(Baothanhhoa.vn) - Ngày 6-1-1946, chỉ sau 4 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ và mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành trình 75 năm Quốc hội Việt Nam: Những đóng góp quan trọng của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Ngày 6-1-1946, chỉ sau 4 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ và mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Hành trình 75 năm Quốc hội Việt Nam: Những đóng góp quan trọng của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh HóaHội nghị TXCT theo chuyên đề của ĐBQH tỉnh với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; ngày càng khẳng định vai trò cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội đều gắn với dấu ấn, thời kỳ đặc biệt của dân tộc. Dù thời kỳ nào, trong hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc, cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước.

Trong truyền thống lịch sử vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, có những đóng góp quan trọng của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các thế hệ ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1946 đến nay, trải qua các giai đoạn lịch sử, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ đã luôn phát huy cao độ truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện thể chế và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách người đại biểu Nhân dân. Các ĐBQH luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, qua đó đã thu thập và phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 185 cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) trước, sau kỳ họp với 27 huyện, thị, thành phố và hàng trăm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; có 15 cuộc TXCT theo chuyên đề; 10 cuộc TXCT tại nơi cư trú, nơi công tác của các ĐBQH trong tỉnh; 1 cuộc với cử tri ngoài tỉnh (tại xã Ia Lốp, tỉnh Đắk Lắk - xã di dân vùng lòng hồ Cửa Đạt). Dấu ấn trong TXCT là Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 1 cuộc TXCT chuyên đề giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; trên cơ sở thông báo rộng rãi trên Đài Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa, thông báo tới các huyện, thị, thành phố về chuyên đề TXCT để tất cả cử tri quan tâm tham dự. Tại cuộc TXCT này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu, giải thích, kiến nghị giải quyết tất cả các ý kiến kiến nghị của cử tri, góp phần giải quyết kịp thời chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng và kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh về chính sách đối với người có công với cách mạng. Sau các đợt tiếp xúc trước và sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH đã tổng hợp được 477 nhóm ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh để xem xét, giải quyết. Tính đến nay, đã có trên 90 lượt cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản về 425 vấn đề mà cử tri và Đoàn ĐBQH Thanh Hóa có ý kiến, kiến nghị. Kết quả trả lời của các cơ quan chức năng đã được các ĐBQH trực tiếp báo cáo với cử tri tại các cuộc tiếp xúc và được đăng tải trên Báo Thanh Hóa, trên trang website của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để cử tri và đông đảo Nhân dân trong tỉnh được biết.

Tại các kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH tỉnh đã dành thời gian nghiên cứu và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật tại các phiên thảo luận tổ và ở hội trường; tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ cũng như góp ý đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời kết hợp phản ánh những vấn đề bức xúc của cử tri để Quốc hội và Chính phủ quan tâm. Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào 70 dự án luật và pháp lệnh đảm bảo theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong các phiên họp tại hội trường và tại tổ, các vị ĐBQH Thanh Hóa đã tích cực tham gia góp ý kiến vào các dự án luật, nghị quyết, các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 120 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; 26 lượt đại biểu tranh luận; 228 lượt ý kiến phát biểu tại các buổi thảo luận tổ. Nhiều bài phát biểu của các ĐBQH trong đoàn được Quốc hội, cử tri đánh giá cao.

Nhiệm kỳ 2016-2021 cũng đánh dấu những thành công của Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát, khảo sát. Trong nhiệm kỳ, đoàn đã tiến hành giám sát 7 chuyên đề theo nội dung giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát 3 nội dung theo chương trình giám sát hàng năm của Đoàn ĐBQH tỉnh. Qua giám sát, đoàn đã gửi đến các cơ quan chức năng 128 kiến nghị, đề xuất. Qua theo dõi, hầu hết các kiến nghị của đoàn đã được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương xem xét giải quyết. Nhiều kiến nghị sau giám sát, khảo sát đã được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc tiếp thu. Các kiến nghị sau giám sát, khảo sát được thường xuyên theo dõi, đôn đốc và yêu cầu thực hiện. Bên cạnh đó, đoàn cũng cử đại biểu trong đoàn tham gia các đoàn giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát, khảo sát tại Thanh Hóa.

Đối với công tác tiếp dân, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, các ĐBQH tỉnh luôn thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tiếp công dân, giải thích pháp luật, hướng dẫn và tiếp nhận các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo luật định; đồng thời, quan tâm giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Trong nhiệm kỳ, thông qua các lần tiếp công dân và nhận đơn qua đường bưu điện, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận 2.145 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Đoàn đã chuyển 800 đơn, ban hành 20 văn bản đôn đốc và kiến nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Số còn lại do trùng lắp hoặc đã được các cơ quan giải quyết đúng trình tự quy định của pháp luật. Kết quả, có 355/800 đơn đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời; 445/800 đơn đang xem xét, giải quyết.

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Sỹ Diến, từ những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế, tồn tại trong nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021) của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: Trước hết, cần chủ động trong định hướng hoạt động của đoàn theo nhiệm kỳ, hàng năm và từng quý, từng tháng, đáp ứng đòi hỏi thường xuyên và đột xuất của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nguyện vọng của cử tri. Các hoạt động của đoàn phải bám sát thực tiễn đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương; đề cao trách nhiệm đại biểu trước cử tri, gắn bó mật thiết với cử tri. Nâng cao chất lượng ĐBQH cả về năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp cũng như bản lĩnh và trách nhiệm trước cử tri. Bên cạnh đó, phải không ngừng đổi mới các hoạt động theo hướng năng động – dân chủ - thiết thực bám sát cơ sở, gắn bó với cử tri, lắng nghe ý kiến kiến nghị của cử tri để phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri; tổng hợp đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa ĐBQH, Đoàn ĐBQH với các cơ quan của Quốc hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ ở địa phương. Tiếp tục cải tiến phương thức hoạt động trên các mặt công tác để nâng cao chất lượng các hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Xem xét thấu đáo, có trách nhiệm với các ý kiến, kiến nghị của cử tri; các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, theo bám đến cùng các kiến nghị của đoàn gửi đến các tổ chức, cá nhân yêu cầu xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Quan tâm đến công tác tư vấn, hỗ trợ ĐBQH, Đoàn ĐBQH có đủ thông tin tham khảo, góp phần nâng cao chất lượng ý kiến tham luận, phát biểu của các ĐBQH cũng như hoạt động giám sát của đoàn. Phát huy vai trò chủ động tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh; xây dựng bộ máy tham mưu, giúp việc đủ số lượng, cơ cấu chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm thực tiễn, có tinh thần gắn bó với công tác Quốc hội...

Những đóng góp quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã góp phần tô thắm những trang sử vẻ vang của Quốc hội Việt Nam trên hành trình 75 năm qua. Chúng ta có quyền tự hào về sự phát triển và trưởng thành của nhiều thế hệ ĐBQH tỉnh với bản lĩnh chính trị vững vàng, với năng lực phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, góp phần tích cực làm cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến đóng góp xây dựng của cử tri và Nhân dân Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến với các diễn đàn của Quốc hội; được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ghi nhận.

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]