(Baothanhhoa.vn) - Diện tích rộng lớn, lại được thiên nhiên ưu đãi với địa hình và khí hậu đặc trưng, 11 huyện miền núi xứ Thanh đang “sở hữu” những sản vật địa phương phong phú. Với định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư nhằm phát triển sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể đã đầu tư hình thành các cơ sở sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.

“Gõ cửa” miền Tây xứ Thanh (Bài 1): Phong phú sản phẩm

Diện tích rộng lớn, lại được thiên nhiên ưu đãi với địa hình và khí hậu đặc trưng, 11 huyện miền núi xứ Thanh đang “sở hữu” những sản vật địa phương phong phú. Với định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư nhằm phát triển sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể đã đầu tư hình thành các cơ sở sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.

“Gõ cửa” miền Tây xứ Thanh (Bài 1): Phong phú sản phẩmNguồn nguyên liệu tre, luồng là điều kiện thuận lợi để các huyện miền núi phát triển sản phẩm đồ dùng, đồ lưu niệm độc đáo. Ảnh: Tùng Lâm

Những sản vật đặc sắc

Không chỉ là địa điểm hấp dẫn dành cho du khách thích khám phá trải nghiệm thiên nhiên, dãy núi Pù Sèo rộng lớn của huyện Thường Xuân với nguồn cây rừng, hoa rừng tự nhiên quanh năm từ lâu đã được người dân tận dụng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Ong ở đây đã phát triển lên quy mô 1.000 đàn, cung cấp hàng nghìn lít mật ra thị trường mỗi năm.

Cũng với sản phẩm mật ong, tại xã Bình Lương (Như Xuân), với lợi thế diện tích rừng đặc dụng lớn, người dân nơi đây đã phát triển rất thành công nghề nuôi ong lấy mật. Câu lạc bộ nuôi ong tại xã Bình Lương cũng ra đời nhằm hỗ trợ người dân về kỹ thuật nuôi, cách làm thùng nuôi, cách chăm sóc, tạo ong chúa, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ mật ong. Nhờ biết cách chọn ong chúa, ong đực có chất lượng để nhân đàn, một số hộ nuôi ong trên địa bàn xã đã tạo được tính tụ đàn cao, ít thoái hóa giống nên sản lượng, chất lượng mật thu về cũng rất hiệu quả. Xã Bình Lương hiện đã phát triển được khoảng 700 đàn ong mật, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 1.500 đến 2.000 lít mật ong.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 100.000 đàn ong mật, phần lớn tập trung tại các huyện miền núi như Thạch Thành, Thường Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy... Một số địa phương đã định hướng và xây dựng thành công sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, như: mật ong Hưởng Hoa (Thạch Thành), mật ong hoa rừng Yên Nhân (Thường Xuân), mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất Bình Sơn (Triệu Sơn)...

Ngoài mật ong, 11 huyện miền núi còn có hàng trăm sản vật đặc sắc, có thương hiệu, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Điển hình như huyện Thường Xuân với sản phẩm: dưa Kim Hoàng Hậu, rau củ quả an toàn, quế và các sản phẩm từ quế, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ như ống hút tre, điếu, cây giống, sinh vật cảnh, ẩm thực đặc sản vùng miền. Huyện Cẩm Thủy với các sản phẩm đặc trưng như miến dong, mật ong, nếp hạt cau, nem chua... Huyện Quan Hóa nổi tiếng với kẹo nhãn, mật ong, măng khô, gạo nếp và nhiều món ẩm thực vùng cao, như: thịt trâu gác bếp, thắng cố, bánh ú, cá nướng... Huyện Như Xuân có thế mạnh với vùng cây ăn quả 982ha và các sản phẩm OCOP như: trà thảo mộc Queen; muối mắc khẻn...

Đưa sản phẩm lợi thế thành sản phẩm giá trị cao

Mặc dù còn nhiều khó khăn về địa hình, vốn, công nghệ, nhưng với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và địa phương, nhiều huyện miền núi đã bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực khi có các doanh nghiệp, HTX quan tâm phát triển các dự án; hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhằm biến tiềm năng ở các huyện miền núi thực sự trở thành lợi thế.

“Gõ cửa” miền Tây xứ Thanh (Bài 1): Phong phú sản phẩmCác sản phẩm đặc trưng của huyện Quan Hóa trưng bày tại Hội chợ Thương mại miền Tây năm 2023.

Thanh Hóa có vùng tre, nứa, luồng, vầu lớn nhất cả nước với 78.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Đây là cơ hội, là kỳ vọng cho sự phát triển của các ngành nghề chế biến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị hàng hóa cao hơn nhiều lần so với xuất bán thô, đây còn là cơ hội để phát triển du lịch làng nghề với các trải nghiệm thú vị cho du khách.

Từ năm 2021, Dự án nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng tại cụm công nghiệp Bãi Bùi, thị trấn Lang Chánh, do Công ty CP Bamboo King Vina đầu tư xây dựng đã và đang hiện thực “giấc mơ” biến cây tre, luồng thành sản phẩm có giá trị cao của Thanh Hóa. Với công suất 1.500 tấn/ngày, nhà máy đưa ra thị trường 8 nhóm sản phẩm chính như: cây trồng nông nghiệp, hàng rào tre luồng, nội thất tre luồng, thanh nan phay ba mặt phục vụ trang trí nội thất, modul nhà ở dân dụng bằng tre luồng, hàng thủ công mỹ nghệ bằng tre luồng, tre luồng ép thanh và tre luồng ép khối. Nguồn nguyên liệu có chất lượng, được chế biến trên hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa của Đức và Trung Quốc; đặc biệt là công nghệ biến tính không dùng hóa chất, sản phẩm hiện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, EU, Hàn Quốc... Được biết, thiết kế nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động trong thời gian tới sẽ bao gồm diện tích rừng luồng rộng lớn lại các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước... mở ra hướng đi mới cho vùng luồng của tỉnh.

Tại huyện Như Thanh, sản xuất miến dong là nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Yên Lạc. Từ năm 2021, khi HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc đầu tư liên kết nâng cao chất lượng sản xuất và đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm đã đưa thương hiệu miến dong Yên Lạc đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ông Phạm Công Bảo, giám đốc HTX, cho biết: “Mỗi năm, HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 12 - 13 tấn miến dong, với doanh thu 1,2 - 1,3 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện về việc làm cho lao động và ổn định thu nhập cho người dân trồng dong ở địa phương”.

Ông Vi Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho biết: "Cùng với khuyến khích nông dân sản xuất, chúng tôi đã động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư thêm các loại máy móc, công nghệ; đồng thời tham gia các chương trình, hoạt động quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện đã được các cơ sở sản xuất theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng tin cậy đón nhận”.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong những tiềm năng lớn mà các huyện miền núi của tỉnh cần tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển, chính là việc phát triển các sản phẩm lưu niệm, quà tặng nhằm tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động mang lại lợi ích kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, gia tăng cơ cấu hàng xuất khẩu mà còn góp phần khẳng định, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ra khắp các địa phương trong và ngoài nước.

Theo đó, mỗi địa phương cần quan tâm sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch từ sản vật địa phương, như: luồng Lang Chánh, quế Thường Xuân, thổ cẩm tại các huyện miền núi Thanh Hóa... Đặc biệt, cần chú trọng đa dạng mẫu mã hàng hóa, nâng cao chất lượng, tăng yếu tố thẩm mỹ và tính ứng dụng của mỗi sản phẩm; kết hợp các yếu tố truyền thống với xu hướng hiện đại để tạo ra những sản phẩm độc đáo, thu hút khách du lịch, hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm quà lưu niệm thủ công truyền thống của miền núi xứ Thanh.

Tùng Lâm

Bài 2: Vươn tầm sản phẩm OCOP



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]