(Baothanhhoa.vn) - Được xem là “cầu nối” giữa Quốc hội với cử tri, cho nên hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức hiệu quả sẽ tạo sức lan tỏa sâu rộng và thu hút được trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân đối với các vấn đề quốc kế dân sinh. Đồng thời, góp phần tạo dựng niềm tin của cử tri, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định trật tự an toàn xã hội.

Cần đi đến cùng các vấn đề phát sinh từ cơ sở, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri

Được xem là “cầu nối” giữa Quốc hội với cử tri, cho nên hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức hiệu quả sẽ tạo sức lan tỏa sâu rộng và thu hút được trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân đối với các vấn đề quốc kế dân sinh. Đồng thời, góp phần tạo dựng niềm tin của cử tri, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định trật tự an toàn xã hội.

Cần đi đến cùng các vấn đề phát sinh từ cơ sở, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử triToàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh với cử tri huyện Ngọc Lặc trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc Hương

Tiếng nói từ cơ sở

Hướng đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 23-5 và dự kiến bế mạc ngày 17-6-2022) – kỳ họp được đánh giá là rất quan trọng, khi có nhiều dự án luật và quyết sách thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua - thời gian qua, các đoàn ĐBQH đã tiến hành một đợt tiếp xúc cử tri sâu rộng, với đa dạng thành phần tham gia và nội dung được phản ánh, kiến nghị, trả lời tương đối phong phú, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Qua đó, các vị ĐBQH đã được tận mắt nhìn, tận tai nghe tiếng nói của cử tri để nắm bắt tường tận những vấn đề nổi cộm, phát sinh tại cơ sở. Đồng thời, có sự hồi đáp tương đối thỏa đáng, trách nhiệm và cầu thị nhiều kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Đây cũng chính là cơ sở tạo cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, nhằm thu hút trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân đối với nhiều vấn đề quốc kế dân sinh đang được đặt ra trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.

Thanh Hóa hiện là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thuộc top cao của cả nước, do đó, những vấn đề phát sinh từ cơ sở cũng tương đối đa dạng. Trong đó, trọng tâm là các vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông; chính sách đặc thù hỗ trợ khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chính sách đầu tư cho giáo dục – đào tạo, nhất là đội ngũ giáo viên, dạy nghề gắn với tạo việc làm; các chính sách ưu đãi người có công, an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân, xóa đói giảm nghèo bền vững; chính sách liên quan đến công tác cán bộ... Mặc dù đây đều là những vấn đề không mới, song cũng chưa bao giờ hết “nóng” ở cơ sở nên luôn nhận được sự quan tâm, trăn trở của đông đảo cử tri.

Nổi bật trong đó phải kể đến các vấn đề về an sinh xã hội, chính sách phát triển khu vực miền núi, dân tộc thiểu số... Liên quan đến những nội dung này, trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri huyện Ngọc Lặc đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, để có cơ sở áp dụng và thực hiện; bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng biệt cho hộ nghèo bảo trợ xã hội (không có khả năng lao động) và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; đề nghị không thu hồi, luân chuyển vốn (ít nhất 30%) hỗ trợ ban đầu đối với những hộ tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2018-2020. Trong khi đó, cử tri huyện Lang Chánh kiến nghị Chính phủ sớm triển khai Đề án tổng thể Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030; quan tâm đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ địa phương trong đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho người dân có nguy cơ sạt lở rất cao trong mùa mưa lũ trên địa bàn các huyện miền núi. Còn cử tri huyện Thạch Thành đề nghị rà soát, phân loại các xã khu vực III, II, I, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ...

Cùng với an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình mục tiêu quốc gia trọng tâm hiện đang nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Song đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri trong tỉnh. Điển hình như cử tri huyện Triệu Sơn đề nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Còn cử tri huyện Như Thanh, cử tri huyện Lang Chánh bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm có cơ chế phân bổ vốn ngân sách Trung ương, hỗ trợ từ ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác làm căn cứ để địa phương triển khai thực hiện; nghiên cứu xem xét có tiêu chí đặc thù cho khu vực miền núi hoặc cơ chê, chính sách riêng để hỗ trợ các xã, huyện miền núi xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...

Một trong những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại cơ sở hiện nay là công tác quản lý đất đai. Liên quan đến nội dung này, kiến nghị của cử tri TP Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Đông Sơn gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đều thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét để sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Cụ thể là quy định rõ ràng, cụ thể các quyền của đại diện chủ sở hữu; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bổ sung việc giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất được lựa chọn theo pháp luật về đầu tư, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với trường hợp thực hiện theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc hợp đồng liên danh; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật đầu tư; bổ sung quy định về hình thức, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với loại đất sử dụng vào mục đích nhà tang lễ, nhà hỏa táng; quy trình thực hiện thu hồi đất các dự án vi phạm theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013...

Giải đáp thỏa đáng

Những vấn đề cử tri quan tâm và kiến nghị lên ĐBQH vốn gắn liền với quyền lợi và có tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên đời sống của từng cá nhân và của cả cộng đồng. Đặc biệt, nhiều vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội nếu không sớm được giải quyết, tháo gỡ, sẽ dần tích tụ và trở thành “ung nhọt” cắm sâu vào đời sống xã hội, gây bất bình và suy giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chính vì lẽ đó, thông qua “kênh” tiếp xúc cử tri, tiếng nói nguyện vọng và cả những băn khoăn, trăn trở của cử tri cần được các ĐBQH, các cấp, các ngành hồi đáp thỏa đáng, đi đến cùng và giải quyết đến cùng những vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Trên tinh thần đó, những nguyện vọng, kiến nghị của cử tri Thanh Hóa được đề đạt lên Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã và đang được các bộ, ngành trả lời tương đối cụ thể, thỏa đáng. Chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội như giảm nghèo; rà soát, phân loại các xã khu vực III, II, I, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Dân tộc đã có Văn bản số 2018/UBDT-CSDT trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa: Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương và căn cứ tiêu chí quy định tại Quyết định số 30/2020/QĐ-TTg, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Số liệu rà soát xác định các tiêu chí, trong đó có tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo được tính tại thời điểm 31-12-2019 (quy định tại Khoản 3 Điều 10 Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg). Còn việc rà soát, phân loại các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Liên quan đến cơ chế phân bổ vốn ngân sách Trung ương, hỗ trợ từ ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện trong quá trình xây dựng NTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có liên quan xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Còn với kiến nghị nghiên cứu xem xét có tiêu chí đặc thù cho khu vực miền núi hoặc cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ các xã, huyện miền núi xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng trả lời rõ: Trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, bộ đã đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương cho các xã dưới 15 tiêu chí, xã chưa đạt chuẩn, để phấn đấu đạt chuẩn NTM, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM và các địa phương miền núi, với hệ số phân bổ cao hơn so với các địa phương khác không thuộc đối tượng ưu tiên.

Đối với vấn đề “nóng” đất đai được dư luận đặc biệt quan tâm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 125/BTNMT-PC trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa: Ngày 27-7-2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022), cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022). Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ trước 10-1-2022. Hiện, bộ đang tập trung hoàn thiện nội dung Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ và Quốc hội đúng theo kế hoạch đã đề ra. Do vậy, các kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới.

Đầu tư cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo trước hết cần đầu tư cho con người – đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Đây cũng là vấn đề được nêu tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri. Theo đó, kiến nghị xem xét phân bổ biên chế giáo viên cho tỉnh Thanh Hóa (do số lượng giáo viên đang thiếu ở các cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 5950/BGDĐT-NGCBQLGD trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2025 (trong đó có tỉnh Thanh Hóa). Tuy nhiên, để đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến với UBND tỉnh tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp giáo viên yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Bên cạnh đó, nhiều kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, bảo hiểm, các chính sách dành cho quân nhân và các chính sách liên quan đến công tác cán bộ (số lượng cấp phó các phòng chuyên môn của cấp huyện; số lượng phó chủ tịch UBND tại các phường, xã loại III trực thuộc đô thị; số lượng công chức cấp xã đối với các phường, xã ở đô thị; tăng mức phụ cấp đối với bí thư chi bộ, trưởng thôn/phố và có chính sách hỗ trợ (phụ cấp) đối với chi hội trưởng của các tổ chức chính trị - xã hội thôn, tổ dân phố...), cũng đã được các bộ, ngành liên quan giải đáp bằng văn bản và được các ĐBQH trả lời ngay tại các buổi tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, một số vấn đề đã được cử tri kiến nghị, đề xuất từ kỳ hợp trước nhưng vẫn còn “nợ” câu trả lời (như điều chỉnh quy hoạch Thành Nhà Hồ; xem xét những trường hợp đặc biệt khó khăn cần có sự quan tâm trợ giúp của cộng đồng như người cao tuổi cô đơn, không chồng, không con, thuộc hộ nghèo bị cắt giảm chế độ và không có các khoản trợ cấp khác; nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chính sách cho người cao tuổi hưởng trợ cấp từ 80 tuổi xuống từ 75 tuổi trở lên; quy hoạch, trùng tu, tôn tạo lại Khu Di tích lịch sử - văn hóa và lăng mộ Lê Thì Hiến (thôn Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn) đang xuống cấp trầm trọng...), cử tri Thanh Hóa bày tỏ mong muốn các bộ, ngành và các ĐBQH tiếp tục quan tâm, sớm có hồi đáp và giải pháp thỏa đáng để giải quyết dứt điểm. Từ đó, tạo sự đồng thuận và niềm tin của Nhân dân đối với Quốc hội, ĐBQH; đồng thời, tạo cơ sở để đưa các chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đi vào cuộc sống và tạo dựng nên các giá trị mới cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đề nghị quan tâm giải quyết những bất cập nảy sinh trong thực hiện chính sách ở địa phương

Tham gia ý kiến, kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (ngày 25-4-2022), đồng chí Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (ảnh trên) đã nêu lên một số bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật, nghị định, các cơ chế, chính sách ở địa phương; đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết những vấn đề: tiếp tục hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT cho đối tượng không được ngân sách Nhà nước đóng BHYT do bị tác động, ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc. Đồng thời, xem xét cho các xã bị tác động ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg tiếp tục được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và xây dựng nông thôn mới như các xã đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho các đối tượng là học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn tiếp tục được thụ hưởng chính sách Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ; xem xét cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các xã khó khăn tiếp tục được thụ hưởng chính sách Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8-10-2019 của Chính phủ...

Hiện nay, tại các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, hộ gia đình được vay vốn để sản xuất, kinh doanh ở mức rất thấp (tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ, thấp hơn mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo là 100 triệu đồng/hộ). Bên cạnh đó, chưa cho chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn có sử dụng, tạo việc làm, thu hút lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Do vậy, đồng chí đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với các hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ lên mức 200 triệu đồng/hộ và không phải bảo đảm tài sản.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, dân số hơn 51.000 người, nhưng đến nay chưa có công trình nước sạch tập trung. Đề nghị các ĐBQH và lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng Nhà máy Nước sạch trên địa bàn huyện phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân. Trên địa bàn xã Yên Khương còn 149 hộ dân thiếu đất ở và đất sản xuất thuộc bản Xắng Hằng, bản Yên Bình (sinh sống trong khu vực do Đồn Biên phòng Yên Khương quản lý). Năm 2017, UBND huyện đã rà soát và thống nhất với Đồn Biên phòng Yên Khương thu hồi 308,5 ha đất của đồn bàn giao về địa phương quản lý để giao đất cho Nhân dân sớm ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết, đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét.

Quốc Hương (lược ghi)

Sớm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân sống trong vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (ngày 25-4-2022), cử tri Đàm Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Như Xuân (ảnh trên) bày tỏ mong muốn: các ĐBQH kiến nghị với Chính phủ sớm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En.

Theo cử tri Đàm Văn Thông, xã Tân Bình hiện có 680 hộ dân, với khoảng 3.000 nhân khẩu, sinh sống ở 6 thôn. Trong đó, có 195 hộ dân thuộc 3 thôn gồm Thanh Bình, Đức Bình, Mai Thắng sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En. Người dân ở các thôn đã sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Bến En từ những năm 1960, trước khi Vườn Quốc gia Bến En được thành lâp. Tuy nhiên, quá trình quy hoạch Vườn Quốc gia Bến En người dân không được di dời ra ngoài ranh giới quy hoạch rừng đặc dụng và cũng không được quy hoạch đất ở, đất sản xuất để ổn định đời sống tại chỗ. Nhiều năm qua, do không được cấp đất ở, đất sản xuất nên đời sống của 195 hộ dân thuộc 3 thôn Thanh Bình, Đức Bình, Mai Thắng nói riêng và nhiều hộ dân khác ở 2 xã Xuân Quỳ, Hóa Quỳ gặp nhiều khó khăn.

Ngày 17-3-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 418/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bàn giao đất Vườn Quốc gia Bến En giao lại cho các địa phương, với tổng diện tích 368,406 ha. Trong đó, diện tích đất giao lại cho các xã gồm: Tân Bình là 299,41 ha; Xuân Quỳ 40 ha và Hóa Quỳ 28,25 ha (hiện xã Xuân Quỳ đã sáp nhập vào xã Hóa Quỳ). Trên cơ sở Quyết định số 418/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, huyện Như Xuân đã phối hợp với Vườn Quốc gia Bến En tiến hành khảo sát cắm mốc thực địa và thống nhất phương án giao đất cho các xã. Do quá trình phối hợp giải quyết có một số bất cập, vượt thẩm quyền nên đến nay việc giao đất cho các hộ dân sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En vẫn chưa thực hiện được.

Trần Thanh (lược ghi)

Quan tâm nâng cấp hệ thống giao thông, tạo động lực phát triển

Là cử tri thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tôi nhận thấy hoạt động của Quốc hội những năm gần đây đã có nhiều đổi mới và sáng tạo; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước rất quyết liệt, chính quyền các cấp quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân. Tôi cũng rất vui mừng trước sự đổi thay và phát triển của đất nước, của tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Đông Sơn nói riêng, đặc biệt đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở hoạt động tích cực, quan tâm, sâu sát Nhân dân, nắm chắc tình hình cơ sở nên công tác lãnh, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh rất kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh nên hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang được đầu tư xây dựng góp phần tạo diện mạo mới cho tỉnh Thanh Hóa, kết nối giữa các vùng, miền trong tỉnh và với các tỉnh bạn, tạo tiền đề phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cần quan tâm xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Đông Sơn. Cụ thể, sớm mở rộng Quốc lộ 47, từ ngã ba Nhồi (TP Thanh Hóa) đi xã Đông Minh (Đông Sơn) nhằm kết nối trung tâm TP Thanh Hóa với đường cao tốc Bắc – Nam; tu sửa Quốc lộ 45 một số đoạn hư hỏng, xuống cấp qua địa bàn thị trấn Rừng Thông và phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa). Sớm xây dựng hệ thống đèn tín hiệu trên tuyến Quốc lộ 47 đoạn qua thị trấn Rừng Thông và phường Đông Tân (TP Thanh Hóa); tại ngã ba giáp Trường THPT Đông Sơn 1 (giao cắt giữa đường Nguyễn Chích với đường Nguyễn Nhữ Soạn); tại giao cắt giữa Đại lộ Đông Tây với đường Nguyễn Mộng Tuân; tại giao cắt giữa Quốc lộ 47 với đường tỉnh 517 thuộc phường Đông Tân (TP Thanh Hóa)...

Lê Huy Hiệu Bí thư Chi bộ Hàm Hạ,

thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn)

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]