Tuân thủ “khế ước trên ngôi nhà mạng”
Cách đây hơn 3 năm, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành với hy vọng góp phần vào việc điều chỉnh hành vi của những tập thể, cá nhân dùng mạng xã hội.
Bộ quy tắc khuyến cáo người dùng đề cao các nguyên tắc tôn trọng, lành mạnh, an toàn, trách nhiệm... Dù không quy định các chế tài xử phạt vi phạm mà chỉ mang tính khuyến nghị, khuyến cáo, nhưng Bộ quy tắc được hy vọng sẽ thức tỉnh trách nhiệm, điều chỉnh hành vi, thay đổi ứng xử của người dùng. Đặc biệt là chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật hay xúc phạm tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm hay đưa các tin giả, tin sai sự thật.
Nhưng cũng khi ấy nhiều người đã bi quan cho rằng, một văn bản không có chế tài “thưởng, phạt” thì sẽ sớm rơi vào sự lãng quên trong xã hội, và khó nhận được tôn trọng, tuân thủ của người dùng vốn dĩ là một cộng đồng phức tạp, có nhiều tầng lớp, nhận thức khác nhau, mục đích cũng khác nhau.
Câu chuyện một số người dùng mạng xã hội vừa cố tình photoshop hình ảnh và lan truyền quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận cháo lươn Nghệ An là di sản phi vật thể quốc gia cũng như tạo ra hình ảnh giả mạo có nhiều lá cờ Tổ quốc được sơn trên những nóc nhà tại thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định (Thanh Hóa) mới đây, cho thấy người dùng rất tùy tiện, cố ý làm sai lệch sự việc, gây tranh cãi, hiểu nhầm. Trước đó, rất nhiều tin giả được tán phát trên mạng xã hội bởi những người cố tình, nhưng đáng trách là đã có nhiều người dùng mạng xã hội vội vã chia sẻ, làm lây lan tin giả, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực, thì tác dụng không mong muốn do mạng xã hội mang lại là vô vàn như những gì mà chúng ta đã thấy. Và không khó nhận ra xuất phát của điều đó là sự yếu kém trong khả năng tự kiềm chế, tự ý thức của mỗi thành viên tham gia. Vì những tiếng vỗ tay của những người ẩn danh trên mạng xã hội, đã khiến cho nhiều người trở nên bốc đồng đến mức có thể nghĩ ra những sản phẩm không có thật.
Gần như ở xã hội nào, lĩnh vực nào, bên cạnh chế định pháp luật, không thể thiếu được những quy tắc ứng xử. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ra đời nhằm hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tạo thói quen tích cực trong hành vi ứng xử của người dùng, góp phần xây dựng mạng xã hội an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã gọi bộ quy tắc này là “khế ước trên ngôi nhà mạng”, thậm chí mong mỏi trở thành một thứ pháp luật nội tâm. Điều đó không sai, nhưng chỉ trở thành hiện thực khi mà người tham gia biết đề cao văn hóa, tôn trọng pháp luật. Còn bằng không, một bộ quy tắc mà chúng ta đã dày công xây dựng, đem theo rất nhiều hy vọng, rồi sẽ chìm vào quên lãng.
Hạnh Nhiên
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-08-17 13:51:00
“Em nuôi của Đoàn” - chắp cánh những ước mơ
Quyết liệt đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2027
Như Xuân: Trao học bổng, tặng quà hỗ trợ học tập cho 28 học sinh là trẻ mồ côi
Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Đảm bảo an toàn cây xanh đô thị
Cần sự đồng thuận để từng bước chỉnh trang đô thị
20 năm “mắc kẹt” vì quy hoạch khu công nghiệp
Động lực từ những lá thư
Phụ nữ giúp nhau mua bảo hiểm y tế