(Baothanhhoa.vn) - Với việc thành công biên soạn bộ “Đại Việt sử ký”, nhà sử học Lê Văn Hưu được xem là “ông tổ” đặt nền móng cho nền sử học Việt Nam. Đây là niềm tự hào lớn lao của mảnh đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” nói chung và quê hương Thiệu Trung nói riêng. Sự hiện diện của hệ thống các di tích hay sức sống của Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu đã trở thành biểu tượng đẹp, tô đậm thêm mạch nguồn, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào với truyền thống lịch sử - văn hóa được vun đắp và trao truyền qua bao thế hệ.

Đi giữa dòng chảy văn hóa - lịch sử quê hương

Với việc thành công biên soạn bộ “Đại Việt sử ký”, nhà sử học Lê Văn Hưu được xem là “ông tổ” đặt nền móng cho nền sử học Việt Nam. Đây là niềm tự hào lớn lao của mảnh đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” nói chung và quê hương Thiệu Trung nói riêng. Sự hiện diện của hệ thống các di tích hay sức sống của Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu đã trở thành biểu tượng đẹp, tô đậm thêm mạch nguồn, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào với truyền thống lịch sử - văn hóa được vun đắp và trao truyền qua bao thế hệ.

Đi giữa dòng chảy văn hóa - lịch sử quê hương

Đoàn rước kiệu trong Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu năm 2025.

Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu, Phủ Lý, huyện Đông Sơn; nay là thôn Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, cậu bé Hưu được ông ngoại dạy dỗ, uốn nắn từ những nét chữ đầu tiên, sau đó xin theo học với thầy đồ họ Nguyễn ở làng Phúc Triền. Từ nhỏ, cậu bé Hưu đã nổi tiếng thông minh, hiếu học.

Nhiều giai thoại, truyện cổ nói về tinh thần hiếu học, thông minh của nhà sử học Lê Văn Hưu còn được lưu truyền đến ngày nay. Chuyện kể rằng: Nhà sử học Lê Văn Hưu từ khi còn nhỏ đã được mẹ dạy cho nhiều tính tốt như: sạch sẽ, ngăn nắp, lễ phép, biết nhận lỗi, không nói dối. Lại được ông rèn giũa cho tính chăm chỉ, thức khuya dậy sớm, trọng việc học hành. Cứ đầu trống canh năm, cậu đã dậy học bài. Vùng Đông Sơn nổi tiếng về nghề đúc đồng. Bà mẹ đã thuê thợ đúc cho cậu bé Hưu một cái đèn bằng đồng để học bài. Đế đèn là những cánh sen, quai đèn là con rồng uốn lượn, vươn cổ lên ngậm lấy một chiếc đĩa có men màu ngọc. Đêm đến, chiếc đèn dầu được thắp sáng, soi rọi từng trang sách. Nhờ cây đèn, cậu đã học hành thành tài, đỗ đạt công danh. Dân gian tin rằng, chính cây đèn này đã soi ánh sáng cho nhà sử học Lê Văn Hưu trong những ngày viết “Đại Việt sử ký”.

Năm Đinh Mùi (1247), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình, đời vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đi thi, đỗ Bảng Nhãn khi mới 17 tuổi. Đây là khoa thi đầu tiên ở Việt Nam có đặt danh hiệu Tam Khôi. Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó được phong chức Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu quốc sử. Tài năng, cốt cách của ông được vua Trần Thái Tông tin tưởng, trọng dụng chọn làm thầy dạy học cho hoàng tử.

Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu đã hoàn thành việc biên soạn “Đại Việt sử ký” - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam gồm 30 quyển. Bộ quốc sử ghi lại những sự việc chính yếu trong giai đoạn lịch sử kéo dài từ thời Triệu Vũ đế (207-136 TCN) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), được vua Trần Thái Tông xuống chiếu ban khen.

Nhà sử học Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (tức ngày 9/4/1322), thọ 92 tuổi. Ông được an táng ở cánh đồng tại quê nhà Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Cuộc đời và sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu là tấm gương sáng cho hậu thế về tinh thần hiếu học, thực học, người thầy mẫu mực, nhân cách sáng ngời, danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký" do UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của ông, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu đều khẳng định: Lê Văn Hưu là người xây nền, đắp móng, có nhiều đóng góp lớn lao đối với ngành sử học nói riêng và lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Nhằm phát huy truyền thống hiếu học và những cống hiến to lớn của nhà sử học Lê Văn Hưu trong tiến trình lịch sử - văn hóa dân tộc, các thế hệ cán bộ, Nhân dân Thiệu Hóa nói chung, xã Thiệu Trung nói riêng đã và đang nối tiếp truyền thống, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc với bậc tiền nhân thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội gắn với cuộc đời và sự nghiệp nhà sử học Lê Văn Hưu được đặc biệt quan tâm, đầu tư.

Bên cạnh việc dành nguồn lực lớn đầu tư tôn tạo, tu bổ khu di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu, sau nhiều nỗ lực, trăn trở, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu năm 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí rộn ràng, mừng vui, phấn khởi hơn so với mọi năm. Bởi lẽ, đây là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức theo kịch bản mới với quy mô cấp huyện.

Ông Trần Ngọc Tùng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Thiệu Hóa cho biết: “Vào ngày 23/3 âm lịch hàng năm, chính quyền địa phương cùng bà con Nhân dân và con cháu dòng họ tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu để tưởng nhớ công lao của cụ. Lễ hội đã triển khai đúng nghi thức tế lễ truyền thống và đọc chúc văn, ngoài ra còn tổ chức một số trò chơi dân gian; nhưng do thời gian sự biến thiên của lịch sử cũng như thời kỳ bài phong, phản đế, việc thực hiện nghi lễ bị gián đoạn, vì vậy, nghi thức lễ hội bị mai một, chưa đầy đủ nghi lễ, quy mô tổ chức chỉ dừng lại cấp xã”. Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Thiệu Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có Tờ trình số 989/TTr-SVHTTDL về việc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, thống nhất nội dung kịch bản Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Ngày 19/3/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản về việc thống nhất tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Theo đó, lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 18 đến 20/4/2025 (tức ngày 21 - 23/3 âm lịch) với nhiều nội dung đặc sắc. Phần lễ bao gồm các nghi thức mở cửa đền; lễ mộc dục; rước lễ, tiến lễ của các thôn, ngõ xóm, con cháu dòng họ Lê; các bản hội, các đơn vị trong và ngoài xã; rước kiệu; lễ khai bút; lễ cáo yết trình tấu chúc văn và lễ tế tạ; chương trình nghệ thuật sân khấu hóa về thân thế, sự nghiệp nhà sử học Lê Văn Hưu. Phần hội tổ chức trưng bày triển lãm, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; các trò chơi, trò diễn dân gian, văn nghệ quần chúng, giao lưu thể thao...

Ông Phạm Huy Nông (83 tuổi, xã Thiệu Trung) tâm sự: “Sống đến ngần tuổi này, được chứng kiến sự đổi thay, phát triển không ngừng của quê hương, thấy những giá trị văn hóa truyền thống của làng, xã được phục dựng, bảo tồn, phát huy, tôi cảm thấy rất phấn khởi, tự hào. Đây là năm đầu tiên Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu được tổ chức theo kịch bản mới nên xã huy động hàng trăm người tham gia, phục vụ lễ hội. Từ các bậc cao niên đến thế hệ trẻ, ai cũng hào hứng, nhiệt tình tham gia”.

"Việc phục dựng và tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu theo kịch bản lễ hội không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh danh nhân lịch sử Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho quốc sử Việt Nam mà còn tạo ra tiền đề để tổ chức lễ hội một cách bài bản, tôn trọng giá trị truyền thống, cũng là tiền đề để các cấp, các ngành hoàn thiện hồ sơ, đề nghị UNESCO công nhận nhà sử học Lê Văn Hưu là Danh nhân văn hóa thế giới” - ông Trần Ngọc Tùng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Thiệu Hóa chia sẻ. Đây cũng là nguyện vọng, mong mỏi lớn nhất của các thế hệ người dân xã Thiệu Trung - quê hương của nhà sử học.

Bài và ảnh: Đăng Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]