Lễ hội đền Quang Trung trên đảo Nghi Sơn
Lễ hội đền Quang Trung, xã đảo Nghi Sơn xưa có tên là Biện Sơn, là lễ hội cổ truyền có quy mô lớn ở phía Nam huyện Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn. Lễ hội tri ân, tưởng nhớ công đức người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, đề cao tinh thần thượng võ, cổ vũ dân chài vươn khơi bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thời gian tổ chức lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 tết.
Tế lễ đức vua Quang Trung và các vị thần linh tại đền thờ.
Sau khi quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược, ghi công của cư dân các làng biển trong đó có cư dân Biện Sơn đã giúp đỡ nhà vua luyện tập thủy binh, hăng hái lên đường giết giặc, Quang Trung đã bãi miễn việc nộp thuế yến sào lấy tận đảo Mê, cống vật có từ thời Lê - Trịnh khiến nhiều người dân phải bỏ mạng. Cảm tạ ân đức của nhà vua, dân làng đã lập đền thờ Ngài trên đảo, bên cạnh đền là quần thể di tích nghè thờ Tứ vị Thánh Nương, các vị thần biển, nhà thờ Thiên chúa và đền thờ Tôn Thất Cơ.
Lễ hội đền Quang Trung có phần lễ và phần hội, tôn vinh người anh hùng áo vải cờ đào và các vị thần linh, tri ân công đức của Ngài cùng các tướng lĩnh, cầu mong các vị thần phù hộ cho ngư dân vươn khơi bám biển, tôm cá đầy khoang, quốc thái dân khang. Đây cũng là dịp rèn luyện sức khỏe, thể hiện tài trí vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng Nhân dân trong vùng và khách thập phương.
Trước ngày diễn ra lễ hội, ông từ và các vị chức sắc làm lễ mộc dục, tắm tượng, phong y, mặc quần áo mới, lau chùi nghi trượng, đồ thờ, tế phụng
nghinh, mời đức vua và lục bộ triều đình, hội đồng các quan về húy kỵ vua, sau đó tổ chức rước kiệu.
Kiệu rước là kiệu bát cống cổ sơn son thếp vàng. Trong kiệu có một bát hương, thánh vị và các đồ thờ. Người rước đều mặc áo đũi đỏ, cộc tay, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đi đất. Sau một hồi trống, đoàn rước khởi kiệu theo nghi thức cổ. Đi đầu là hương án có 4 người khiêng, trên hương án rước bát hương và lễ vật gồm trầu cau, hoa và trái cây. Hai người vác hai lọng vàng đi hai bên che. Hương án vừa đi trước dẫn đầu lại vừa có chức năng dẹp đám. Sau hương án là phường bát âm gồm có trống đại, chuông lớn và các nhạc cụ: đàn, sáo, thanh la, não bạt, kèn, nhị... Phường bát âm vừa đi vừa cử nhạc. Sau phường bát âm có 32 người xếp thành 2 hàng, 6 người vác gươm, 6 người mang bát bửu, 4 người vác dùi đồng, phủ việt và tiếp đó là 16 người, mỗi người hai tay cầm hai kiếm gỗ. Tiếp theo đoàn người vác bát bửu, gươm kiếm là đoàn người rước cờ hội, chia thành hai hàng, mỗi người được phân công mang một lá cờ, kế đó có 4 người rước bốn lọng lớn. Sau đấy một người mang cờ lệnh có đề chữ “Đế”, một người khác vác thẻ bài, mặt trước mang chữ “Thượng đẳng”, mặt sau có chữ “Lịch triều”, tiếp theo là kiệu bát cống. Sau kiệu bát cống là kiệu song loan rước Tứ vị Thánh Nương rồi đến kiệu Tô Hiến Thành; các quan viên, chức sắc, bô lão và Nhân dân theo phẩm sắc, thứ bậc xếp thành hai hàng.
Đám rước khởi đầu từ đền đến đình, sau đó trở lại đền. Trên quãng đường rước kiệu, khi đến các ngã ba, ngã tư, các đường giao nhau hoặc trước khi vào sân đình, sân đền, kiệu quay tròn theo các hướng khác nhau. Cảnh tượng ấy hòa với trống chiêng đổ dồn và lòng thành kính của người dự lễ càng làm tăng thêm sự linh thiêng và uy nghiêm của đám rước.
Sau khi rước kiệu về đền thì làm lễ yên vị, dâng lễ vật, tiến hành tế lễ theo nghi thức cổ và đọc chúc. Nội dung ca ngợi công đức của vua Quang Trung; lời văn được viết theo lối cổ; khi đọc ngân dài theo lối văn tế. Khi vị thông xướng hô “Tế tửu!” thì ban nhạc rung chiêng, nổi trống, dạo nhạc rồi yên lặng, chỉ còn tiếng ca ngâm của ông chủ tế cất lên. Cùng với sự tri ân công đức của nhà vua và các vị thần linh, chúc văn cầu mong các vị thần linh phù hộ cho dân làng và khách thập phương bước sang năm mới làm ăn phát đạt, cuộc sống đủ đầy, đánh bắt được nhiều tôm cá, kinh doanh, buôn bán hưng thịnh.
Trong lễ hội đền Quang Trung xưa còn diễn ra trò kéo chữ “Thiên hạ thái bình”, chơi đu, đấu vật, cờ tướng, đua thuyền... Kéo chữ “Thiên hạ thái bình”, hình thức diễn ra như sau: Đội kéo chữ có 120 người, chia làm hai hàng, tất cả đều mặc quần cộc đen sọc đỏ, áo tứ thân màu xanh lá cây, tay cầm cờ. Người chỉ huy đội kéo chữ gọi là Tổng cờ. Theo 3 nhịp trống của ông “Chỉ trống”, toàn đội chạy từ trái sang phải. Hàng thứ nhất chịu trách nhiệm chạy nét chữ “Thái”, còn hàng thứ hai kéo chữ “Bình”. Đầu tiên, hàng thứ nhất chạy nét ngang của chữ “Thái”, sau đó vòng lên phía trước, kéo xuống thành nét thanh, rồi lại vòng lên phía tay phải, kéo xuống thành nét mác, cuối cùng chạy vòng lên phía tay trái, kéo xuống, tạo thành nét chấm. Thế là hoàn thành chữ “Thái”. Người đi đầu tiên thành người đi cuối cùng và ngược lại.
Trong khi hàng 1 kéo chữ “Thái” thì hàng 2 kéo chữ “Bình”, cũng theo nguyên tắc từ trái sang phải. Đầu tiên, hàng này chạy nét ngang trên của chữ “Bình”, sau đó, vòng lên trên và kéo xuống tạo thành nét phẩy bên trái, lại chạy ngược lên và kéo xuống, tạo thành nét phẩy bên phải, rồi vòng xuống, chạy nét ngang dưới, từ trái qua phải, cuối cùng chạy lên trên và kéo thẳng xuống, tạo thành nét sổ. Tất cả diễn ra theo nhịp trống. Xong xuôi, cả đội ngồi xuống, hạ cờ, làm nổi rõ chữ “Thái Bình”. Mọi người trong đội đồng thanh hát to:
Thái Bình đã kéo xong hai chữ
Chúc toàn dân muôn thuở bình an.
Vì nhiều lý do, đến nay trò kéo chữ không còn duy trì và đang có kế hoạch phục dựng. Trong lễ hội, ngư dân Nghi Sơn cũng tổ chức bơi thuyền ôn lại truyền thống đánh giặc giữ nước, làm đẹp lòng các vị thần biển, vừa để đua tài, rèn sức, gắn bó với nghề chài lưới.
Thuyền đua là những chiếc thuyền đánh cá nhưng phải gỡ hết ván sạp, lắp khung ván, tạo chỗ đứng chèo và trang trí đẹp. Chèo bố trí hợp lý hai bên mạn, tương ứng với số trai đua. Hai chèo phía lái do hai trung niên khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm giữ cho thuyền đi đúng hướng. Người đứng đầu thuyền đua chít khăn đỏ, thắt lưng màu vàng, tay cầm trống hoặc mõ để giữ nhịp chèo. Trên thuyền có chiếc trống con do một cụ già đứng ở đầu mũi thuyền đua đánh giữ nhịp cho nhịp chèo. Các thuyền đua ăn mặc khác nhau để phân biệt thuyền của mỗi giáp. Hội bơi xưa diễn ra trong hai ngày. Trước ngày bơi chính là ngày bơi thử sức, không phân định ngôi thứ, nhưng các thuyền bơi đều phải trải qua 9 lượt vòng quanh vụng Ngọc. Ngày hôm sau ngày hội bơi chính, thi tài và đua giật giải. Trên bến, dưới thuyền, mọi người từ khắp nơi đổ về xem hội bơi. Chờ cho thủy triều dâng cao, chiêng trống, tù và nhất loạt nổi lên, báo thời khắc bắt đầu hội bơi. Cờ lệnh phất lên, đồng loạt các mái chèo quạt nước, cưỡi sóng xô, nước cuốn, tiến lên phía trước. Cùng lúc, cờ hội, khăn, nón vẫy liên hồi hòa với tiếng trống con, tiếng nhịp phách trên các thuyền đua thúc giục, tiếng tù và, trống cái, thanh la,... từ các đền, nghè, tiếng hò reo từ trên bờ, dưới bến tạo nên những tràng âm thanh vang trời, dậy đất, át cả tiếng sóng xô, thúc giục các trai thuyền vục mạnh mái chèo, vượt lên về đích.
Thuyền nào về đích trước thì được thưởng. Phần thưởng là một vài chĩnh rượu, mấy vuông vải đỏ, một ít tiền nhưng ngư dân tin rằng, nếu thuyền đua giật giải, năm ấy sẽ làm ăn thuận lợi, đánh bắt được nhiều cá tôm, ra khơi vào lộng gặp nhiều may mắn. Những mảnh lụa đỏ được chia cho các thành viên của đội bơi và đeo vào cổ trẻ nhỏ để làm khước.
Ngày nay, phần hội chủ yếu diễn ra các trò: chơi đu, đấu vật, cờ tướng, đua thuyền và các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao vui tươi, sôi động cả một vùng biển biếc trong những ngày xuân năm mới.
Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-04 11:33:00
Tạp chí Mỹ xếp Vịnh Hạ Long là điểm đến đầu tiên cho 12 con giáp năm 2025
-
2025-01-04 11:25:00
Ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược góp phần xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thành trọng điểm du lịch
-
2024-02-24 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Thung lũng êm đềm
Bảo tồn văn hóa truyền thống ở Trường THCS Dân tộc nội trú Như Xuân
Bộ mặt khác của lễ hội
Ngày thơ Việt Nam tại Thanh Hóa lần thứ XXII: “Bản hòa âm đất nước”
Núi Bà Đen, Tây Ninh: Hàng trăm ngàn hoa đăng được thắp sáng tại đại lễ dâng đăng Rằm Tháng Giêng
Nhiều hoạt động văn hoá, thể thao đặc sắc tại lễ hội làng Đông Môn
Để hành trình “lên rừng, xuống biển” đầu năm thêm ý nghĩa
[E-Magazine] – Phấp phới mưa xuân
Tết Nguyên tiêu Đền thờ Trần Nhật Duật xuân Giáp Thìn 2024
Du xuân qua miền di sản