Phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề
Là mảnh đất có đa dạng các làng nghề, nghề truyền thống, du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng được huyện Thọ Xuân chú trọng thực hiện để thu hút du khách, bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Sản phẩm của cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa gia đình bà Mai Thị Tú.
Cơ sở sản xuất bánh gai Tứ Trụ của gia đình ông Lê Hữu Lâm, xã Thọ Diên (Thọ Xuân) là một trong những điểm thường xuyên đón du khách và học sinh đến tham quan, chụp ảnh. Những chiếc bánh gai cũng trở thành món hàng được mua khá nhiều để làm quà.
Ông Lâm cho biết: Gia đình tôi theo nghề sản xuất bánh gai từ lâu đời. Nếu như trước đây, gia đình chỉ chú trọng phát triển sản xuất và phân phối sản phẩm đi các địa phương, thì hiện nay gia đình đã kết nối với một số tour, tuyến du lịch, và các trường học ở trong và ngoài huyện, để đưa du khách, các em học sinh đến tham quan, trải nghiệm.
Đến đây, du khách sẽ được trực tiếp tham gia vào các công đoạn làm bánh như tìm hiểu nguyên liệu để làm bánh gai, cách làm nhân, gói bánh, hấp bánh. Sau khi bánh chín, du khách có thể thưởng thức bánh, mua bánh về làm quà biếu. Cũng nhờ phát triển thêm du lịch làng nghề nên thương hiệu bánh gai của gia đình cũng được nhiều người biết đến và lượng tiêu thụ bánh cũng khá hơn. Hiện sản phẩm bánh gai của gia đình đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá qua mạng xã hội để du khách biết và tìm đến tham quan, trải nghiệm nhiều hơn.
Đến tham quan cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa của gia đình bà Mai Thị Tú ở thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, du khách được chứng kiến không khí làm việc hăng say của những người lao động. Bà Tú chia sẻ: Sản xuất bánh lá răng bừa là nghề “cha truyền, con nối”. Sản phẩm của gia đình đã được công nhận OCOP 3 sao. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, cùng với việc chú trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch, nên nhiều du khách đã biết đến và về làng nghề để chụp ảnh, tham quan trải nghiệm, mua sản phẩm. Nhờ đó, lượng tiêu thụ sản phẩm của các hộ làm nghề ngày càng tăng hơn. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình sản xuất từ 2.000 đến 3.000 chiếc bánh lá, xuất bán đi nhiều nơi trong cả nước.
Hiện nay xã Xuân Lập có 200 hộ tham gia sản xuất bánh lá răng bừa, tạo việc làm thường xuyên cho 270 lao động và nhiều lao động thời vụ, với mức thu nhập dao động từ 2 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh công tác quảng bá làng nghề qua các trang mạng xã hội, chú trọng xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề gắn với hoạt động văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ở làng nghề để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của du khách.
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có hàng chục làng nghề, nghề truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, nhiều sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống đã được công nhận đạt chuẩn OCOP như bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên), bánh lá răng bừa (xã Xuân Lập), nón lá Thọ Lộc (xã Thọ Lộc)... Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đó, huyện đã chú trọng phát triển thêm sản phẩm du lịch nông nghiệp - làng nghề, với các hoạt động trải nghiệm, mua sắm sản phẩm làng nghề, thu hút được đông đảo du khách đến tham quan. Để các làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch ngày càng phát triển, huyện đã quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương của các làng nghề, tích cực tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng, phát triển thị trường đối với các sản phẩm của làng nghề, nghề truyền thống. Đồng thời, huyện cũng đã xây dựng Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó có cơ chế hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng/năm để phát triển nghề truyền thống và 2 tỷ đồng cho 1 làng nghề nếu được công nhận.
Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm của làng nghề, nghề truyền thống trong hoạt động du lịch của huyện vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các làng nghề, nghề truyền thống còn thiếu nguồn nhân lực đã qua đào tạo về du lịch, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch...
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-12 14:40:00
Đảm bảo an toàn tại các di tích trong mùa lễ hội đầu xuân
-
2025-01-11 16:02:00
Phát huy giá trị di tích đền thờ Trần Hưng Đạo
-
2024-12-13 09:21:00
Phú Quốc trước cơ hội trở thành “giấc mơ mới” của tín đồ du lịch nghỉ dưỡng toàn cầu
Sầm Sơn phải phấn đấu mỗi năm có ít nhất một sản phẩm du lịch mới được công bố và đưa vào khai thác
Top 4 khu vui chơi nước ngoài ấn tượng không thể bỏ lỡ
Tour 550 khách của DANAGO “chinh phục” CEO Detech Motor
Cam kết du lịch có trách nhiệm
Trải nghiệm trekking tour khám phá bản Kho Mường
Công bố 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa
Bảo vệ môi trường góp phần thúc đẩy du lịch phát triển
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh
Đổi mới, đa dạng tour du lịch tết