Từ vùng khó khăn đến xã nông thôn mới
Từ một xã miền núi với nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, xã Ban Công (Bá Thước) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành điểm sáng trong XDNTM vùng cao.
Đường giao thông ở thôn Chiềng Lau, xã Ban Công được bê tông hóa, trồng cây tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Câu chuyện về những con đường
Ngày đầu năm trên xã vùng cao Ban Công, nắng rải nhẹ trên những con đường bê tông uốn lượn quanh triền đồi. Dừng chân ở thôn Chiềng Lau, chúng tôi bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những người phụ nữ gùi củi, cỏ từ rừng về. Nhưng khác với trước kia, họ không còn phải lội bùn, trượt ngã trên đường đất lầy lội. Thay vào đó là những bước chân nhẹ nhàng trên con đường bê tông phẳng lỳ.
Ông Hà Văn Tầng, 80 tuổi với nụ cười phúc hậu, vừa đặt gùi cỏ xuống vừa tâm sự: "Con đường này là niềm vui lớn nhất của bà con trong thôn. Bởi, trước kia người dân muốn bán cây luồng phải vận chuyển đi xa cả chục cây số mới có người mua. Giờ thì khác rồi, thương lái vào tận thôn thu mua, giá cả còn cao hơn vì không phải tốn công vận chuyển".
Sự thay đổi không chỉ ở đường sá mà còn ở nhận thức cộng đồng. Ông Lò Văn Thiếu (66 tuổi) kể về những chuyển biến "Từ khi thực hiện xây dựng thôn NTM, đời sống người dân thay đổi nhiều lắm, đặc biệt là nhận thức của người dân về việc chung tay xây dựng cộng đồng thôn. Đơn cử như khi thôn phát động các phong trào XDNTM, nhà có đất thì hiến đất, nhà không có đất thì đóng góp ngày công, san lấp mặt đường... Có đường đẹp, cuối tuần nhà nhà tự giác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, từ đó tình làng, nghĩa xóm cũng được gắn kết hơn".
Chia tay người dân thôn Chiềng Lau, tôi được Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Văn Châu chở đi tham quan một vòng trong xã. Vừa đi, vừa nghe Chủ tịch Hội Nông dân xã kể những câu chuyện về việc phân công cán bộ phụ trách đến tận nhà “cầm tay, chỉ việc”, từ dọn dẹp nhà cửa, cải tạo vườn tạp, quy hoạch cây trồng, chăn nuôi... Và, khi nhận thức thay đổi, bà con đã tự nguyện hưởng ứng các phong trào của thôn, xã phát động. “Mặc dù cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Song, họ đã ý thức được rằng việc xây dựng các công trình công cộng sẽ giúp nâng cao chất lượng sống của chính họ, nên người dân đã đồng thuận, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quyết tâm đưa xã về đích NTM”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Văn Châu nói.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Ban Công là xã miền núi cao của huyện Bá Thước với xuất phát điểm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM tương đối thấp, khối lượng công việc phải thực hiện nhiều, nhu cầu về nguồn lực rất lớn, trong khi ngân sách địa phương và khả năng huy động đóng góp của Nhân dân còn nhiều hạn chế.
Để vượt qua khó khăn, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã nhận thức rõ việc thay đổi tư duy và huy động sức dân là then chốt. Họ đã áp dụng phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” và triển khai các phong trào mang tính thực tiễn cao. Ủy ban MTTQ với phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”; Hội LHPN triển khai “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, hàng rào xanh”; Hội Nông dân phát động “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Chỉnh trang khuôn viên nhà ở, vườn hộ”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh với vệ sinh môi trường”, “Xây dựng đường điện chiếu sáng”; đoàn thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ chung tay XDNTM” và “Ngày chủ nhật sạch”... Tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phát huy vai trò, trách nhiệm trong từng phần việc, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Điểm then chốt trong chiến lược phát triển của Ban Công chính là việc chuyển đổi tư duy kinh tế. Thay vì trông chờ vào nguồn lực từ trên, xã đã định hướng người dân phát triển các sản phẩm thế mạnh, phù hợp với điều kiện địa phương. Các mô hình kinh tế mới ra đời như nuôi vịt Cổ Lũng, gà ri thả vườn, nuôi cá dốc và trồng quýt hoi bản địa đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 28,3 triệu đồng năm 2023 lên 50,87 triệu đồng năm 2024. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,54%. Đặc biệt, cả 7/7 thôn đều đạt chuẩn NTM, trong đó có một thôn được công nhận NTM kiểu mẫu.
Với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp tới 90 tỷ đồng (chiếm 28,65%), Ban Công đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ: đường giao thông được bê tông hóa, trường học khang trang, trạm y tế hiện đại, nhà văn hóa thôn được nâng cấp.
Phó Chủ tịch UBND xã Hà Văn Phúc chia sẻ: Ngoài tuyên truyền thay đổi nhận thức, việc phát huy tinh thần đoàn kết trong cán bộ, đảng viên là vô cùng quan trọng. Có đoàn kết thì cán bộ, đảng viên mới tâm huyết, trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác chỉ đạo.
“Đến Ban Công hôm nay, không chỉ thấy những con đường bê tông, những ngôi nhà kiên cố mọc san sát thay thế cho những căn nhà tạm bợ, đơn sơ trước kia. Điều đọng lại sâu sắc nhất là niềm tin, là khát vọng vươn lên của người dân nơi đây. Con số 19/19 tiêu chí NTM đạt chuẩn không chỉ là thành tích đáng tự hào mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai” - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Văn Phúc nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2025-02-07 10:13:00
Xã khó nhất huyện Như Xuân quyết tâm xây dựng nông thôn mới
-
2025-02-06 09:46:00
Cán bộ, hội viên người cao tuổi chung sức xây dựng nông thôn mới
-
2025-02-05 11:37:00
Từ vùng quê thuần nông đến nông thôn mới kiểu mẫu
Những vùng quê ai cũng muốn trở về: Phổ cập đạt chuẩn, nhân rộng điển hình
Những vùng quê ai cũng muốn trở về: Tăng tốc chặng nước rút
Những vùng quê ai cũng muốn trở về: Biến mô hình sản xuất thành những tiểu sinh thái bền vững
Cẩm Thủy phấn đấu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2025
“Xanh hóa” vùng quê nông thôn mới
Lương Ngoại xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Huyện Thọ Xuân - hành trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ (Bài cuối): Quyết tâm giữ “chuẩn” sau đạt chuẩn