“Gõ cửa” miền Tây xứ Thanh (Bài cuối): Du lịch miền Tây - điểm đến hấp dẫn du khách
Miền Tây xứ Thanh được thiên nhiên ban tặng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng với nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số đã tạo nên bức tranh du lịch đầy màu sắc, hấp dẫn du khách. Đến nay, một số sản phẩm du lịch như sinh thái cộng đồng, thể thao mạo hiểm, trekking... được du khách trong nước và quốc tế yêu thích.
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) với nhiều khu nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách.
Sức hút từ thiên nhiên và văn hóa bản địa
Khu vực miền Tây xứ Thanh có đến 11 huyện miền núi, chiếm hơn 3⁄4 diện tích của tỉnh. Đây là vùng có ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, với rừng, hồ, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng. Nhiều cảnh quan tự nhiên đã được đưa vào khai thác, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như: động Bo Cúng (Quan Sơn); hang Con Moong, thác Mây, thác Voi (Thạch Thành); hang Dơi (Bá Thước); thác Ma Hao (Lang Chánh); thác Đồng Quan (Như Xuân); hồ Pha Đay (Quan Hóa)... Đây cũng là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc: Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Mường, Thổ với những bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Nếu là “tín đồ” du lịch miền Tây xứ Thanh, du khách sẽ nhận ra rằng, chính vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, cùng giá trị văn hóa và nhịp sống chậm rãi của những bản, làng đã tạo nên dấu ấn riêng cho sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng.
Đánh giá trên Tripadvisor - nền tảng du lịch lớn nhất thế giới, phần lớn du khách bày tỏ sự hài lòng về du lịch miền núi xứ Thanh, đặc biệt là các điểm đến tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước). Đối với du khách quốc tế, đây là điểm du lịch xanh đáng đến để trải nghiệm khi tới Việt Nam. Với những giá trị văn hóa đặc sắc và cảnh quan tự nhiên hấp dẫn... gần 90% du khách đồng ý sẽ quay trở lại trong thời gian tới.
Nhằm tạo điểm nhấn và giá trị thương hiệu cho du lịch, một số lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, múa sạp, múa xòe, điệu khặp, khua luống (dân tộc Thái); trò diễn Pồn Pôông, hát sắc bùa, cồng chiêng, xường giao duyên (dân tộc Mường); múa rùa, múa bát, tết nhảy (dân tộc Dao); hát Tơm (Khơ Mú); khèn bè, đàn môi (dân tộc Mông)... đã được các địa phương quan tâm khai thác, phát huy giá trị. Qua đó góp phần làm giàu thêm trải nghiệm của du khách, gắn liền với văn hóa của cư dân bản địa tại điểm đến.
Trong đó, các hoạt động như: leo núi, cắm trại, tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm tour du lịch mạo hiểm, giải thể thao Marathon băng rừng, hội chợ thương mại và du lịch miền Tây... ngày càng được du khách đón nhận và đánh giá cao. Đáng chú ý, trong năm 2024, sản phẩm tour du lịch trekking đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương, chuyên gia tiến hành khảo sát, xây dựng tại các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân. Dự kiến sản phẩm này sẽ được công bố trong tháng 12.
Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch tỉnh Vũ Văn Bình, cho biết: “Những năm gần đây, một số điểm đến du lịch tại các huyện miền núi như Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, Thường Xuân, Cẩm Thủy... được các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh khai thác. Đến nay, 100% doanh nghiệp lữ hành là thành viên Chi hội Lữ hành đã xây dựng tour kết nối đến các khu, điểm du lịch miền Tây xứ Thanh, được du khách đón nhận và đánh giá cao. Trong đó, có khoảng 60% lượng khách đoàn lựa chọn các điểm đến tại huyện Bá Thước”.
Khẳng định vị trí và sức hấp dẫn
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 2 năm 2023 và 2024, các huyện miền núi của tỉnh đón gần 4 triệu lượt khách, chiếm 14,2% tổng lượng khách cả tỉnh. Trong đó, tổng thu du lịch ước đạt gần 5,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng thu du lịch cả tỉnh.
Nhiều hoạt động trải nghiệm gắn liền với văn hóa bản địa tại bản Bút (Quan Hóa).
Du lịch miền Tây xứ Thanh, mà trọng tâm là sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đã, đang có sự phát triển mạnh mẽ, từng bước khẳng định chỗ đứng trong cơ cấu sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, kết quả kinh doanh du lịch còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng du lịch của vùng. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng khu vực miền núi còn thiếu, nhất là đường giao thông kết nối nội vùng và ngoại vùng chưa đồng bộ. Các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước... còn nhiều hạn chế, bất cập. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch cũng là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Thông qua các chương trình khảo sát, đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, trước hết cần tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá... Qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn liền với tiềm năng, văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, cần phát triển thêm các hoạt động trải nghiệm, bổ trợ để tạo điểm nhấn như: xây dựng các tuyến đi bộ; trung tâm thông tin du lịch; các tuyến quan sát động - thực vật; đầu tư hệ thống tàu thuyền phục vụ du lịch khám phá, thưởng ngoạn lòng hồ; phát triển nghề và làng nghề truyền thống... Ngoài ra, cần có sự liên kết với các địa phương lân cận trong việc khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch chung và trao đổi thị trường khách du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Thị Hải Yến, cho biết: “Các huyện miền núi xứ Thanh là khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch, song đây cũng là nơi còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hệ thống giao thông tới các khu, điểm du lịch. Để khuyến khích, hỗ trợ các huyện miền núi, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực dành cho phát triển du lịch, đặc biệt trong công tác đầu tư, quy hoạch du lịch; hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch... Về phía Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn đồng hành cùng các địa phương trong việc định hướng phát triển sản phẩm; quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi số... Đến nay, một số điểm đến đã trở thành “điểm sáng” thu hút khách quốc tế như: bản Đôn, bản Báng, bản Kho Mường, bản Hiêu... (Bá Thước); bản Bút, bản Hang (Quan Hóa); bản Mạ, bản Vịn (Thường Xuân); bản Năng Cát (Lang Chánh); bản Ngàm (Quan Sơn)... Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh khai thác, phát triển du lịch tại các huyện miền núi trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2025-01-10 19:58:00
Hướng đến sự đa dạng trong phát triển sản phẩm du lịch dịp tết
-
2025-01-10 14:56:00
Du lịch xứ Thanh có gì trong tháng đầu tiên của năm mới?
-
2024-12-05 16:19:00
Trải nghiệm du thuyền Royal Caribbean Cruise với giá cực tốt trên Traveloka
British Airways tiết lộ mẫu ghế hạng nhất mới xa hoa trên siêu máy bay A380
Trung Quốc nối lại miễn thị thực cho công dân Nhật Bản du lịch ngắn ngày
Một số điểm du lịch vẫn còn để khách “cưỡi ngựa xem hoa”
DANAGO đón tiếp 550 du khách MICE du lịch Đà Nẵng
Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa
Cuối năm, du lịch check-in lên ngôi
Đoàn famtrip Hiệp hội Du lịch Việt Nam khảo sát, trải nghiệm tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Top khách sạn, resort hàng đầu ở Cát Bà được yêu thích trên Traveloka