Phát triển HTX nông nghiệp hữu cơ
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 13 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, với các sản phẩm chủ yếu là rau an toàn, trồng nấm, sản xuất mật ong, dược liệu và đông trùng hạ thảo.
Diện tích trồng cà gai leo dược liệu theo hướng hữu cơ của người dân xã Điền Lư (Bá Thước).
Nắm bắt được xu hướng và nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người tiêu dùng, HTX Thạch Tiến, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo lại diện tích trồng cây ăn quả trong trang trại, phát triển chăn nuôi theo hướng thuận tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc HTX cho biết: "Từ năm 2017 tôi đã xây dựng trang trại tổng hợp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng với mong muốn tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tôi đã thành lập HTX và áp dụng tiêu chuẩn “5 không” (không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích). HTX đã tự ủ phân hữu cơ để phục vụ cho việc canh tác cây trồng, tìm hiểu cách thức phối trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Điều này không chỉ giảm lượng chất thải của phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây tác động xấu cho môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn".
Được biết, những sản phẩm nông sản thuận tự nhiên theo hướng hữu cơ của HTX Thạch Tiến được cung ứng cho siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh với mức giá bán cao hơn khoảng 15 - 20% so với canh tác truyền thống. Doanh thu hằng năm đạt gần 2 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm.
Được đánh giá là một trong những đơn vị điển hình áp dụng hướng sản xuất hữu cơ vào sản xuất cây dược liệu, HTX Dược liệu Pù Luông (Bá Thước) đã liên kết hướng dẫn người dân sản xuất gần 60ha cà gai leo, xạ đen, ngải cứu... làm nguyên liệu chế biến dược phẩm cho một số doanh nghiệp lớn trên cả nước. Ông Hà Văn Kiểm, người dân thôn Son, xã Lũng Cao tham gia sản xuất cây ngải cứu liên kết với HTX Dược liệu Pù Luông, cho biết: "Tham gia vào dự án phát triển cây dược liệu theo hướng hữu cơ, chúng tôi được tập huấn về cách sản xuất, chăm sóc cây trồng. Trong đó, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Với phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, người dân mất nhiều thời gian để nhổ cỏ, chăm sóc, tuy nhiên sản phẩm dược liệu làm ra được cơ quan chuyên môn chứng nhận an toàn, được HTX liên kết thu mua với giá thành cao hơn, nhờ đó, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống".
Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Dược liệu Pù Luông, cho biết: Sản xuất theo hướng hữu cơ là phương pháp mới, khác với tập quán sản xuất của người dân địa phương. Do đó, HTX phải phối hợp với một số đơn vị tổ chức tập huấn, hỗ trợ phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cho người dân. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên sản phẩm dược liệu đạt chất lượng tốt không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, nhất là ở khu vực miền núi.
Được biết, năm 2023, HTX Dược liệu Pù Luông đã liên kết sản xuất và thu mua khoảng 2.000 tấn dược liệu cho người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Triệu Sơn..., mang lại doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Năm 2024, HTX đã và đang mở rộng diện tích liên kết trồng dược liệu theo hướng hữu cơ thêm 3 xã ở huyện Bá Thước và một số xã ở huyện Hoằng Hóa, Như Thanh...
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 13 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, với các sản phẩm chủ yếu là rau an toàn, trồng nấm, sản xuất mật ong, dược liệu và đông trùng hạ thảo. Ngoài ra còn một số HTX tham gia sản xuất, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp đối với sản xuất lúa hữu cơ. Các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đều tập trung ứng dụng công nghệ sinh học trong việc cung cấp dinh dưỡng, duy trì thiên địch, xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng, góp phần tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, sản xuất hữu cơ đòi hỏi chi phí rất cao, không phải HTX nào cũng đủ tiềm lực kinh tế để phát triển lâu dài. Thêm vào đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được coi là sản phẩm có tiêu chuẩn cao nên giá thành sản xuất cao, từ đó phần nào kén người dùng, đòi hỏi phải có doanh nghiệp bao tiêu thì mới bảo đảm thu nhập cho thành viên...
Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hiện nay, Liên minh HTX đang bám sát Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 16/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3809/QĐ-UBND, ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2030 để hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong chương trình tập huấn, Liên minh HTX cũng lồng ghép những nội dung về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn để nâng cao năng lực sản xuất cho các HTX nông nghiệp, từ đó nhân rộng mô hình HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2024 toàn tỉnh có 2.000ha trồng trọt, 758,5ha thủy sản theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-12-12 16:32:00
Quyết tâm “gỡ vướng” cho các dự án điện năng lượng tái tạo
-
2024-12-12 16:22:00
VinClub hợp tác với hơn 30 thương hiệu hàng đầu trong hệ thống TTTM Vincom, mở rộng đặc quyền cho khách hàng thân thiết
-
2024-05-15 10:23:00
Dấu ấn nửa thập kỷ làm đẹp Sầm Sơn của Sun Group
Bá Thước: Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Giải quyết dứt điểm vấn đề nguồn vật liệu cho công trình giao thông trọng điểm
Thiệu Hóa phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn
Đấu thầu thành công 8.100 lượng vàng miếng SJC phiên 14/5
Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp
Chú trọng lập và quản lý quy hoạch
Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng
Phải phá được “dớp” thứ hạng PCI
Chính phủ đề xuất triển khai tiếp chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43