“Gõ cửa” miền Tây xứ Thanh (Bài 2): Vươn tầm sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở các huyện miền núi của tỉnh đã khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng trăm sản phẩm đã có thương hiệu, chất lượng được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Sản phẩm gạo nếp Cay Nọi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của huyện Quan Sơn. Ảnh: Lê Hợi
Phát triển sản phẩm bản địa, đặc trưng
Thường Xuân là một trong những huyện miền núi đầu tiên được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao chế biến từ tre, luồng. Đến tháng 12/2024, huyện có 14 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao được công nhận. Trong đó, có 8 sản phẩm do UBND tỉnh công nhận, như: tinh dầu quế, quế Thanh, ống hút tre, mật ong hoa rừng Yên Nhân, măng khô Yên Nhân, cá sấy hồ Cửa Đạt, dưa vàng Thọ Thanh, măng khô Xuân Liên. 6 sản phẩm do UBND huyện công nhận, như: măng khô Bát Mọt, siro húng chanh Mol, cao tía tô Mol, rượu nếp Cau bản Nàng, rượu na rừng Xuân Liên, mật ong hoa rừng Bù Sèo... Đạt được kết quả đó, huyện đã và đang tập trung xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP từ đặc trưng, thế mạnh của từng xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ du lịch Xuân Liên, cho biết: "Măng rừng là sản vật gắn liền với đời sống bao đời của người dân ở nơi núi rừng Xuân Liên. Để nâng tầm giá trị cây luồng, HTX đã đầu tư xây dựng sản phẩm măng khô đạt OCOP và tạo việc làm cho người dân địa phương. Hiện HTX đã xây dựng sản phẩm măng khô Xuân Liên đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao".
Như Xuân là một trong những huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhất khu vực miền núi của tỉnh với 24 sản phẩm OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, như: Cam đường Canh, cam Xã Đoài Như Xuân, hương bài, măng khô, mật ong Đức Lương, chè Thanh Vân... Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: "Thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã tích cực tuyên truyền và triển khai đến các xã, thị trấn. Đồng thời, tổ chức cho các chủ thể tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về công tác quản lý, sản xuất, tiếp thị... tại các HTX điển hình trong và ngoài tỉnh, như: Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang, Hà Nam, Đắk Lắk... Huyện cũng đã khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng tốt và mang nhiều bản sắc, đặc trưng của địa phương. Từ đó khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất và nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP ở địa phương...".
Sau gần 6 năm triển khai, thực hiện, đến tháng 12/2024, trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh có 136 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 135 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 1 sản phẩm xếp hạng 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi đã khai thác lợi thế vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: cam Vân Du (Thạch Thành) quế ngọc Thường Xuân, vịt Cổ Lũng (Bá Thước), gà đồi Như Xuân... qua đó, duy trì, phát triển bền vững các sản phẩm bản địa, đặc trưng vùng miền. Thông qua các sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu văn hóa, ẩm thực con người miền núi xứ Thanh đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, cùng với các ngành có liên quan của tỉnh, các huyện miền núi đã tích cực tham gia xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản miền núi đã được nhiều nơi biết đến, như: nem chua, măng khô Mường Ca Da, gạo nếp Cay Nọi, vịt bầu suối Chăng Mường Hạ, cá tầm Mường Thanh, các sản phẩm chế biến từ tre luồng...
Sản phẩm thổ cẩm OCOP của huyện Ngọc Lặc tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung cầu năm 2024.
Là một trong những sản phẩm OCOP 4 sao duy nhất hiện nay của khu vực miền núi, các sản phẩm ống hút tre, nứa của Công ty TNHH Vibabo (Thường Xuân) đã khẳng định vị thế, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Giám đốc Công ty TNHH Vibabo Lê Xuân Lâm, cho biết: "Tận dụng nguồn nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương, công ty đã phát triển sản xuất ra những vật dụng hữu ích từ cây tre, cây nứa tép. Từ một loại ống hút ban đầu, đến nay công ty đã sản xuất chế tạo các dòng sản phẩm ống hút tre, nứa với các kích cỡ khác nhau phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Năm 2019, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sản phẩm ống hút tre Vibabo được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm được cung cấp, tiêu thụ rộng rãi ở trong và ngoài tỉnh, được một số công ty trung gian lựa chọn để xuất khẩu sang thị trường các nước, như: Anh, Nhật, Hàn Quốc... với sản lượng khoảng 6 triệu sản phẩm/năm".
Các chủ thể OCOP trên địa bàn các huyện miền núi cũng tích cực tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, như: voso.vn, posmart.vn, lazada, shopee, tiki, Ocoptinhthanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn; trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... Cùng với đó, tổ chức các phiên livestream “Chợ phiên OCOP Thanh Hóa” để giới thiệu sản phẩm nông đặc sản của các huyện miền núi. Thông qua việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện miền núi và giúp các doanh nghiệp, HTX tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 - 20%/năm.
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Thời gian qua, các huyện miền núi rất tích cực trong công tác phát triển sản phẩm OCOP giàu tính bản địa, đặc trưng vùng miền. Tuy nhiên, thực tế quy mô sản xuất của các chủ thể còn nhỏ phục vụ thị trường hẹp, chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn, liên tục, khả năng tiếp cận thị trường vẫn còn hạn chế nên số lượng sản phẩm đạt OCOP 4 sao của tỉnh còn ít. Vì vậy, các huyện miền núi tích cực hơn nữa, hướng dẫn các chủ thể thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, như: Đa dạng hóa kênh tiêu thụ, tập huấn kỹ năng marketing, bán hàng trực tuyến, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, chuyển đổi số... Đối với các chủ thể OCOP không ngừng nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, phấn đấu sản phẩm cuối đưa ra thị trường đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GMP, HACCP... Đây là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm mang lại niềm tin cho khách hàng, tạo cơ hội đưa sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi vươn ra thị trường trong nước và quốc tế".
Lê Hợi
{name} - {time}
-
2024-12-04 16:12:00
Giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP Thanh Hóa hiện nay
-
2024-12-04 15:42:00
Để nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết cây trồng mới
-
2024-12-04 07:42:00
Tổng cục Thuế kiên quyết xử lý vi phạm, siết chặt kỷ luật thực thi công vụ
Bản tin Tài chính 4/12: Vàng đảo chiều tăng, người dân vẫn lỗ 2,7 triệu đồng trong hơn 1 tháng
Còn 5 địa phương chưa giải ngân vốn trong nước và 4 Bộ chưa giải ngân vốn ODA
Chủ động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng cấm qua cửa khẩu dịp tết
Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hoá 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 10/12 tại Thường Xuân
Tín hiệu vui cho nông nghiệp Thanh Hóa
Phát triển cây ăn quả theo chuỗi ứng dụng công nghệ cao
Tiềm năng kinh doanh thương mại của nhà phố Sun Group tại Hà Nam
Việt Nam sẽ có sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới hai chiều đầu tiên
“Gõ cửa” miền Tây xứ Thanh (Bài 1): Phong phú sản phẩm