(Baothanhhoa.vn) - Sáp nhập bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là bệnh viện huyện) và trung tâm y tế huyện giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tập trung được nguồn lực... Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương không sáp nhập mà đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nâng cấp các bệnh viện tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sao Thanh Hóa không sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện?

Sáp nhập bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là bệnh viện huyện) và trung tâm y tế huyện giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tập trung được nguồn lực... Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương không sáp nhập mà đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nâng cấp các bệnh viện tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu.

Vì sao Thanh Hóa không sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện?

Là bệnh viện hạng II, nhưng Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước vẫn đang thiếu bác sĩ. Ảnh: Hoàng Giang

Căn cứ quy định và tình hình thực tiễn ở địa phương

Theo Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 25 bệnh viện tuyến huyện và 2 bệnh viện khu vực (Bệnh viện Đa khoa khu vực Tĩnh Gia và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc). Trong đó, còn 3 bệnh viện hạng III gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa, Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát. Hiện nay, Thanh Hóa đã sáp nhập 5 trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật tỉnh; 27 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tuyến huyện được sáp nhập vào trung tâm y tế huyện. Theo quy định, đối với bệnh viện hạng III trở lên sẽ phải sáp nhập với trung tâm y tế. Tuy nhiên, Thanh Hóa có chủ trương không sáp nhập mà đang có kế hoạch nâng cấp các bệnh viện này lên hạng II.

Là một trong số bệnh viện hạng III, trong những năm qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Hiện bệnh viện có 146 giường bệnh thực kê với hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú. Bác sĩ Nguyễn Huy Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát, cho biết: Nếu sáp nhập bệnh viện và trung tâm y tế sẽ giảm bớt bộ máy hành chính, giảm ngân sách Nhà nước, tập trung được nguồn lực. Với điều kiện là một huyện vùng biên, khó khăn nhất với Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát là thu hút lực lượng bác sĩ về làm việc. Nếu sáp nhập với trung tâm y tế, bệnh viện sẽ được tăng thêm nguồn lực y, bác sĩ từ trung tâm y tế để hỗ trợ cho bệnh viện. Tuy nhiên, do bệnh viện và trung tâm y tế có chức năng, cơ chế quản lý riêng nên việc sáp nhập sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý vì lộ trình phát triển bệnh viện thực hiện theo hướng tự chủ, trong khi hoạt động của trung tâm y tế vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Về công tác chuyên môn, nếu không sáp nhập, mỗi đơn vị sẽ tập trung chuyên sâu hơn nhiệm vụ, chức năng của đơn vị đó.

Trao đổi với ông Đoàn Nam Hưng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế, ông cho biết: Sau khi có chủ trương của Bộ Y tế về sáp nhập bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện (theo Thông tư 37/2016/TT-BYT), Thanh Hóa đã chuẩn bị tinh thần để thực hiện sáp nhập. Tuy nhiên, ngày 25-10-2017, theo Nghị quyết 19-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, thì những bệnh viện hạng III mới phải sáp nhập. Theo đó, 22 bệnh viện tuyến huyện hạng II của tỉnh không thực hiện việc sáp nhập. Còn 3 bệnh viện hạng III, ngành chức năng đang xem xét mô hình phát triển cho phù hợp để xin ý kiến UBND tỉnh đưa ra quyết định.

Ông Đoàn Nam Hưng cho biết thêm, nguyên nhân Thanh Hóa không sáp nhập bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện là do từ năm 2018, UBND tỉnh đã có đề án giao quyền tự chủ cho các bệnh viện công lập, trong khi đó, trung tâm y tế lại đang phụ thuộc ngân sách Nhà nước. Việc không sáp nhập sẽ thuận lợi trong quản lý tài chính của các đơn vị. Bên cạnh đó, theo đánh giá hiện nay, các bệnh viện huyện đang phát triển mạnh, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân khu vực; trung tâm y tế cũng đang thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Toàn tỉnh, hiện có 22/25 bệnh viện tuyến huyện hạng II được công nhận từ năm 2016, nếu sáp nhập 3 bệnh viện hạng III, tồn tại 2 mô hình quản lý sẽ có nhiều khó khăn. Vì vậy, hiện nay, ngành chức năng đang tạm thời không thực hiện sáp nhập 3 bệnh viện hạng III mà sẽ đầu tư nâng cấp lên bệnh viện hạng II. Nếu việc này không thực hiện được như kế hoạch, Sở Y tế sẽ xin ý kiến để UBND tỉnh đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhiều khó khăn cần khắc phục

Việc nâng cấp bệnh viện hạng III lên hạng II để thuận lợi trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của các bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Văn, hiện nay Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát còn thiếu 6-10 bác sĩ theo chỉ tiêu biên chế được giao. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn thiếu. Do điều kiện xa trung tâm, người dân Mường Lát chủ yếu khám, điều trị bệnh tại bệnh viện đa khoa huyện. Việc đầu tư nâng cấp lên bệnh viện hạng II sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân có thể điều trị những bệnh phức tạp ngay tại địa phương mà không phải chuyển tuyến. Khó khăn nhất của Bệnh viện Đa khoa Mường Lát là thiếu bác sĩ. Hiện nay, mặc dù UBND tỉnh có chủ trương cho các bệnh viện tự chủ trong tuyển dụng y, bác sĩ, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của các sở, ban, ngành liên quan về việc tuyển dụng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh lại chưa có chính sách thu hút bác sĩ lên bệnh viện vùng sâu, vùng xa công tác. Có chính sách thu hút, sẽ động viên, khuyến khích những bác sĩ trẻ, giỏi tay nghề về cống hiến cho vùng khó.

Theo ghi nhận thực tế từ các bệnh viện, không chỉ bệnh viện hạng III, mà nhiều bệnh viện hạng II cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn khi cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị chưa được đầu tư, nhân lực đang còn thiếu.

Bác sĩ Cao Minh Huấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước, chia sẻ: Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước được công nhận là bệnh viện hạng II năm 2016, tuy nhiên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, nhân lực còn thiếu thốn. Hiện nay, bệnh viện có 341 giường thực kê nhưng có 30 bác sĩ, còn thiếu 7 bác sĩ. Theo đề án tự chủ, bệnh viện có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng nhân lực... tuy nhiên, do điều kiện kinh tế tại địa phương còn khó khăn, khó kêu gọi xã hội hóa nên việc bệnh viện tự tiết kiệm thu, chi để đầu tư cho bệnh viện phải cần có lộ trình.

Bên cạnh khó khăn, tồn tại của các bệnh viện huyện, thì việc sáp nhập trung tâm y tế và trung tâm dân số-KHHGĐ cũng còn những vướng mắc. Theo Quyết định 1683/QĐ-UBND, ngày 7-5-2019 của UBND tỉnh, sáp nhập trung tâm y tế và trung tâm dân số-KHHGĐ huyện. Trung tâm y tế huyện sẽ bổ sung thêm chức năng khám, chữa bệnh với việc thành lập phòng khám đa khoa. Tuy nhiên, để thành lập phòng khám đa khoa sẽ cần thêm lực lượng y, bác sĩ, máy móc trang thiết bị... thế nhưng, hiện nay vẫn chưa có cơ chế tuyển dụng; kinh phí trang thiết bị cho phòng khám cũng còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, theo quy định của Bộ Y tế, phòng khám đa khoa phải được cấp phép, trong khi đó, Bộ Y tế vẫn chưa có quy định cấp phép khám, chữa bệnh cho phòng khám đa khoa của trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, hiện nay Bộ Y tế cũng chưa có quy định chức năng dân số cho trung tâm y tế huyện.

Ông Đoàn Nam Hưng cho biết thêm: Từ 2015 đến nay, không có cơ chế tuyển dụng nên ngành y tế vẫn còn thiếu chỉ tiêu, Sở Y tế sẽ đề nghị tỉnh ưu tiên tuyển dụng biên chế cho phòng khám đa khoa của trung tâm y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã và đang đề nghị Bộ Y tế bổ sung chức năng dân số cho trung tâm y tế và cấp giấy phép cho phòng khám đa khoa của trung tâm y tế. Đối với phòng khám đa khoa của trung tâm y tế, Sở Y tế sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, trung tâm y tế nào có đủ điều kiện mới cho thành lập chứ không phải tất cả trung tâm đều được thành lập phòng khám đa khoa.

Hiện toàn tỉnh hiện có 5 trung tâm y tế huyện chưa có trụ sở làm việc phải mượn địa điểm hoạt động, một số trung tâm có trụ sở nhưng xuống cấp. Để giảm tải ngân sách đầu tư cải tạo, xây mới cho Nhà nước, sắp tới, với việc các xã sẽ thực hiện sáp nhập, Sở Y tế đang có hướng sẽ đề nghị các huyện ưu tiên để lại trụ sở của UBND xã còn dư cho trung tâm y tế làm trụ sở để hoạt động.

“Hiện nay, Thanh Hóa không sáp nhập bệnh viện đa khoa huyện (hạng II trở lên) với trung tâm y tế huyện là phù hợp với quy định; tạm thời chưa sáp nhập bệnh viện hạng III để có kế hoạch nâng cấp các bệnh viện này lên hạng II nhằm thống nhất một mô hình quản lý là căn cứ vào tình hình thực tiễn. Cùng với chính sách đầu tư nâng cấp cho các bệnh viện, trung tâm y tế cơ sở, công tác khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở sẽ có nhiều thay đổi tích cực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của mọi người dân trong tỉnh” – ông Đoàn Nam Hưng chia sẻ.

Hoàng Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]