(Baothanhhoa.vn) - Vào mùa mưa bão các loại dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì thế, ngành y tế đã chủ động phương án, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và các phương tiện, vật tư để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

Ngành y tế chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão

Vào mùa mưa bão các loại dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì thế, ngành y tế đã chủ động phương án, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và các phương tiện, vật tư để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

Ngành y tế chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bãoNgười dân thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) ra quân vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.

Tại huyện Hậu Lộc, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão, ngành y tế huyện thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng xây dựng phương án, kế hoạch nhằm tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình huống thời tiết xấu; chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn thành lập các đội xử lý môi trường, xử lý nguồn nước cho Nhân dân vùng ngập lụt sau khi lũ rút.

Nằm trong vùng rốn lũ của sông Bưởi, huyện Thạch Thành thường xuyên bị ảnh hưởng khi bão lũ xảy ra. Trước khi mùa mưa bão tới, Trung tâm Y tế huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các đội cơ động phòng, chống dịch, thường trực 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, hóa chất cần thiết; chủ động tập huấn về công tác đáp ứng y tế phòng, chống lụt bão, thiên tai, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ y tế từ huyện đến xã. Tại mỗi xã, thị trấn, đội ngũ cán bộ tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh; cơ số thuốc, hóa chất cũng đã phân bổ đến trạm y tế các xã, thị trấn để cấp phát đến Nhân dân khi xảy ra dịch bệnh.

Tại thị trấn Kim Tân, hàng tuần người dân đồng loạt ra quân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh các ao tù, khu vực nước đọng; dọn dẹp các vật dụng, phế liệu ứ đọng nước. Bên cạnh đó, cán bộ trạm y tế, nhân viên y tế đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách dự trữ lương thực, xử lý nước sạch, ăn chín uống sôi nhằm chủ động phòng, chống bệnh trước, trong và sau mưa bão.

Bác sĩ Lê Văn Thịnh, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Kim Tân, cho biết: Để ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa mưa bão, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền đến hộ gia đình nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phát hiện các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng; theo dõi, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các ổ dịch cũ, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc để kịp thời khám, chữa bệnh cho người dân.

Mùa mưa bão cũng là mùa làm tăng khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt sau mưa lũ, môi trường ô nhiễm do rác thải và xác động vật chết làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Đây chính là nguyên nhân gây nên các loại dịch bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn... Chính vì vậy, các đơn vị trong ngành y tế đã phối hợp với địa phương chủ động kiểm tra việc cung cấp nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất, phương tiện, công tác kiểm tra trong và sau lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành y tế đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, úp các dụng cụ chứa nước, hạn chế môi trường ẩm để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành...

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn như thực hiện chế độ trực ban phòng, chống lụt bão theo kế hoạch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư y tế; thành lập các tổ cấp cứu, tổ xử lý dịch, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tốt việc trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa bão gây ra.

Cùng với sự nỗ lực triển khai các biện pháp chủ động ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trong mùa mưa bão của ngành y tế và các cơ quan chức năng, người dân cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, nhất là cần thực hiện các biện pháp làm sạch nguồn nước, vệ sinh cá nhân và môi trường.

Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh dịch mùa mưa bão

- Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi;

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn;

- Diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng;

- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày;

- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế;

- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế;

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]