(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, nhất là từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Yên Định luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương và tăng cường phối hợp với ngành chức năng ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất, tạo động lực cho người dân hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Xây dựng các mô hình giá trị kinh tế lớn ở Yên Định

Trong những năm qua, nhất là từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Yên Định luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương và tăng cường phối hợp với ngành chức năng ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất, tạo động lực cho người dân hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Xây dựng các mô hình giá trị kinh tế lớn ở Yên ĐịnhMô hình trồng ớt cho thu nhập cao của nông dân xã Yên Phú (Yên Định).

Nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, các địa phương trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp như, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển theo chiều sâu; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích; tăng cường ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất... Với cách làm này, nhiều địa phương đã có sự bứt phá trong phát triển các mô hình, như: Mô hình khảo nghiệm giống lúa mới chất lượng ST25 tại xã Yên Hùng; mô hình giống lúa nếp Hương sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Yên Lâm; mô hình máy cấy không người lái tại xã Định Liên; mô hình nuôi cá trắm đen xã Yên Ninh, nuôi cá trắm giòn xã Yên Hùng, nuôi tôm ở xã Yên Thái; nuôi lươn không bùn trong bể xi măng tại xã Yên Phong... Theo chia sẻ của anh Hoàng Anh Kiên ở thôn Thị Thư, xã Yên Phong, so với nuôi lươn theo cách truyền thống thì nuôi lươn không bùn dễ quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển và phát hiện bệnh. Đặc biệt, khi nuôi lươn không bùn có thể nuôi với mật độ cao hơn nhiều lần so với nuôi truyền thống; thời gian chăm sóc ít, nhưng hiệu quả mang lại vẫn cao.

Được biết, để phát triển thủy sản theo hướng chuyên sâu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường, UBND huyện Yên Định đã xây dựng kế hoạch kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản thuộc đối tượng phải lập hồ sơ môi trường hằng năm. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền và thông báo cơ sở lập hồ sơ môi trường theo đúng quy định. Qua thống kê, toàn huyện có 850 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, trong đó có 86 cơ sở sở hữu đối tượng cài đặt hồ sơ môi trường, 100% cơ sở đều đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.

Trong quá trình sản xuất, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tăng cường xây dựng các chuỗi liên kết nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và thu nhập ổn định của người dân. Đến nay, toàn huyện đã có 27 HTX ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm như lúa, ngô sinh khối, rau màu các loại với các đơn vị như: Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty TNHH Giống cây trồng Tứ Xuyên, Công ty TNHH Tân Tiến, Công ty TNHH Giống cây trồng Hà Bắc Sơn... Diện tích cây trồng liên kết bao tiêu sản phẩm hằng năm khoảng 3.500ha, với tổng giá trị liên kết trên 500 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực như cây lúa, ớt, dưa vàng, bưởi, bí, rau củ các loại,... gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được cấp chứng nhận VietGAP. Trong đó, có 79ha rau an toàn tập trung chuyên canh và 8,2ha trồng rau củ quả trong nhà lưới, nhà màng; 55ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và 52,4ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; 2 cụm trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô 60.000 con/lứa được chứng nhận VietGAP tại xã Yên Trường và xã Định Hòa...

Đặc biệt, để nâng cao giá trị, năng suất sản phẩm trên cùng một diện tích, những năm gần đây huyện đã đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN, tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất. Đáng chú ý là hoạt động ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất thương phẩm cà chua ghép và hoa (hoa cúc và dạ yến thảo) tại xã Yên Phong; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lóc (Channa striata) đạt tiêu chuẩn VietGAP... Hoạt động này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, mức sống của người dân.

Từ kết quả đạt được, chủ trương của huyện Yên Định trong những năm tới là mở rộng các vùng sản xuất với tất cả các khâu từ làm đất, gieo hạt, bón phân, thu hoạch... đều được cơ giới hóa và theo hướng ứng dụng KHCN. Ví như khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ sử dụng máy bay không người lái; khâu thu hoạch sẽ sử dụng máy gặt đập liên hợp... Cùng với đó, tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích nhà màng, nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tự động kết hợp dinh dưỡng, công nghệ canh tác không dùng đất (thủy canh, khí canh, trồng trên giá thể) để sản xuất các loại rau, củ, quả chất lượng cao. Đối với các vùng sản xuất rau màu chuyên canh áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGap, hữu cơ,... sẽ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây vừa là chiến lược, vừa là giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp huyện nhà phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]