Bảo tồn và phát huy di tích gắn với phát triển du lịch tâm linh
Những năm qua, thị xã Nghi Sơn luôn quan tâm tới công tác trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vãn cảnh, cầu phúc, cầu an, góp phần thúc đẩy du lịch tâm linh của địa phương phát triển.
Lễ dâng hương tưởng nhớ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ.
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ tọa lạc tại tổ dân phố Sơn Thắng, phường Nguyên Bình là một trong những di tích thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh. Được sự quan tâm của Nhà nước, năm 2017, đền thờ được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí gần 43,6 tỉ đồng. Năm 2021, đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch di tích lịch sử.
Đền thờ được tu bổ, tôn tạo đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của Nhân dân trong phường và du khách thập phương. Để đạt được kết quả này, nhiều năm qua, thị xã Nghi Sơn đã tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh. Anh Nguyễn Văn Hùng ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) - một du khách từng đến tham quan, vãn cảnh đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ cho biết: Cảnh quan của di tích rất đẹp, vệ sinh sạch sẽ, người phục vụ tại đền thân thiện, nhiệt tình; an ninh - trật tự được đảm bảo. Các thành viên trong gia đình tôi rất hài lòng với chuyến tham quan này. Thời gian tới, có dịp gia đình tôi sẽ tiếp tục quay trở lại nơi đây.
Cùng với đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác trên địa bàn thị xã Nghi Sơn thời gian gần đây cũng thu hút lượng lớn khách tới tham quan, chiêm bái, như: cụm di tích danh thắng Quang Trung - Lạch Bạng; di tích đền thờ Lê Đình Châu; di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh núi Am Các và chùa Am Các; cụm di tích đền Khánh Trạch - chùa Thiên Vương... 3 tháng đầu năm 2024, các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thị xã đã đón được khoảng 14.000 lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghi Sơn, hiện trên địa bàn thị xã có 203 di sản văn hóa vật thể, gồm: 32 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp quốc gia; 29 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh; 171 địa điểm di tích đã được kiểm kê bảo vệ. Bên cạnh đó, thị xã Nghi Sơn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị bao gồm các lễ hội truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, phong tục, tập quán.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) khóa XXV về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, giai đoạn 2018-2025, thời gian qua, Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn chỉ đạo UBND thị xã và các ngành chức năng căn cứ các quy định hiện hành tổ chức rà soát, bổ sung mục đích sử dụng đất xây dựng các công trình văn hóa, di tích vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Chú trọng tới công tác quy hoạch, mở rộng khuôn viên di tích và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích. Từ năm 2018 đến nay, có 4 di tích được UBND tỉnh chấp thuận việc lập quy hoạch và mở rộng khuôn viên là: di tích danh lam thắng cảnh núi Am Các và địa điểm chùa Am Các (Định Hải), di tích lịch sử cách mạng nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên (Tân Dân); chùa Đót Tiên (Hải Thanh) và cụm di tích đền Khánh Trạch và chùa Thiên Vương (Bình Minh).
Bên cạnh đó, thị xã Nghi Sơn luôn chú trọng tới công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích và quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Từ 2018 đến nay thị xã đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo được 16 di tích, với tổng kinh phí đầu tư 73,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 20,7 tỷ đồng, ngân sách thị xã là 46,8 tỷ đồng, huy động xã hội hóa 5,5 tỷ đồng. Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thị xã được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đã từng bước đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng và nhu cầu tham quan của Nhân dân và du khách.
Ngoài ra, UBND thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp quản lý các dịch vụ, thiết chế văn hóa, thể thao, di sản văn hóa cho cán bộ làm công tác quản lý văn hóa từ thị xã đến xã, phường; cử thành viên ban quản lý di tích, người trông coi di tích tham gia các lớp tập huấn về quản lý và thuyết minh tại di tích. Từ 2018 đến nay, thị xã Nghi Sơn đã tổ chức được 6 lớp quản lý các dịch vụ, thiết chế văn hóa, thể thao, di sản văn hóa. Nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nên đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý văn hóa đã đáp ứng được yêu cầu công việc góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Đồng chí Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, thị xã Nghi Sơn tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh. Xác định các di tích trọng điểm để có phương án trùng tu, tôn tạo và đề nghị UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch tâm linh. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn thị xã nhằm phát triển tour, tuyến du lịch. Chú trọng tới việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho ngành du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thị xã phát triển.
Bài và ảnh: Hải Anh
{name} - {time}
-
2024-12-11 20:21:00
Thị trường lịch Tết Ất Tỵ 2025 - Mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý
-
2024-12-11 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Cải vàng thay nắng mùa đông
-
2024-04-05 21:50:00
Miền Bắc chớm hè, dân tình đổ lên Sa Pa giải nhiệt và check-in hoa anh đào Nhật Bản
[E-Magazine] – Yêu những chiều rơi
Gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các di tích, điểm du lịch
Phong vị “Vườn treo” trên vùng đất Đế vương
Khách quốc tế mê mệt Bãi Kem - Top bãi biển đẹp nhất hành tinh ở Phú Quốc
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực Thọ Xuân năm 2024
Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội năm 2024
Lễ hội Du lịch biển Hải Tiến năm 2024 sẽ khai mạc ngày 29/4
Thường Xuân đón hơn 81.000 lượt khách du lịch trong quý I năm 2024
[Podcast] - Tản văn: Vũ khúc tháng tư