(Baothanhhoa.vn) - Số lượng thanh niên ưu tú trong khối nông thôn được kết nạp Đảng vẫn chỉ chiếm con số khá khiêm tốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “già hóa” đảng viên - một vấn đề cấp bách đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó phát triển Đảng trong thanh niên nông thôn: Cần chuyển biến trong hành động

Số lượng thanh niên ưu tú trong khối nông thôn được kết nạp Đảng vẫn chỉ chiếm con số khá khiêm tốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “già hóa” đảng viên - một vấn đề cấp bách đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Khó phát triển Đảng trong thanh niên nông thôn: Cần chuyển biến trong hành động

Hoạt động tạo sân chơi, các điểm vui chơi cho thiếu nhi dịp hè thu hút sự tham gia tích cực của thanh niên tại các địa phương. Ảnh: Lê Phượng

Nhìn từ thực tiễn

Một hiện tượng khá phổ biến ở các chi bộ thôn, xóm hiện nay là tuổi đời bình quân của đảng viên ngày một “già” đi. Theo khảo sát, tuổi đời bình quân của đội ngũ đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ thôn, xóm hiện nay khoảng 55 - 65 tuổi. Đây là con số đáng lưu tâm về thực trạng “già hóa” đảng viên nông thôn. Mặc dù, các cấp ủy đảng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên trẻ, tuy nhiên tỷ lệ đảng viên mới kết nạp là lao động nông nghiệp, ngành nghề ở nông thôn có chiều hướng giảm, nguyên nhân do khó khăn về tạo nguồn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân vì sao tuổi đời bình quân của đảng viên nông thôn đang ngày một “già” đi.

Trao đổi về công tác phát triển đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân), cho biết: Giai đoạn 2012-2020, có chi bộ trên địa bàn xã chỉ kết nạp được 1 đảng viên mới. Trước đó, giai đoạn 2008-2012 cũng đã có tình trạng có chi bộ chỉ kết nạp được 1 đảng viên. “Không phải chi bộ không quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, kỳ sinh hoạt nào cũng đề cập tới vấn đề này, nhưng khó khăn là không có nguồn, phần lớn thanh niên trong thôn đi làm ăn xa, số ở nhà thì còn mải làm kinh tế, hoặc trình độ văn hóa thấp, việc tham gia sinh hoạt các đoàn thể ít hấp dẫn với họ nên dẫn đến khó chọn nguồn để bồi dưỡng, kết nạp Đảng” – đồng chí Nguyễn Văn Chung lý giải.

Năm 2020, Đảng bộ xã Xuân Sinh kết nạp được 7 đảng viên mới. Tuổi đời bình quân của đảng viên trong toàn đảng bộ từ 55 - 65 tuổi, một số chi bộ như Bích Phương, Ngọc Lạp nhiều năm liền chưa kết nạp được đảng viên mới do đó ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như việc triển khai các nghị quyết của chi bộ, đảng bộ.

Là một thôn nhỏ với hơn 100 nhân khẩu, thôn Tân Ấp, xã Tân Thọ (Nông Cống) nhiều năm qua đã gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên. Chi bộ thôn được thành lập năm 2018 với 3 đồng chí, cho đến nay con số này vẫn chưa thay đổi. Số đảng viên ít cũng khiến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ở chi bộ gặp phải những khó khăn nhất định. Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Quý, thôn Tân Ấp đến nay vẫn chưa được công nhận thôn văn hóa, thôn nông thôn mới, việc triển khai các phong trào thi đua thiếu đi những đầu tàu gương mẫu là đảng viên nên hiệu quả chưa cao. Theo Đảng ủy xã Tân Thọ, năm 2020 toàn xã kết nạp được 4 đảng viên mới, chỉ đạt 54,14% so với chỉ tiêu huyện giao.

Đây cũng đang là thực trạng băn khoăn, lo lắng của nhiều chi bộ ở nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay. Đảng bộ xã Quang Trung (Ngọc Lặc) nhiều năm gần đây nguồn kết nạp đảng viên của các chi bộ nông thôn cũng cạn dần. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng đoàn viên, thanh niên trong xã phần lớn đã “ly hương” để kiếm sống. Năm 2020, đảng bộ xã kết nạp được 5 đảng viên mới, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, nguồn kết nạp đảng viên chủ yếu dựa vào các quần chúng ưu tú trong khối cơ quan, trường học. Xét về lâu dài, nguồn quần chúng này thiếu bền vững và không dồi dào.

Trao đổi với nhiều bí thư chi bộ ở các khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh, các đồng chí đều cho rằng: Hiện tình trạng già hóa đội ngũ đảng viên ở các chi bộ khu dân cư đang rất báo động. Sự già hóa đội ngũ đảng viên ở chi bộ đang khiến cho nhiều chi bộ lo lắng về đội ngũ kế cận. Ở nhiều chi bộ, trong khi mỗi năm hoặc 2 năm mới kết nạp được 1 đảng viên, nhưng lại giảm đến 3 - 4 đảng viên do tuổi cao sức yếu nên dẫn đến tình trạng “tre già, măng chưa mọc”. Nếu không khắc phục được tình trạng này thì tương lai không xa sẽ làm giảm năng lực lãnh đạo ở các chi bộ khu dân cư. Từ việc thiếu vắng đảng viên trẻ nên ở nhiều chi bộ đảng viên già vẫn phải gánh vác các nhiệm vụ của thôn, xóm. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ phần lớn đã nhiều tuổi, muốn xin nghỉ nhưng chi bộ không tìm được ai thay thế.

Theo thống kê của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, từ năm 2018 đến nay, các cấp bộ đoàn đã giới thiệu được 19.700 đoàn viên ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, trong đó có 16.114 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng. Tuy vậy, số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu bồi dưỡng kết nạp Đảng chủ yếu là khối công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; tỷ lệ thanh niên khối nông thôn trong tổng số thanh niên được giới thiệu kết nạp Đảng còn khá khiêm tốn.

Thực tiễn công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ, khỏe, có đủ năng lực tiếp nhận và ứng dụng tri thức khoa học, kỹ thuật mới để lãnh đạo Nhân dân thực hiện tốt sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Các chi bộ thôn, xóm đang rất cần được “tiếp sức” để nâng cao năng lực lãnh đạo và cũng rất cần có thêm sức trẻ để đảm đương những công việc mới.

Loay hoay tạo nguồn

Xuất phát từ thực tiễn, dẫn đến bài toán “tạo nguồn” vẫn đang loay hoay tìm lời giải bởi nhiều nguyên nhân.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều kiện sinh hoạt và tâm lý khoa cử cũng là những yếu tố đã và đang tác động nhiều mặt đến thanh niên và công tác phát triển Đảng trong thanh niên ở khu vực nông thôn hiện nay. Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thành Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Từ nhiều năm nay, nguồn phát triển đảng viên trẻ ở xã vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh niên trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp. Trên thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, tạo điều kiện, giúp đỡ phát triển Đảng không nhiều, bởi do một số sau khi tốt nghiệp THPT lại tiếp tục phấn đấu vào học các trường chuyên nghiệp, một số đi học ở các trung tâm dạy nghề; hoặc đi làm xa. Vì vậy, làm cho nguồn phát triển đảng viên ở chi bộ nông thôn cũng bị hạn chế. Trong khi đó, các đối tượng là trưởng các tổ chức đoàn thể ở thôn cũng rất khó khăn bởi quần chúng tích cực muốn được phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì tiêu chí về trình độ văn hóa lại chưa đạt chuẩn (phải có trình độ học vấn tốt nghiệp THPT trở lên), nên số lượng thanh niên chưa học hết THPT rất khó có điều kiện phát triển. Thêm vào đó, đối với một số thanh niên sau khi đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng vì nhiều yếu tố khách quan nên cũng sa sút động cơ phấn đấu. Đây là một trong những yếu tố làm cho số lượng thanh niên được kết nạp tại địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ khó và giảm. Vì vậy, dẫn đến một nghịch lý là trong khi nguồn phát triển bị hạn chế, nhưng yêu cầu công tác phát triển Đảng vẫn phải nâng cao đã đặt các chi bộ nông thôn vào tình thế “loay hoay” tìm nguồn.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, cho rằng: Những hạn chế về số lượng cũng như chất lượng của đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn đang cho thấy thực tế, một số cấp ủy đảng cơ sở vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác đoàn và phong trào thanh niên. Các cấp bộ đoàn cũng chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong tập hợp, giáo dục thanh niên bằng các phương thức hiệu quả nên hoạt động hạn chế cả bề rộng lẫn chiều sâu. Do đó, công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng Đảng là thanh niên chưa chuyển biến, có tình trạng giới thiệu đoàn viên ưu tú xong coi là hết trách nhiệm.

Vì thế, để làm tốt công tác này, cần thấy rằng sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng; chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn và ý thức tự giác của mỗi thanh niên là những yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả công tác phát triển Đảng trong thanh niên, nhất là thanh niên trực tiếp lao động, sản xuất ở khu vực nông thôn. Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả đầu tư vào địa bàn, tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Đồng thời, cần quan tâm, chú ý đến công tác quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên. Về phía các tổ chức đoàn, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện tu dưỡng. Đặc biệt, tổ chức đoàn tìm kiếm các giải pháp để định hướng, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương. Đây là cách làm hiệu quả, thiết thực nhất để từ đó phát triển thêm nhiều thanh niên nông thôn ưu tú, giới thiệu với Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.

Phát triển Đảng trong thanh niên nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Bởi vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác này, bên cạnh việc các cấp ủy đảng, chính quyền phải có thêm nhiều giải pháp thiết thực, việc lựa chọn những quần chúng ưu tú cho Đảng cũng cần được các chi bộ quan tâm đúng mức, có những cách làm phù hợp để lựa chọn đối tượng kết nạp đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu đặt ra.

Bài 2: Khắc phục tình trạng “nhạt Đảng”, “xa rời chính trị”.

Nhóm phóng viên phòng XDĐ-NC


Nhóm phóng viên phòng XDĐ-NC

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]