(Baothanhhoa.vn) - Bằng sự quyết tâm, đam mê học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Yến sào VietNest ở thôn 9, xã Yên Phong (Yên Định) đã xây dựng thành công nhãn hiệu yến sào VTA Nest.

Xây dựng nhãn hiệu tổ yến VTA Nest trên quê hương Thanh Hóa

Bằng sự quyết tâm, đam mê học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Yến sào VietNest ở thôn 9, xã Yên Phong (Yên Định) đã xây dựng thành công nhãn hiệu yến sào VTA Nest.

Xây dựng nhãn hiệu tổ yến VTA Nest trên quê hương Thanh Hóa

Chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty dịch vụ yến sào Vietnet nhận danh hiệu Sản phẩm dịch vụ xuất sắc năm 2020.

Từ năm 2018, chị Nguyễn Thị Tâm bắt đầu khởi nghiệp với nghề sơ chế yến sào. Ban đầu, chị thu mua sản phẩm yến thô của nhiều cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh về sơ chế. Nhờ tìm được đầu ra ổn định, đến năm 2020, chị thành lập Công ty Cổ phần dịch vụ Yến sào VietNest (Công ty Yến sào VietNest) để thuận lợi hơn trong phát triển quy mô sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm.

Xây dựng nhãn hiệu tổ yến VTA Nest trên quê hương Thanh Hóa

Chị Nguyễn Thi Tâm trực tiếp kiểm tra, phân loại tổ yến.

Trong quá trình sản xuất, dù quy mô chưa lớn, nhưng chị Tâm luôn chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và xem đó như sự sống còn của cơ sở. Theo đó, công nhân trước khi vào phòng sơ chế phải mặc đồng phục, bỏ đồ dùng cá nhân vào ngăn tủ quy định, đeo khẩu trang, găng tay và thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm… Dẫn chúng tôi thăm phòng sơ chế với nhiệt độ tiêu chuẩn, hơn 10 công nhân đang miệt mài, tỉ mỉ làm sạch sản phẩm, chị Tâm cho biết, tổ yến nhập về phải phân loại theo màu sắc, kích cỡ, tổ sứt vỡ nhiều hay ít, tổ lẫn nhiều hay ít tạp chất. Sản phẩm tiếp tục được ngâm trong nước và đưa vào môi trường bảo ôn lạnh để làm mềm...

Sau khi được làm sạch, tổ yến tiếp tục được ngâm và ủ lạnh định hình trong các khuôn Inox. Sau đó tiếp tục được chuyển qua phòng sấy lạnh ở nhiệt độ 16 độ C rồi hong khô trong khoảng từ 20 đến 24 giờ. Giới thiệu với chúng tôi từng giá yến trắng phau và khô cong, nữ giám đốc sinh năm 1984, chia sẻ: “Đây là khâu hết sức quan trọng, sấy cho độ ẩm của sản phẩm chỉ còn dưới 1% mới bảo đảm đưa ra thị trường. Nếu không làm uy tín, các đối tác từ bỏ mình ngay, tất sẽ thất bại”.

Sau khi được vô trùng, tổ yến được đóng hộp theo quy chuẩn. Hiện nay, Công ty đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa cấp chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm. Sản phẩm của công ty cũng lọt vào top 50 thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền uy tín năm 2020; được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là sản phẩm dịch vụ xuất sắc năm 2020.

Hiện, Công ty Yến sào VietNest cho ra đời hơn 20 mẫu sản phẩm yến tinh chế khác nhau với nhãn hiệu VTA Nest. Giai đoạn 2018 - 2019, trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu 40 kg tổ yến tinh chế, cung ứng ra thị trường trong nước khoảng 50 kg. Thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến tình hình xuất khẩu giảm mạnh, Công ty Yến sào VietNest đã đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Những tháng đầu năm 2021, đơn vị bán ra thị trường từ 30 - 40 kg yến sào thành phẩm mỗi tháng. Giám đốc Nguyễn Thị Tâm, cho biết: Những năm trước, doanh thu của công ty đạt trung bình 2 tỷ đồng/tháng. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên doanh thu mỗi tháng chỉ đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.

Dù là thời điểm khó khăn, song Công ty Yến sào VietNest vẫn duy trì hơn 10 lao động thường xuyên. Người mới làm việc cũng có thu nhập 7 triệu đồng, những người có kinh nghiệm thì thu nhập 10 triệu - 12 triệu đồng mỗi tháng. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội và bảo đảm các quyền lợi liên quan. Công nhân Lê Thị Trang, quê xã Yên Hùng (Yên Định), trải lòng: "Tôi từng làm công nhân may mặc, nhưng rất vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Nửa năm qua, từ khi được nhận vào Công ty Yến sào VietNest, tôi thấy điều kiện làm việc tốt hơn, nhẹ nhàng hơn mà thu nhập cao, lại không phải xa quê. Tôi quyết định gắn bó lâu dài với công ty”.

Xây dựng nhãn hiệu tổ yến VTA Nest trên quê hương Thanh Hóa

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm tổ yến VTA Nest tại khu vực trưng bày của công ty.

Để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như hiện nay, chị Nguyễn Thị Tâm phải mất nhiều năm trăn trở, vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Từ năm 2013 đến 2017, chị đã có nhiều chuyến đi vào các tỉnh Tây Nguyên học nghề nuôi và sơ chế tổ yến. Khi triển khai nuôi chim yến tại quê nhà, chị nhận thấy khí hậu và điều kiện không phù hợp với việc nuôi yến, nên đã chuyển hướng thu mua yến thô của các cơ sở nuôi ở trong và ngoài tỉnh về sơ chế. Giờ đây, sản phẩm yến sào VTA Nest đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, chị Tâm đang tìm địa điểm ở một huyện ven biển để xây dựng nhà nuôi chim yến, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Bằng ý chí và nghị lực, chị Nguyễn Thị Tâm đã gây dựng được thương hiệu có uy tín và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hàng ngày, chị vẫn trực tiếp kiểm hàng thô nhập về, phân loại sản phẩm và giám sát các khâu sơ chế. Khâu lựa chọn và đóng hàng cũng tự tay chị thực hiện.

Được biết, sản phẩm yến sào VTA Nest đang được Công ty VietNest và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định triển khai xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Công ty cũng đang hoàn thiện phòng giới thiệu và trưng bày tại TP Thanh Hóa để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

NL


NL

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]