Hồi ký của một nữ chính trị gia
Một nữ chính trị gia sẽ viết gì trong cuốn hồi ký của mình? Là ngồn ngộn những sự kiện gắn liền với lịch sử đất nước? Những “mảng màu” chốn “thâm cung bí sử” hay tô đậm lên những đóng góp của mình cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc khi còn “tại vị”? Nhưng thật mộc mạc, chân phương, cuốn hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ra mắt bạn đọc với tựa đề: “Gia đình, bạn bè và đất nước” (NXB Tri Thức). Những mệnh đề vô cùng gần gũi với số phận một con người mà thật cao quý, thiêng liêng. Gia đình, bạn bè và đất nước – đó là tất cả những mạch nguồn đã tạo nên sức mạnh và thành công của nữ chính trị gia ấy.
Cuốn hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" (NXB Tri Thức) của nguyên Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris.
Cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” được bà viết và hoàn thành trong hai năm 2007-2009. Tại một buổi giao lưu với bạn đọc về cuốn sách, bà Bình đã có những chia sẻ rằng: Trong cuốn hồi ký có những câu chuyện bà rất đắn đo có nên kể hay không, có lợi gì cho bạn bè, Nhân dân, đất nước hay không. Nhưng trước hết, bà viết cuốn hồi ký này như một tư liệu để lại cho con cháu với tư cách là một người bà, một người mẹ. Qua cuốn hồi ký, bà muốn gửi lời biết ơn sâu sắc đến đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu đem lại hòa bình, độc lập cho đất nước và tri ân đến bạn bè quốc tế đã đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của Tổ quốc. Bà cũng mong rằng cuốn hồi ký sẽ chuyển tải những thông điệp, bài học bổ ích cho thế hệ sau.
Với gần 300 trang sách, bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, văn phong mạch lạc, khúc chiết, bà Bình như đang thủ thỉ tâm sự cùng độc giả về cuộc đời bà, về con đường mà bà đã đi qua cùng gia đình, bạn bè và đất nước. Điều cốt yếu và thành công nhất của cuốn hồi ký là đã khiến cho độc giả cảm nhận chân thực, sâu sắc nhất tinh thần, sự vận động của quốc gia, dân tộc trên hành trình đầy cam go, khốc liệt, bi thương mà cũng thật hào hùng hòa trong số phận một cá nhân. Đúng như bà Bình đã từng tâm sự: “Tôi có một cuộc đời rất lạ: không thể tách ảnh hưởng và tình yêu thương của gia đình trên mỗi bước đường nhiều nỗi gian truân của mình. Đó là sức mạnh và cũng là hạnh phúc đời tôi”; “gia đình tôi là vậy, gia đình với Tổ quốc và cách mạng là một, không thể tách rời”.
Bà Bình sinh ra và lớn lên trong gia đình căn bản, có truyền thống yêu nước. Bà sớm được thừa hưởng nền tảng giáo dục tốt từ gia đình, đặc biệt là từ người cha. Từ những ngày ở tại Phnôm Pênh, khi hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước, sau đó có phong trào cứu tế nạn đói cho miền Bắc thu hút đông đảo tham gia của người Việt, gia đình bà Bình hăng hái có mặt. Từ đây, bà và gia đình hiểu hơn về tổ chức Việt Minh – tổ chức đã đứng ra vận động những phong trào này. Bà tạm gác việc thi tú tài, cùng gia đình trở về Việt Nam để được tham gia vào cuộc đấu tranh lớn của dân tộc.
Đọc hồi ký, bạn đọc như được sống lại cùng những sự kiện, dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước, đặc biệt là phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là những năm tháng kháng chiến chống Pháp khốc liệt. Bà Bình hăng hái hoạt động cách mạng. Bà có thời gian ở tù gần 3 năm, bị địch kết án 4 năm án treo. Ngay cả trong thời điểm ngặt nghèo nhất, bà vẫn cùng các đồng chí khác tổ chức học tập văn hóa, chính trị, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù và hưởng ứng phong trào bên ngoài...
Những năm 1956-1959, một giai đoạn đặc biệt khó khăn của cách mạng Việt Nam. Pháp trắng trợn vi phạm các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, đàn áp quân ta ngày càng khốc liệt. Máy chém lê khắp nơi, những vụ “khủng bố trắng”... Trước tình thế ấy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, tựa như “cơn mưa rào đổ xuống giữa mùa nắng hạn, đáp ứng lòng mong mỏi tha thiết của Nhân dân”, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, chiến đấu của Nhân dân miền Nam. Cùng với mặt trận quân sự, chính trị, mặt trận đấu tranh ngoại giao cũng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ.
Đây cũng là lúc bà Bình nhận nhiệm vụ mới – hoạt động ngoại giao cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với cái tên Nguyễn Thị Bình. Kể từ đó, người phụ nữ Việt Nam với tên gọi Nguyễn Thị Bình xông pha khắp các “mặt trận ngoại giao” quốc tế - những cuộc đấu trí, đấu lý căng thẳng. Nói về công việc của mình, bà Bình rất giản dị: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giải thích cho bạn bè ý nghĩa và tính chính nghĩa cuộc chiến đấu của chúng ta”; là những nỗ lực, cố gắng “nói cùng bạn bè năm châu ước vọng sâu sắc của hàng triệu đồng bào chúng ta đang đau khổ và đang hy sinh chiến đấu”.
Bà Bình gắn bó với công tác đối ngoại suốt 14 năm, đến năm 1976, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất. 14 năm ấy ghi dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời bà. Từ năm 1962, bà thường xuyên hoạt động quốc tế, dự các hội nghị, thực hiện các cuộc thăm hữu nghị rồi đoàn thăm, làm việc chính thức. Bà cùng lá cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hiện diện trên hầu khắp năm châu, thực sự là biểu tượng cuộc chiến đấu của Nhân dân miền Nam để truyền tải thông điệp: “Nhân dân miền Nam Việt Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, cũng không có nguyện vọng nào khác là được sống trong hòa bình, một cuộc sống bình thường như mọi người trên trái đất”...
Một trong những điều được bạn đọc quan tâm nhất khi đọc hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình là những vấn đề xoay quanh Hiệp định Paris, được ghi lại trong 1 chương, đặt tên là “Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử”. Bà Bình là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này.
Cuộc đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 11/1968 và kết thúc ngày 27/1/1973. Nhiều chi tiết thú vị xoay quanh cuộc đàm phán ấy được tái hiện lại qua lời kể của “người trong cuộc”. Đó là thái độ quan tâm đặc biệt của dư luận đối với phái đoàn của “Việt cộng”, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc báo chí nối tiếp nhau... cho đến việc “ngoại lệ” trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới – “đấu tranh về cái bàn” mà thực chất là đấu tranh về vai trò, vị trí, tính chất pháp nhân của các bên tham gia đàm phán. Độc giả cảm động và cảm phục biết bao trước tâm sự của bà Bình: “... Còn chúng tôi, được vinh dự thay mặt cho Nhân dân hai miền đang chiến đấu để đến đây, chúng tôi hiểu sâu sắc dù nhiệm vụ của chúng tôi có khó khăn đến mấy cũng không thể so sánh được với sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ ta trên chiến trường. Nhưng tiền tuyến ngoại giao này cũng là một mặt trận cố gắng góp phần đắc lực nhất cho thắng lợi của chiến trường. Trong suốt 4 năm liền, cứ mỗi ngày thứ năm hằng tuần, hai đoàn chúng tôi đến trung tâm hội nghị Klesber chính là để làm nhiệm vụ đó, nhiệm vụ vạch trần âm mưu xâm lược của Mỹ trước dư luận thế giới, làm rõ chính nghĩa vì độc lập, tự do và thống nhất của Nhân dân ta”.
Nhà văn Nguyên Ngọc đã có những nhận định rất tinh tế về “bông hồng thép” của ngoại giao Việt Nam - Nguyễn Thị Bình: “Có thể nói mà không sợ quá rằng có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin...”.
Bà Bình đã dành trọn cuộc đời mình cống hiến cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cuộc đời bà chưa bao giờ tách rời những mệnh đề thiêng liêng ấy. Ngay cả công việc ngoại giao, với bà, đó cũng là ngoại giao Nhân dân, “nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim”. Lấp lánh trên những trang hồi ký chân thành, mộc mạc như lời thủ thỉ, tâm sự là vẻ đẹp toát lên từ tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng của một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu.
Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927 tại làng Tân Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là An Hiệp, Châu Thành, Đồng Tháp). Mẹ của bà là Phan Thị Châu Lan, con gái thứ 2 của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Bà nguyên là Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này. |
Nguyên Linh
{name} - {time}
-
2025-01-11 19:04:00
Khi bóng xuân lồng bóng chữ
-
2025-01-11 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Tết ở đâu xa
-
2024-11-02 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Cơ hội cuối cùng
[E-Magazine] – Thương nhớ ngày mưa.
Tháng 11 này, Vịnh Hạ Long “nóng” hơn bao giờ hết với Đại nhạc hội Superfest 2024
Phát huy giá trị hương ước, quy ước trong đời sống xã hội hiện đại
Diễn đàn Văn hóa các thành phố thế giới 2024: Thúc đẩy tương lai sáng tạo
Mường Lát: Nâng cao nghiệp vụ bảo tồn văn hóa phi vật thể cho đồng bào dân tộc thiểu số
NSND Xuân Bắc được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn
[Podcast] - Tản văn: Chênh chao ngày nắng ươm sương
Thạch Thành: Quan tâm phục dựng các di sản văn hóa truyền thống
[Podcast] Truyện ngắn: Nắng đẹp mùa thu