Hướng tới phát triển nông nghiệp xanh
Trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh (NNX), nông sản sạch đã trở thành mục tiêu chính trong phát triển nông nghiệp của nhiều địa phương. Không chỉ hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, NNX còn hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, được xem là một trong những giải pháp lấy lại sự cân bằng môi trường sinh thái, cải tạo đồng đất...
Mô hình trồng rau thủy canh tại xã Tế Lợi (Nông Cống).
NNX chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp; áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả... Trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình sản xuất hướng tới NNX đã được triển khai thực hiện thông qua các mô hình canh tác tổng hợp trong trồng lúa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”; phát triển các mô hình trong nhà màng, nhà lưới; nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, rơm, đậu lạc... sản xuất thành thức ăn chăn nuôi; xử lý chất thải thành khí sinh học, nuôi trùn quế, áp dụng công nghệ vi sinh, đệm sinh học, chế biến phân vi sinh, phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường...
Tại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân), ông Vũ Văn Chiến, quản lý tại trang trại trồng bưởi hữu cơ, cho biết: “Nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây, tăng chất lượng cho trái bưởi cũng như cải tạo, phục hồi “sức khỏe” cho đất, chúng tôi đã dùng phế phẩm từ cá như xương, lòng... xay nhỏ, ủ từ 30 đến 40 ngày, thủy phân để làm phân bón dạng lỏng cho cây. Đồng thời, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi bò, gia cầm trong trang trại và rác thải cũng được ủ hoai mục, bưởi rụng cũng được gom lại để ủ men EM làm phân bón. Sau đó, phân bón được hòa với nước trong các bể lớn, vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt là phân dẫn đến từng gốc cây. Ngoài ra, chúng tôi còn nuôi ngỗng và gà dưới tán bưởi để ăn cỏ chứ không phun thuốc trừ cỏ độc hại. Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trang trại phải thực hiện 8 không, đó là: Không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây. Bưởi Diễn trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ có sức chống chịu sâu bệnh tốt, tuy trái nhỏ, nhưng vị ngọt đậm, bưởi sau khi thu hoạch có thể để tới 1 - 2 tháng chưa hỏng".
Không chỉ trong trồng trọt, với mục tiêu phát triển theo hướng NNX, trong nuôi trồng thủy sản đã nổi bật lên mô hình cá - lúa, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Anh Phạm Hữu Dũng, xã Hà Long (Hà Trung) đang có hơn 1ha trồng lúa kết hợp nuôi cá cho biết: “Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, nhiều vụ sản xuất tôi đã chủ động sản xuất theo quy trình hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường. Khi nuôi cá phía dưới sẽ ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại, góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật; các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, làm đất. Ngược lại, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá góp phần tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, khi thức ăn không bị tồn đọng, phân hủy. Không những thế, tôi còn sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước và nền đáy ruộng, giúp nâng cao sức đề kháng của cá, giảm thiểu ô nhiễm trong ruộng nuôi, đồng thời giúp hạn chế vi khuẩn có hại, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho cá”.
Trên địa bàn tỉnh, xu hướng sản xuất NNX, an toàn như VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ... đã và đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để NNX trở nên bền vững, những “cánh đồng xanh” được nhân lên, không chỉ cần có sự thay đổi tư duy sản xuất, sự học hỏi và nắm bắt kiến thức mới của người dân mà các sở, ngành, địa phương cần có các cơ chế, chính sách đồng hành, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; liên kết theo chuỗi, kết nối các kênh sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. Bên cạnh đó, chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân có thể làm chủ được quy trình sản xuất; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực để hỗ trợ người dân. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn với những quy trình canh tác chặt chẽ; qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản và tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mạnh dạn đầu tư máy móc, kỹ thuật.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-12-20 10:45:00
Hiệu quả liên kết sản xuất rau màu vụ đông
-
2024-12-12 21:53:00
Cảnh giác với chất cấm trong thực phẩm giảm cân
-
2024-09-28 11:39:00
Nhìn lại công tác kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Hiểm họa mắc bệnh từ thực phẩm tái, sống
Nỗ lực bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng qua chuỗi thực phẩm an toàn
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Kiểm soát an toàn thực phẩm
Chợ thực phẩm an toàn - cơ hội kết nối sản phẩm uy tín
Phát triển rau màu theo hướng hàng hóa
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp