(Baothanhhoa.vn) - Sáng 12-8, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Nghi Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã có bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Báo Thanh Hoá xin được trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Nghi Sơn lần thứ XXVI

Xây dựng Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế ở khu vực phía Nam của tỉnh

Sáng 12-8, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Nghi Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã có bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Báo Thanh Hoá xin được trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Xây dựng Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế ở khu vực phía Nam của tỉnh

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương !

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!

Thưa Đoàn Chủ tịch đại hội!

Thưa các đồng chí lãnh đạo thị xã Nghi Sơn qua các thời kỳ!

Thưa các đồng chí đại biểu!

Thưa toàn thể đại hội!

Hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các quý đại biểu rất vui mừng về dự Đại hội Đảng bộ thị xã Nghi Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng bộ sau khi thành lập thị xã, là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của Đảng bộ và Nhân dân thị xã Nghi Sơn.

Tại diễn đàn trọng thể của Đại hội, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin gửi tới các đồng chí đại biểu Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí lãnh đạo thị xã qua các thời kỳ, các đại biểu dự đại hội, cùng toàn thể Nhân dân và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Thị xã Nghi Sơn lời chào trân trọng, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Chúc Đại hội Đảng bộ thị xã Nghi Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí đại biểu!

Thưa toàn thể Đại hội!

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của quê hương Thanh Hóa anh hùng, Tĩnh Gia - Nghi Sơn là vùng đất "Sơn kỳ, thủy tú", nơi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với "Núi sông quanh bọc, cao thấp lẫn xen", hang động kỳ vĩ, “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Sự hình thành, phát triển của vùng đất này, gắn liền với quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên, đấu tranh bảo vệ giang sơn bờ cõi. Đây là nơi đất, nước, con người luôn ở thế đi lên, với "Chí khí can trường như núi. Nhân nghĩa, khoát đạt như biển lớn"; đã sinh thành, dưỡng dục nhiều bậc danh nhân, danh sĩ đức cao, đạo trọng, mà tên tuổi và sự nghiệp còn mãi lưu danh trong sử sách, tiêu biểu là: Nhà tư tưởng lớn Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, nhà văn hóa, quân sự Đào Duy Từ, Quận công Lê Đình Châu...

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Tĩnh Gia - Nghi Sơn luôn một lòng tin theo Đảng, phấn đấu đi theo lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Nhớ lại những năm tháng "Xé trời đạn lửa, bom đào, đất rung" trong cuộc chiến tranh chống lại sự phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, cán bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Tĩnh Gia đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay, bắn chìm nhiều tàu chiến Mỹ, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hình ảnh "Cô gái Tĩnh Gia dưới làn mưa bom vẫn chở phà, cho từng đoàn xe ra tiền tuyến" và những địa danh: Cầu Ghép, cầu Hang, cầu Đồi, cầu Hổ, Văn Trai, Khoa Trường, Hòn Mê… đã đi vào lịch sử, trở thành những khúc tráng ca bất tử trong bản anh hùng ca dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Nằm trên trục giao lưu Bắc - Nam của đất nước, có vị trí trọng yếu về kinh tế, quân sự và đối ngoại, với Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, có dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn, những nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị…, những năm qua, Nghi Sơn đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một vùng biển hoang sơ, nghèo khó, lạc hậu, đến nay đã trở thành một đô thị công nghiệp trọng điểm năng động với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển.

Sự kiện ngày 22/4/2020 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Tĩnh Gia, là dấu mốc đáng tự hào, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Nghi Sơn. Đây là tiền đề quan trọng, mở ra cho Nghi Sơn thời cơ, vận hội mới, để tiếp tục bứt phá trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị ven biển trọng điểm của cả nước.

Thưa các đồng chí đại biểu!

Thưa toàn thể đại hội!

Phát huy truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm của những giai đoạn trước, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Nghi Sơn đã đoàn kết, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu vượt bậc. Có 23/27 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV đề ra hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Kinh tế của thị xã tăng trưởng cao; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ước đạt 29,9%, vượt mục tiêu Đại hội; quy mô giá trị sản xuất đứng thứ 2 toàn tỉnh chỉ sau thành phố Thanh Hóa. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 gấp 2,6 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị; Nghi Sơn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về phát triển toàn diện ngành thủy sản, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng chiếm hơn 47% tỷ trọng ngành nông nghiệp của thị xã. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo.

Sản xuất công nghiệp phát triển đột phá, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm ước đạt 35,3%, vượt mục tiêu Đại hội; các sản phẩm chủ lực, có lợi thế như: lọc hóa dầu, thép, xi măng, dầu ăn, bao bì, giày da, may mặc, chế biến thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao, trở thành ngành kinh tế trụ cột của thị xã. Khu kinh tế Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch lên 106 ngàn ha, gấp gần 6 lần so với trước; kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế, các khu công nghiệp được tăng cường, đã thu hút thêm 108 dự án vào đầu tư, sản xuất kinh doanh; đặc biệt, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn và nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, đã đưa công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của thị xã và của tỉnh.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, xây dựng, tài nguyên và môi trường có chuyển biến; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, trong 5 năm thị xã đã giải phóng diện tích lớn mặt bằng để thực hiện các dự án, với 1.608 ha đất dân cư và 107 km đường giao thông. Chương trình phát triển đô thị hoàn thành vượt mục tiêu đại hội; diện mạo đô thị và không gian kiến trúc, cảnh quan thị xã ngày càng khang trang hơn.

Các ngành dịch vụ thương mại phát triển đa dạng. Hệ thống cảng biển, kho bãi phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn của Khu kinh tế Nghi Sơn, của tỉnh và các tỉnh phụ cận, kết nối với các cảng biển trong nước, khu vực và quốc tế. Du lịch được quan tâm phát triển, thị xã đã chú trọng khai thác tiềm năng kinh tế biển, kết hợp với phát huy giá trị các di tích, danh lam, thắng cảnh để kêu gọi đầu tư, thu hút được 15 dự án du lịch đầu tư vào địa bàn, khu du lịch biển Hải Hòa đã có nhiều cơ sở lưu trú và khách sạn, góp phần nâng cao năng lực phục vụ du khách.

Văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, giáo dục mũi nhọn trong nhóm 10 huyện, thị xã, thành phố dẫn đầu của tỉnh. Công tác xã hội hoá y tế được đẩy mạnh, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được nâng lên. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao được tăng cường; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị tiếp tục được đẩy mạnh. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể được chú trọng. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập các xã, thôn, tổ dân phố được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, bước đầu tinh gọn đầu mối, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy…

Những thành tích và kết quả của thị xã Nghi Sơn đạt được trong nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng, cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thị ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết thống nhất của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thị xã; đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận, thậm chí là cả sự hy sinh của hàng ngàn hộ dân vùng ảnh hưởng của các dự án đã sẵn sàng di dời nhà cửa, tài sản đến nơi ở mới để phục vụ xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, vì sự phát triển chung của thị xã Nghi Sơn và của cả tỉnh.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Nghi Sơn đã nỗ lực đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Thưa các đồng chí đại biểu!

Thưa toàn thể đại hội!

Vui mừng, phấn khởi trước những thành tích đã đạt được; song, so với tiềm năng, thế mạnh và mục tiêu, yêu cầu đề ra, Nghi Sơn vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục đó là: Vẫn còn 04 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đại hội. Kinh tế của thị xã tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng chiếm tỷ trọng lớn vẫn chủ yếu là do đầu t­ư xây dựng phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị còn hạn chế. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như khoáng sản, đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế; ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải của các cơ sở sản xuất chậm được khắc phục. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn còn chậm. Chất lượng một số mặt hoạt động văn hóa - xã hội chưa cao. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. An ninh trật tự ở một số xã, phường và một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp… Trong khi đó việc dự báo tình hình, nắm bắt dư luận xã hội có thời điểm chưa kịp thời; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn yếu; kỷ luật, kỷ cương ở một số đơn vị chưa nghiêm; vẫn còn cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân; công tác quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có lúc, có việc còn thiếu đồng bộ.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên cũng chính là khó khăn, thách thức cản trở quá trình phát triển đi lên của thị xã, tôi đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung thảo luận, phân tích kỹ càng, làm rõ thêm nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm, nhanh chóng khắc phục để đưa Nghi Sơn phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể đại hội!

Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước đã qua gần 35 năm đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và rất đáng tự hào. Đối với tỉnh ta, với những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua, có thể khẳng định, Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Đặc biệt, ngày 05/8/2020 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở đường cho tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi trình ra Đại hội. Qua theo dõi tình hình và nghe một số ý kiến phát biểu của các đại biểu, tôi xin nêu thêm một số nội dung để các đồng chí cùng thảo luận thống nhất và tổ chức thực hiện.

Một là, trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra phương hướng phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ tới là “phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thị xã Nghi Sơn - Khu kinh tế Nghi Sơn với vai trò là đô thị công nghiệp hạt nhân của Trung tâm động lực phía Nam, là đầu mối kết nối với vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, của khu vực và quốc gia để hiện thực hóa Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, vì vậy nhiệm vụ công nghiệp hoá, đô thị hóa, hiện đại hóa vừa là yêu cầu, vừa là hướng đi tất yếu của thị xã từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Là địa phương còn nhiều dư địa để tạo sự phát triển đột phá trong những năm tới, Nghi Sơn có lợi thế về diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn, giàu tài nguyên khoáng sản, có nhiều danh thắng, di tích rất hấp dẫn du khách. Có nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua, đặc biệt là có hệ thống cảng biển nước sâu và các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật rất thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế biển và công nghiệp, nhất là cảng biển và dịch vụ vận tải biển, công nghiệp lọc hóa dầu và các ngành công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu, sản xuất điện năng, phát triển các trung tâm dịch vụ, du lịch, phát triển toàn diện kinh tế thủy sản... Có nhiều dự án lớn đang được Trung ương và tỉnh triển khai trên địa bàn như: Dự án đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc, các dự án cảng biển, các khu đô thị... Khu kinh tế Nghi Sơn đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế; đặc biệt, Quy hoạch chung mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với việc thành lập thị xã Nghi Sơn sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thị xã. Nghi Sơn cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng; Nhân dân có truyền thống yêu nước, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Nghi Sơn cũng là địa phương có nhiều con em là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, giới trí thức, các doanh nhân thành đạt đang công tác ở trong và ngoài tỉnh. Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để Nghi Sơn tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng thời cơ, vận hội, tạo sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Vì vậy, Đảng bộ cần bám sát định hướng chính trị, Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, mở rộng; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp và các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và quản lý đô thị; bảo đảm có tư duy đổi mới, có những giải pháp đột phá về thể chế, về môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phát huy tốt hơn nữa nền tảng hiện có, liên kết chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với tổng thể phát triển chung của tỉnh, với các đô thị trong nước, hướng đến khu vực và quốc tế; có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật then chốt, các dự án hạ tầng xã hội, khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn mở rộng, các xã phía Đông Bắc và phía Tây Nghi Sơn để từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo sức hấp dẫn mới thu hút đầu tư vào thị xã, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Hai là, Nghi Sơn còn nhiều xã phía Tây và một số xã phía Đông Bắc là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân còn khó khăn, vì vậy cùng với việc phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển đột phá vùng ven biển và hải đảo của thị xã, để tạo động lực lan tỏa phát triển nhanh phía Đông Bắc và phía Tây thị xã, bảo đảm cho toàn bộ đô thị Nghi Sơn phát triển nhanh và bền vững. Đây là nhiệm vụ chính trị rất cao, cũng chính là nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng; vừa là thách thức đối với Đảng bộ và Nhân dân thị xã. Đòi hỏi các cấp uỷ đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân thị xã Nghi Sơn phải “quyết tâm trong ý trí, quyết liệt trong hành động”, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp chính trị, kinh tế, hành chính và công tác cán bộ, tạo bước phát triển mạnh mẽ về sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân.

Ba là, để trở thành trung tâm kinh tế, đô thị ven biển trọng điểm của cả nước, Đảng bộ thị xã phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác và phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt và cơ hội nổi trội, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp nhẹ, da giày và tiểu thủ công nghiệp, để công nghiệp thực sự là trụ cột của thị xã.

Chú trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư và doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, trọng tâm là Đề án di dân xã Hải Hà, đường ven biển, đường cao tốc Bắc Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của thị xã trong những năm tới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý đô thị, trật tự xây dựng; xử lý triệt để các điểm bức xúc ô nhiễm do chất thải, nước thải của các cơ sở sản xuất, bảo đảm chất lượng môi trường đô thị lành mạnh, tạo điều kiện phát triển toàn diện và bền vững.

Phải tạo đột phá về chất lượng và cơ cấu sản phẩm dịch vụ; phát huy lợi thế của Cảng biển Nghi Sơn, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt và đường kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân để phát triển mạnh các loại hình dịch vụ cảng biển, logictics, vận tải, xuất nhập khẩu…, trở thành đầu mối giao lưu, trao đổi hàng hóa trong tỉnh, khu vực và quốc tế. Sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ gắn với quy hoạch phát triển đô thị; nhanh chóng tạo lập và phát triển các thị trường bất động sản, vốn, khoa học công nghệ, lao động,... Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh; tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch biển; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, có cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các trung tâm vui chơi, giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe, trung tâm mua sắm, bán hàng lưu niệm,... phục vụ du khách thăm quan, nghỉ dưỡng, mua sắm làm quà lưu niệm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, để du lịch đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của thị xã.

Quan tâm khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ; nhanh chóng hình thành vùng nông nghiệp chuyên canh sản xuất các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, nhất là rau an toàn, cây ăn quả, trồng hoa...

Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề cá, vì vậy thị xã cần vận dụng có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh để phát triển cả nuôi trồng và khai thác thủy sản; khuyến khích ngư dân hiện đại hóa tàu thuyền phát triển đánh bắt xa bờ, nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến, để hình thành chuỗi giá trị từ khai thác, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Tập trung chỉ đạo các xã còn lại khẩn trương rà soát, tự đánh giá các tiêu chí chưa đạt nông thôn mới, để có biện pháp phù hợp và phân công trách nhiệm cụ thể, bảo đảm hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới và thị xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã ngoại thị sớm trở thành phường theo đúng kế hoạch. Quan tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, gắn với phát triển đô thị, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, đưa nông thôn, đô thị thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo chuyển biến nhanh, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của quê hương, khơi dậy niềm tự hào, biến truyền thống thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để xây dựng thị xã phát triển bền vững. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phục vụ đời sống Nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân; tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn triệt để, quyết tâm không để đại dịch Covid-19 và dịch bệnh lớn lây lan trên địa bàn. Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, có các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp để giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, chăm lo đời sống của Nhân dân cho thực sự ấm no, hạnh phúc.

Năm là, phải coi tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Cần chủ động xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Giữ vững ổn định chính trị, thực hiện phương châm an ninh, an toàn và an dân trên khắp các địa bàn của huyện, bảo đảm môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Nắm chắc tình hình và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh nội bộ, trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tuyệt đối không để hình thành điểm nóng. Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, bức xúc kéo dài và các vụ việc mới phát sinh ngay tại cơ sở. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thật sự phát huy dân chủ - nhất là dân chủ ở cơ sở.

Sáu là, để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, vấn đề then chốt là phải xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện để mỗi tổ chức đảng đủ sức lãnh đạo địa phương, đơn vị hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Vì vậy, cần làm tốt công tác tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm vững, hiểu đúng và đồng thuận trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và của thị xã. Thường xuyên rà soát, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo nguồn nhân sự cả cho trước mắt cũng như lâu dài. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời vi phạm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính của thị xã theo hướng chính quyền điện tử, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, hướng mạnh về cơ sở để tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Thực sự chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo, đoàn kết các dân tộc. Và quan trọng nhất là phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giữ vững và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ. Thực tiễn cho thấy, không có việc gì là chúng ta không thể làm được, khi cả tập thể đồng sức, đồng lòng và cùng chung một chí hướng; khi đoàn kết trong Đảng, trong dân kết thành một khối vững chắc, thì đoàn kết là động lực, là sức mạnh để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Giữ vững đoàn kết sẽ mãi là hành trang, là phương châm hành động của toàn Đảng bộ chúng ta trên con đường tiến lên phía trước. Đây là bài học không mới, nhưng chưa bao giờ và không khi nào cũ. Để giữ vững đoàn kết, cùng với tuân thủ triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, còn phải biết chờ đợi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau, trên cơ sở đặt lợi ích của Đảng bộ, của quê hương, của đất nước lên trên lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân.

Thưa các đồng chí đại biểu chính thức của Đại hội!

Cùng với việc làm tốt nội dung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Đại hội có nhiệm vụ rất quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI. Tôi đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, nắm vững tiêu chuẩn cấp ủy viên theo quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy và các quy định về bầu cử trong đảng, lấy tiêu chuẩn làm chính kết hợp với cơ cấu hợp lý, nhất là cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy trên các lĩnh vực, bằng lá phiếu của mình, sáng suốt lựa chọn bầu ra những cán bộ tiêu biểu, có uy tín, trách nhiệm cao, đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tham gia vào Ban Chấp hành khóa mới và xem xét lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ tiêu chuẩn để bầu vào Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Thưa toàn thể các đại biểu!

Thưa toàn thể Đại hội!

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng rằng, phát huy truyền thống quê hương và những thành tựu to lớn đạt được trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Nghi Sơn nhất định sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển toàn diện, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, xây dựng Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế ở khu vực phía Nam của tỉnh, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại vào năm 2030, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước vào năm 2045.

Với niềm tin tưởng sâu sắc đó, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một lần nữa, tôi xin chúc các đồng chí đại biểu khách quý, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị xã mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Đảng bộ thị xã Nghi Sơn tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]