(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Thường Xuân đã phát huy vai trò của người có uy tín (NCUT) trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương.

“Điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thường Xuân

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Thường Xuân đã phát huy vai trò của người có uy tín (NCUT) trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương.

“Điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thường XuânBác Lê Văn Hồng, NCUT thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân (người thứ 3 từ trái sang) tuyên truyền người dân tích cực tham gia hiến đất, góp công XDNTM

Huyện Thường Xuân có dân số hơn 94.300 người, trong đó các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 58,3% (dân tộc Thái chiếm 55,2%, dân tộc Mường chiếm 3,3% và các DTTS khác chiếm 0,2%). Huyện có 16 xã, thị trấn, 124 khu dân cư đều có người DTTS, trong đó 14/16 xã, thị trấn người DTTS chiếm trên 30% dân số trở lên; 105/124 khu dân cư có người DTTS chiếm từ 30% dân số trở lên. Những năm qua, đội ngũ NCUT trong đồng bào DTTS ở các thôn, bản trên địa bàn huyện luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiên phong xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”; phát hiện, tố giác và cung cấp hàng nghìn tin có giá trị cho lực lượng công an, quân đội triệt phá các vụ án hình sự, vụ án liên quan đến ma túy...

Xã biên giới Bát Mọt có hơn 4.000 khẩu (98% là dân tộc Thái) đang sống ở 8 thôn, bản. Bằng uy tín của mình, ông Lang Minh Huyến, dân tộc Thái - NCUT thôn Khẹo đã vận động người dân trong thôn giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đoàn kết phát triển kinh tế gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng... Ông Huyến chia sẻ: “Trước đây, đời sống của đồng bào Thái có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Được bà con tin tưởng bầu là NCUT, tôi đã tích cực cùng cấp ủy, chính quyền vận động người dân tập trung phát triển kinh tế, tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng; tránh xa các tai, tệ nạn xã hội... Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của người dân từng bước được nâng lên”.

Là trưởng ban công tác mặt trận, cá nhân tiêu biểu thôn Trung Thành, xã Lương Sơn, ông Hà Văn Chức đã trở thành “cầu nối” giữa chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương. Trưởng ban công tác mặt trận Hà Văn Chức đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với XDNTM, từng bước bài trừ các hủ tục lạc hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đặc biệt, ông Chức đã vận động người dân trong thôn hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp ngày công lao động để bê tông hóa hơn 5,1km đường giao thông; xây dựng đường điện thắp sáng, trồng hoa, cây cảnh; xây mới tuyến mương tiêu thoát nước ở khu dân cư, với tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng... Nhờ đó mà Lương Sơn trở thành một xã điển hình hoàn thành các tiêu chí XDNTM ở huyện Thường Xuân.

Ông Chức cho biết: “Trước kia cuộc sống của bà con rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, nhưng từ ngày XDNTM, đời sống người dân trong thôn được nâng lên rõ rệt. Bây giờ tất cả các tuyến đường thôn đều được bê tông, có điện thắp sáng vào ban đêm, nhà nhà đều khang trang, sạch, đẹp, thu nhập bình quân đầu người (năm 2023) đạt 63 triệu đồng/năm. Thôn Lương Sơn đang phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu” .

Hiện nay, đội ngũ NCUT của huyện Thường Xuân có 112 người. Những hoạt động tích cực của họ đã và đang góp phần khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, duy trì trật tự, an ninh, xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc ở mỗi khu dân cư. Hiện toàn huyện chỉ còn 15,1% hộ nghèo, 28,9% hộ cận nghèo; đã có 4 xã và 25 khu dân cư vùng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó 1 xã được công nhận NTM nâng cao, 2 khu dân cư được công nhận NTM kiểu mẫu); 2 khu phố có đông đồng bào DTTS sinh sống được công nhận đô thị văn minh.

Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thường Xuân Cầm Thị Phượng, NCUT đã góp phần làm cho mối liên hệ giữa chính quyền với Nhân dân ngày càng mật thiết. Họ luôn là hạt nhân tích cực, chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng. Đặc biệt, NCUT có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự, tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thành Lương, Bí thư Huyện ủy, cho biết: “Để NCUT thực sự là cầu nối gắn kết “ý Đảng với lòng dân”, thời gian tới, huyện Thường Xuân tiếp tục quan tâm đội ngũ NCUT trong đồng bào DTTS; động viên NCUT tích cực tham gia công tác vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động NCUT tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các tổ hòa giải ở cơ sở để họ có điều kiện phát huy vai trò của mình. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách, động viên, khen thưởng những NCUT có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, nhằm kịp thời động viên NCUT tiếp tục đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]