Quản lý môi trường đô thị - vấn đề cần quan tâm
Những năm gần đây, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển, trong đó có “đô thị thông minh”, “đô thị công nghiệp”. Sự hình thành, phát triển của các đô thị đã góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, các đô thị cũng tạo nên những áp lực không nhỏ đối với môi trường nếu không được quản lý đồng bộ và chặt chẽ.
Nhân viên Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thu gom rác thải bảo vệ cảnh quan, môi trường các tuyến đường trên địa bàn phường Hạc Thành.
Đánh giá từ ngành chức năng cho thấy, môi trường ở một số địa phương như phường Hạc Thành, phường Sầm Sơn, phường Nghi Sơn, phường Bỉm Sơn... đang bị tác động bởi quá trình đô thị hóa, trong đó có tình trạng ô nhiễm bụi, ô nhiễm nguồn nước mặt. Theo kết quả quan trắc của ngành chức năng tại một số điểm trong năm 2024 cho thấy, giá trị các thông số DO, COD, BOD5, tổng nitơ (Total Nitrogen - TN) và tổng photpho (Total Phosphorus - TP) tương ứng mức D - mức nước rất xấu theo phân loại chất lượng nước của QCVN 08:2023/BTNMT. Trong đó, đáng chú ý có điểm quan trắc tại cầu trên kênh Bến Thủy (giao Đại lộ Hùng Vương), cầu Bố, cầu Đen thuộc phường Hạc Thành. Ngoài ra, nguồn nước tại hồ Thành, hồ Đồng Chiệc ở phường này cũng có dấu hiệu ô nhiễm do ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, thương mại, dịch vụ.
Quan trắc cũng cho thấy, môi trường ở các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng đang chịu sức ép bởi hoạt động dân sinh như phát sinh chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, nước sinh hoạt. Theo rà soát, thống kê, tại đô thị lớn tỷ lệ thu gom CTR đạt khá cao khoảng 95%. Tuy nhiên, ở các đô thị còn lại tỷ lệ thu gom CTR chỉ ở mức trung bình. Bên cạnh đó, tỷ lệ CTR được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp. Công nghệ xử lý CTR đô thị hiện nay vẫn tập trung chủ yếu là chôn lấp và đốt. Phần lớn các bãi rác tiếp nhận CTR đô thị đều chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, thường trong tình trạng quá tải gây ô nhiễm tới môi trường đất, nước, không khí khu vực lân cận, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống cộng đồng dân cư xung quanh như bãi rác thải ở phường Sầm Sơn, bãi rác thải ở phường Bỉm Sơn...
Trước thực trạng trên, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đô thị đã và đang được tỉnh, ngành chức năng tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực như: Chú trọng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hoạt động quan trắc diễn biến các thành phần môi trường tỉnh Thanh Hóa được thực hiện thường xuyên góp phần đánh giá kịp thời chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung, môi trường đô thị nói riêng. Đến nay, tỉnh đã đầu tư 3 trạm quan trắc tự động gồm: Trạm quan trắc môi trường không khí tại phường Bỉm Sơm và tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; Trạm quan trắc môi trường nước biển tại phường Tĩnh Gia. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 25 đơn vị, doanh nghiệp lắp đặt hơn 100 trạm quan trắc tự động, liên tục (trong đó có 26 trạm quan trắc nước thải; 85 trạm quan trắc khí thải).
Cùng với đó, để nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường đô thị, công tác tập huấn tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cũng được tỉnh và ngành chức năng quan tâm triển khai. Các hình thức truyền thông ngày càng phong phú, đa dạng thu hút đông đảo cộng đồng tham gia như: hội nghị, hội thảo, hội thi tìm hiểu về môi trường, tập huấn, in ấn tài liệu, pa nô, áp phích, tổ chức các hoạt động thiết thực nhân các sự kiện hàng năm như: Ngày môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày nước thế giới, Chương trình “Giờ trái đất”...
Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm môi trường tại một số đô thị lớn vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhất việc kiểm soát nguồn thải gặp nhiều khó khăn do chủ thể nguồn thải thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như giao thông - vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp... Điều này cũng đồng nghĩa, tỉnh và ngành chức năng cần phải thực hiện nhiều hơn nữa các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Trong đó, cần chú trọng khâu hoàn thiện chính sách, pháp luật, các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có liên quan đến bảo vệ môi trường đô thị. Ưu tiên bố trí nguồn lực lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường đối với các chủ nguồn thải. Đối với mỗi tổ chức, cá nhân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, bởi bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-07-22 11:35:00
Bão đổ bộ đất liền các tỉnh Hưng Yên đến Ninh Bình
-
2025-07-22 08:33:00
Hy Lạp công bố ranh giới của hai công viên biển lớn nhất Địa Trung Hải
-
2025-07-22 07:55:00
Những dấu hiệu cho thấy khu vực xung quanh sắp xảy ra sạt lở đất