(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, tại xã đảo Nghi Sơn, dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn chỉ còn được lưu lại qua sự tồn tại của một số đoạn tường thành nhỏ: Thành Đồn, thành Hươu và thành Nguyệt. Thành Đồn nằm ở phía Đông Bắc của đảo, cổng thành xây bằng gạch, cửa ra vào xây kiểu tò vò, trên mặt thành đắp thêm một tường thành cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn trên xã đảo Nghi Sơn

Hiện nay, tại xã đảo Nghi Sơn, dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn chỉ còn được lưu lại qua sự tồn tại của một số đoạn tường thành nhỏ: Thành Đồn, thành Hươu và thành Nguyệt. Thành Đồn nằm ở phía Đông Bắc của đảo, cổng thành xây bằng gạch, cửa ra vào xây kiểu tò vò, trên mặt thành đắp thêm một tường thành cao.

Dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn trên xã đảo Nghi Sơn

Một trong những đoản thành còn lưu giữ được đến ngày nay của phòng tuyến thủy quân Tây Sơn trên xã đảo Nghi Sơn.

Xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia), trước đây có tên là Biện Sơn, không chỉ được biết đến với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, với vai trò, vị trí quan trọng, xã đảo Nghi Sơn là nơi tồn tại nhiều di tích gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc như: Đền thờ vua Quang Trung, Quan sát hải đại thần, lãnh binh Tôn Thất Cơ, mộ vua bà Trần Quý Phi, Tứ vị thánh nương cùng với huyền tích về Mỵ Châu – Trọng Thủy nơi giếng ngọc, hệ thống những chiếc giếng cổ mang kiến trúc, phong cách Chăm Pa... Trong đó, nổi tiếng hơn cả là những dấu tích còn sót lại cho đến ngày hôm nay của phòng tuyến thủy quân Tây Sơn.

Phòng tuyến thủy quân Tây Sơn trên xã đảo Nghi Sơn là một phần của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn gắn liền với tên tuổi và công trạng của nghĩa quân Tây Sơn mà người đứng đầu là vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tuy không được sử cũ ghi chép tỉ mỉ, rõ ràng nhưng hầu hết các tài liệu còn lưu lại đều có chung nhận định: Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc năm 1788 – 1789, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn giữ vai trò chiến lược quan trọng trong giai đoạn rút lui chiến lược cũng như giai đoạn phản công chiến lược. Đó là giới hạn rút lui cuối cùng của quân Tây Sơn ở Bắc Hà và cũng là địa điểm tập kết của đại quân Tây Sơn do vua Quang Trung thống lĩnh từ Phú Xuân kéo ra. Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn được xem như bàn đạp của cuộc phản công chiến lược, là căn cứ xuất phát của các đạo thủy bộ hùng binh Tây Sơn tiến ra đại phá quân Thanh.

Năm 1788, gần 30 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh chia làm 4 đạo tiến vào nước ta với lý do diệt Tây Sơn dựng lại nhà Hậu Lê. Đạo chủ lực do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy tiến vào theo đường Lạng Sơn. Đạo thứ hai do Sầm Nghi Đống chỉ huy tiến theo đường Cao Bằng. Đạo thứ ba do Ô Đại Kinh chỉ huy tiến vào theo đường Quảng Ninh. Hướng chung của các đạo quân này là tiến xuống hợp quân đánh chiếm Thăng Long. Quân Tây Sơn ở Bắc Hà bấy giờ chỉ có độ vài vạn quân do Ngô Văn Sở chỉ huy. Sau một vài trận giao chiến ở biên giới, nhận thấy tương quan lực lượng quá chênh lệch mà tình hình Bắc Hà cũng không được ổn định do có thế lực vẫn ngầm chống lại quân Tây Sơn, ngóng chờ Lê Chiêu Thống dẫn quân Thanh về, Ngô Thì Nhậm hiến kế chủ động rút lui chờ thời cơ thuận lợi và tổ chức lực lượng chống giặc: “Ta bảo toàn lấy quân lực mà rút lui. Cho chúng ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi chúng đi”. Ngô Văn Sở theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm cho nghĩa quân Tây Sơn tập trung về Thăng Long rồi rút lui theo kế hoạch. Bộ binh chốt giữ vùng núi Tam Điệp (Ninh Bình), thủy binh về đóng giữ vùng Biện Sơn (Thanh Hóa), liên hệ với nhau, lợi dụng địa hình lập thành một phòng tuyến chặn đường tiến quân của địch vào Thanh Hóa, Nghệ An và sau đó kịp thời cấp báo với Nguyễn Huệ. Vùng Tam Điệp – Biện Sơn được chọn làm địa điểm xây dựng phòng tuyến là một nơi có vị trí khá hiểm trở, núi non hùng vĩ như bức tường thành án ngữ giữa hai miền. Đồi núi thung lũng liên hoàn tạo thành khối vững chắc án ngữ hai đàng tạo thành một phòng tuyến giúp vua Quang Trung - Nguyễn Huệ công thủ linh hoạt, tiến thoái cất lương, giấu quân đều toàn vẹn.

Lịch sử Đảng bộ xã Nghi Sơn có đoạn viết: Sau khi lên ngôi và lấy niên hiệu là Quang Trung hoàng đế, Nguyễn Huệ tự mình thống lĩnh thủy bộ đại binh ra Bắc nhằm quét sạch quân Thanh. Đại quân của vua Quang Trung vượt gần 400km đến Nghệ An. Tại đây, vua dừng quân 10 ngày, tuyển binh, phiên chế, duyệt binh biểu dương lực lượng. Lúc này, quân Tây Sơn đã lên đến 10 vạn binh, tiếp tục hành quân ra Bắc. Ngày 25 tháng chạp năm 1789, đoàn quân tiến ra đến Tam Điệp, Quang Trung hoàng đế mở tiệc “cho quân sĩ ăn tết trước, đợi đến sang xuân, ngày 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn”. Cũng tại đây, Quang Trung hoàng đế tiếp tục chia quân bộ làm ba mũi do Đô đốc Long, Đô đốc Bảo và hoàng đế mỗi người chỉ huy một mũi. Cánh quân thủy đóng ở Biện Sơn chia làm hai mũi cùng hữu quân do Đô đốc Lộc và Đô đốc Tuyết chỉ huy vượt biển vào sông Lục Đầu (tỉnh Hải Dương).

Hiện nay, tại xã đảo Nghi Sơn, dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn chỉ còn được lưu lại qua sự tồn tại của một số đoạn tường thành nhỏ: Thành Đồn, thành Hươu và thành Nguyệt. Thành Đồn nằm ở phía Đông Bắc của đảo, cổng thành xây bằng gạch, cửa ra vào xây kiểu tò vò, trên mặt thành đắp thêm một tường thành cao. Trước đây, trong thành có một khẩu súng thần công nhưng sau đó được mang về đặt trong khuôn viên đền thờ vua Quang Trung (thôn Bắc Sơn, xã Nghi Sơn). Được biết, thành Đồn xưa kia vốn là một tuần ty thời Lê. Thành Hươu nằm ở góc Đông Nam của đảo – pháo đài Tĩnh Hải. Thành Nguyệt nay là Tấn Biện Sơn. Những thành ấy đã có từ đời Lê và được quân Tây Sơn sử dụng trong thời gian đóng quân, xây dựng phòng tuyến chống giặc. Sau đó, nhà Nguyễn sửa chữa lại nên hiện trạng những dấu tích còn sót lại cho đến thời điểm hiện tại của phòng tuyến thủy quân Tây Sơn trên xã đảo Nghi Sơn này đều đã qua sự tu tạo của nhà Nguyễn.

Trải qua sự biến thiên của thời gian và những diễn biến trong từng giai đoạn lịch sử, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn tại xã đảo Nghi Sơn đã không còn giữ được nguyên hiện trạng ban đầu. Nếu chỉ bằng cái nhìn thoáng qua, phần lớn du khách tới thăm xã đảo rất dễ nhầm lẫn các đoạn thành này là những bờ rào đá đã bị đổ, gãy nham nhở của các hộ dân cư sinh sống xung quanh. Mấy ai nghĩ được rằng đó là những dấu tích, tư liệu lịch sử quý giá còn sót của phòng tuyến thủy quân chặt chẽ, chiến lược và cũng là minh chứng sinh động cho cuộc hành quân thần tốc vang danh trong lịch sử Việt Nam. Trước thực trạng này, bà Dương Thị Hằng – Trưởng Phòng Văn hóa, thông tin huyện Tĩnh Gia chia sẻ: “Dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn hàm chứa những giá trị to lớn về mặt văn hóa – lịch sử. Tuy nhiên, do sự hạn chế về nguồn kinh phí mà các di tích hiện có trên xã đảo Nghi Sơn, trong đó có di tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn chưa được quan tâm đúng mức”. Bà Hằng cho biết thêm: “Cùng với du lịch biển, xác định rõ vai trò, lợi thế, tiềm năng của các di tích văn hóa – lịch sử trên địa phận xã Nghi Sơn, chúng tôi đã và đang tích cực đẩy mạnh hoạt động của tuyến du lịch trọng điểm Hải Hòa – Am Các – Nghi Sơn”. Hy vọng rằng, từ những nỗ lực phát triển du lịch tại xã đảo Nghi Sơn nói riêng và toàn huyện Tĩnh Gia nói chung, dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn sẽ được đầu tư xứng tầm hơn nhằm phát huy tối đa tiềm năng di tích.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]