“Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” (Bài 2): Xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến kinh doanh trực tuyến qua các nền tảng điện tử trở thành tất yếu. Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử (TMĐT) liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, từ 16 - 30%/năm và dự kiến đạt quy mô 39 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hoạt động TMĐT cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập khiến người tiêu dùng còn e ngại. Việc thiết lập một môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch, có niềm tin, đang là yêu cầu trở nên cấp thiết hiện nay.
Khách hàng thanh toán qua ứng dụng số tại Siêu thị Go! Thanh Hóa.
Do tính chất công việc bận rộn, lại thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại nên nhiều năm nay, chị Trần Thị P, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) thường xuyên mua hàng hóa trên mạng. Từ các mặt hàng có tiền triệu như máy ghi âm, máy hút bụi tới quần áo, mỹ phẩm, sách, đồ chơi cho con đều được chị ưu tiên sử dụng hình thức mua sắm này. Tuy nhiên, chị P cho biết, không ít lần đã lâm vào tình huống “dở khóc, dở cười” khi chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm không được như ý, thậm chí nghi là hàng giả. Mới đây, chị P thấy một người quen ở Hà Nội “quảng cáo” trên facebook cá nhân cho một sản phẩm mỹ phẩm khá nổi tiếng của Nhật Bản. Theo lời người quảng cáo thì có một shop chuyên mỹ phẩm uy tín ở Hà Nội đã kịp “ôm” hàng sale với giá ưu đãi về Việt Nam để tri ân khách hàng. Tin tưởng là người có uy tín giới thiệu, chị P đã đặt mua 2 lọ mỹ phẩm với giá đã giảm tới 80%, chỉ còn 250.000 đồng/lọ và không kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. Khi có thời gian kiểm tra, chị P thấy sản phẩm không có tem niêm yết, cũng không check kiểm tra được mã QR. Nghi ngờ hàng giả, chị P không dám sử dụng sản phẩm và mất oan 500.000 đồng.
Thực tế, việc người tiêu dùng mua phải hàng hóa không được ưng ý, hàng hóa khác xa quảng cáo khi thực hiện giao dịch qua TMĐT là việc gần như diễn ra thường xuyên, đặc biệt là các giao dịch mua bán hàng hóa qua facebook cá nhân, tiktok... Nguyên nhân là không ít người bán hàng đã lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong năm 2023, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý 5.578 vụ vi phạm, với số tiền thu xử phạt hành chính hơn 58,3 tỷ đồng. Nhiều vụ việc lớn, tinh vi trong lĩnh vực TMĐT đã được phát hiện và xử lý nghiêm, điển hình như sau hơn 2 tháng trinh sát, nắm bắt vụ việc, các dấu hiện vi phạm trên các livestream mà cơ sở đăng tải, cuối tháng 4/2023, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với PC03, Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra 5 kho hàng tại đường Tô Vĩnh Diện (thị xã Bỉm Sơn) thuộc sở hữu của bà Trương Thị Liên. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 5 kho hàng với hơn 12.000 sản phẩm là các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, giày dép, mỹ phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như LV, Chanel, Zara, Gucci, Moschino... Cùng với đó là hàng trăm đơn hàng đã đóng gói chờ vận chuyển đi khắp cả nước thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Theo kiểm tra, ghi nhận của lực lượng chức năng thông qua biện pháp nghiệp vụ thì cơ sở này chốt thành công hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày, với doanh số hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, bắt giữ hàng hóa giả mạo thương hiệu tại thị xã Bỉm Sơn.
Theo Sở Công Thương, thời gian gần đây, TMĐT đã có những bước phát triển mới, gắn liền với việc hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 50% doanh nghiệp có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% doanh nghiệp tham gia website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 10% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh. Cùng với đó, việc bán hàng thông qua mạng xã hội cá nhân cũng “bùng nổ” mạnh mẽ.
Giao dịch TMĐT phát triển nhanh chóng, kéo theo nhiều nội dung bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong TMĐT cần phải được thể chế hóa. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT khiến các cơ quan chuyên ngành, cơ quan thanh tra, kiểm tra chưa có cơ sở xử lý triệt để và còn lúng túng trong quá trình thực thi quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Còn theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, TMĐT đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, sự phát triển của TMĐT đã làm thay đổi cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh cũng như tạo ra nhiều xu hướng kinh doanh và thói quen tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới, các giao dịch trên nền tảng kinh tế số. Quan hệ kinh doanh - tiêu dùng mới cần được bổ sung những quy định pháp luật điều chỉnh và tăng chế tài xử lý vi phạm quyền lợi người tiêu dùng để răn đe và hình thành quan hệ sản xuất- kinh doanh - tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
Cũng theo đơn vị này, để phát triển thị trường TMĐT phát triển song hành với yếu tố niềm tin, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT, việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh cũng như hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường mạng là hết sức bức thiết.
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, tình hình tiếp nhận yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong những năm gần đây cho thấy, các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT đang gia tăng liên tục. Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên bao gồm: Hàng nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại... |
Hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đang xây dựng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT. Dự thảo Bộ tiêu chí tập hợp nhiều quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT, giao dịch đặc thù cũng như các quy tắc ứng xử, chính sách, tập quán thương mại tích cực được đúc kết từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của bản thân, cùng với sự hoàn thiện của thể chế pháp luật, người tiêu dùng nên tham gia mua sắm qua các ứng dụng TMĐT tại các website uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Bài và ảnh: Minh Hằng
{name} - {time}
-
2024-12-11 20:12:00
Chú trọng khai thác thị trường xuất khẩu
-
2024-12-11 16:34:00
Từ chăn kiến đến doanh thu trăm triệu
-
2024-03-14 10:00:00
Tăng cường quản lý trong sử dụng tài chính và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước
Tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện chính sách thuế
Bản tin tài chính 14/3/2024: Giá vàng thế giới tăng trở lại sau 1 phiên giảm
Bộ Tài chính: Chưa doanh nghiệp nào được cấp phép đặt cược đua ngựa, đua chó
“Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” (Bài 1): Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội
Tập đoàn Medipha khởi động dự án thương mại điện tử Mpcare
Góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng
Công ty Điện lực Thanh Hóa triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2024
Bản tin tài chính 13/3/2024: Giá vàng thế giới ổn định, chờ đợi cú hích mới
Ngành gỗ khắc phục khó khăn, cơ cấu lại sản xuất