực đến đời sống của cán bộ, hội viên, nông dân. Cũng từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Anh Lê Văn Thẩn kiểm tra sản phẩm trước khi đóng bao bì. Ảnh: Hoàng Lan
Anh Lê Văn Thẩn ở thôn Vĩ Thôn, xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, một hội viên nông dân nhiệt huyết với các phong trào của hội. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông nên anh Lê Văn Thẩn gắn bó với nghề nông từ nhỏ, bao thăng trầm nghề nông đều trong tâm trí anh. Vùng quê anh vốn là vùng sản xuất lúa, tuy nhiên quá trình sản xuất từ cấy, thu hoạch, bảo quản còn gặp nhiều khó khăn do đó thu nhập của bà con nông dân không cao. Từ thực trạng đó, trong anh luôn ấp ủ hoài bão làm sao để giảm bớt những khó khăn, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và cũng là nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo quê hương.
Bắt nhịp vào sự thay đổi của thị trường, anh Lê Văn Thẩn cũng nhận ra cần có những tiếp cận để thích nghi. Ban đầu mỗi ngày anh mua gom vài tạ thóc, sau tăng dần lên vài tấn để nhập cho các kho lớn hay dùng một phần xay xát, lấy phụ phẩm, cám bã chăn nuôi nông hộ. Những bước đi đầu tiên ấy dần giúp anh tích cóp vốn liếng và nuôi chí mở rộng đầu tư. Khi đã vững nghề, chắc vốn, nhiều mối hàng, anh xây kho trữ và đầu tư thêm máy xay xát công suất lớn hơn.
Năm 2018, anh thành lập Công ty TNHH lương thực Thuần Dũng, đầu tư nhà máy thu mua và xay xát lúa gạo quy mô lớn. Để chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gạo chất lượng cao, anh đã trực tiếp liên kết xây dựng vùng lúa năng suất, chất lượng cao. Hình thức liên kết là công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giám sát quy trình sản xuất và thu mua bao tiêu lúa cho bà con. Ngoài ra, công ty còn ký kết bao tiêu lúa tươi tại ruộng cho nông dân trong huyện và các huyện lân cận với tổng diện tích trên 300ha. Đến nay, anh Thẩn đã đầu tư gần 40 tỷ đồng mua sắm phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh. Công ty hiện tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên, với mức thu nhập ổn định bình quân 8 - 11 triệu đồng/lao động/tháng; tạo việc làm cho 25 - 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/người/ngày. Song song với quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ, từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, huyện và các lớp đào tạo, tập huấn, công ty đã áp dụng thành công chuyển đổi số để kinh doanh lúa gạo. Sản phẩm được đưa lên nhiều sàn thương mại điện tử, nhờ đó doanh thu năm 2023 tăng hơn so với các năm trước, tổng doanh thu năm 2023 đạt 40 tỉ đồng.
Anh Lê Văn Thẩn chia sẻ: "Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, tôi luôn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng gạo. Trước kia, khi phơi khô được lúa, người nông dân cần ít nhất 3 ngày nắng to. Vì vậy, khi phơi ngoài trời nắng, trong thời gian dài như vậy, hạt gạo bị chuyển hóa một số dưỡng chất, giảm thành phần dinh dưỡng và mất đi một số vị đậm đà, độ thơm ngon tự nhiên. Để khắc phục nhược điểm này, tôi đầu tư dây chuyền sấy khô tự động với công suất 100 tấn/ca. Đây là bước đột phá quan trọng đã đem đến sự thay đổi lớn cho ngành chế biến lúa gạo. Dây chuyền này với những tính năng tự động cao, nên khi sấy khô ở nhiệt độ thích hợp hạt lúa vẫn giữ nguyên được các dưỡng chất tự nhiên, tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao. Chưa thật bằng lòng với những thành quả đã đạt được, tôi vẫn luôn trăn trở làm sao để người nông dân quê mình làm nông nghiệp có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hướng đi của tôi là làm sao cho hạt gạo quê hương có được thương hiệu như những sản phẩm nổi tiếng ở những vùng quê khác, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Giỏi trong kinh doanh, anh Thẩn còn được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân cảm mến vì những nghĩa cử anh đã dành cho quê hương. Mỗi năm anh đều dành một khoản tiền quan tâm đến công tác đền ơn, đáp nghĩa, ủng hộ gia đình khó khăn, hoàn cảnh neo đơn; tặng quà cho các cháu học sinh có thành tích học tập tốt, đóng góp xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục trong XDNTM với số tiền trên 3 tỷ đồng. Đóng góp phòng, chống đại dịch COVID-19 hơn 100 triệu đồng. Hàng năm gia đình anh đều giúp đỡ 15 hộ khó khăn về vật chất và kiến thức kinh doanh.
Từ những tấm gương tiêu biểu như anh Thẩn trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống nông dân địa phương. Đồng thời, giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất góp phần làm giàu cho bản thân, cho gia đình và góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Hoàng Lan
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:37:00
Nữ “thủ lĩnh” công đoàn tận tâm
-
2024-12-07 10:39:00
Thầy giáo gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2024-06-15 13:58:00
Đảng viên tiên phong hiến đất làm đường
Nông dân giỏi làm kinh tế, nhiệt huyết với phong trào
Nông dân Phạm Tiến Lượng làm kinh tế giỏi
Bí thư chi bộ gương mẫu, tận tụy
Gương sáng đại úy trinh sát ma túy
Đảng viên trẻ “gánh vác” việc thôn
Thầy hiệu trưởng tâm huyết với sự nghiệp trồng người
Tận tâm vì sự phát triển chung của phố
Anh Nguyễn Mạnh Tường không ngừng sáng tạo
Cựu chủ tịch huyện rời nhiệm sở về làm... nông dân