Công bố Chỉ số SIPAS 2024: Có 90,06% cho rằng công chức không gây phiền hà
5 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu; 5 tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.
Người dân trải nghiệm đại lý dịch vụ công tại Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) tăng 1,28% so với năm 2023, đạt giá trị trung bình là 83,94%. Có 90,06% người dân cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu.
Kết quả trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra sáng 6/4.
Đây là năm thứ 8 Bộ Nội vụ triển khai đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình theo các mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ. Bộ chỉ số gồm 42 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá; 51 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân.
84,09% người tham gia khảo sát hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công
Để triển khai xác định SIPAS 2024, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiến hành khảo sát ý kiến của 36.525 người dân tại 195 đơn vị hành chính cấp huyện, 385 đơn vị hành chính cấp xã và 1.170 thôn, bản, tổ dân phố, khu phố.
5 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu; 5 tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.
Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung, năm 2024 đạt 83,84%, tăng 1,35% so với năm 2023; kết quả giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 78,16-90,59%.
Trong đó, mức độ hài lòng của người dân đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách là 83,40%; đối với cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 83,21%; đối với chất lượng tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền là 83,81% và đối với kết quả, tác động của chính sách là 84,07%.
Mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công năm 2024 đạt 84,09%, tăng 1,12% so với năm 2023; kết quả giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 78,18-92,00%.
Cụ thể, mức độ hài lòng đối với tiếp cận dịch vụ là 84,27%; đối với thủ tục hành chính là 84,23%; đối với công chức là 84,29%; đối với kết quả dịch vụ là 84,12%; đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân là 83,50%;
5 tỉnh, thành phố có mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công cao nhất là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngược lại, mức độ hài lòng đối với nội dung này ở 5 tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang, Đắk Lắk là thấp nhất.
Người dân mong đợi nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức
Một số thông tin đáng chú ý từ kết quả đo lường sự hài lòng của người dân năm 2024 được Bộ Nội vụ nêu ra là người dân được khảo sát trong cả nước quan tâm đến các chính sách ở mức khá cao, nằm trong khoảng từ 77,88-82,60% (tăng gần 2% so với 2023).
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Chính sách trật tự, an toàn xã hội là chính sách được quan tâm nhiều nhất và chính sách phát triển kinh tế là chính sách được quan tâm ít nhất. So với năm 2023, chính sách điện sinh hoạt cũng là một trong hai chính sách được quan tâm nhiều nhất và chính sách phát triển kinh tế cũng là chính sách được quan tâm ít nhất.
Mức độ người dân sẵn sàng tham gia góp ý chính sách chưa cao. Hình thức gửi phiếu xin ý kiến đến nhà, cơ quan nhận được sự ủng hộ cao nhất, nhưng cũng chỉ có 39,14% người được khảo sát sẵn sàng tham gia ý kiến qua hình thức này. Chỉ có 9,53% số người được khảo sát sẵn sàng tham gia góp ý kiến đối với chính sách theo hình thức trực tuyến.
Điều đặc biệt là, mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tham gia góp ý đối với chính sách theo hình thức trực tuyến trên website, chỉ một địa phương đạt ở mức 44,79%, còn lại 62 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 1,24-20%.
Tương tự, mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tham gia góp ý đối với chính sách theo hình thức trực tuyến trên nền tảng xã hội Zalo, Facebook, chỉ có 2 địa phương đạt mức trên 30%, còn lại 61 địa phương nằm trong khoảng 2,27-29,68%.
Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 90,06% cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 8,98% cho rằng có một số công chức gây phiền hà sách nhiễu và 0,96% cho rằng có nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu.
Về nhu cầu, mong đợi của người dân, năm 2024, có 3 nội dung được người dân mong đợi nhiều nhất là: Nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với 66,56% số người tham gia khảo sát lựa chọn; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, với 63,10% số người lựa chọn và nâng cao tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin cho người dân, với 59,42% số người lựa chọn.
Nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương có sự khác biệt lớn, với mức chênh lệch về tỷ lệ người dân có cùng lựa chọn giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng từ 25,98-45,33%.
“Kết quả SIPAS 2024 đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân,” nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan nhà nước và người dân; cung cấp cơ sở để các cơ quan nhà nước xác định thực trạng, triển khai các biện pháp cụ thể, thúc đẩy tiến trình cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân.
Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người dân./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-04-07 10:33:00
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương
-
2025-04-07 09:00:00
Điểm nóng 7/4: Hoa hậu Thùy Tiên “có liên quan” vụ án kẹo Kera
-
2025-04-06 14:34:00
Thủ tướng: Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng bản lĩnh, nỗ lực, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ
Thủ tướng chủ trì phiên họp thường kỳ và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương
Triệu tập Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đề nghị sửa đổi Hiến pháp
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 6/4/2025
Những sự kiện nổi bật trong tuần
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 6/4
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 6/4/2025
Thủ tướng: Hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên hàng Việt Nam
Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 - biểu tượng rực rỡ của tinh thần đại đoàn kết