(Baothanhhoa.vn) - Mặc cho nắng nóng oi bức ngày hè hay cái rét căm căm của trời đông lạnh giá, những bước chân của những nữ bưu tá ở vùng cao huyện Mường Lát vẫn rảo khắp các bản để hành trình của những cánh thư, tờ báo, bưu phẩm... được nhanh chóng đến tay người nhận.

Nữ bưu tá vùng cao tận tụy với nghề

Mặc cho nắng nóng oi bức ngày hè hay cái rét căm căm của trời đông lạnh giá, những bước chân của những nữ bưu tá ở vùng cao huyện Mường Lát vẫn rảo khắp các bản để hành trình của những cánh thư, tờ báo, bưu phẩm... được nhanh chóng đến tay người nhận.

Nữ bưu tá vùng cao tận tụy với nghềNữ bưu tá Bưu điện văn hóa xã Mường Chanh Lộc Thị Xin chuyển phát Báo Thanh Hóa cho Bí thư Chi bộ bản Chai.

Từ trung tâm thị trấn Mường Lát, chúng tôi xuôi xuống Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) Pù Nhi gặp nữ bưu tá Hà Thị Liên, người dân tộc Thái khi chị đang sắp xếp báo, tạp chí, công văn, bưu phẩm... chuẩn bị cho chuyến chuyển phát của mình. Chị Liên kể cho chúng tôi về công việc của mình: Năm 1997 chị được nhận vào làm việc tại Bưu điện huyện Mường Lát, đến năm 2006 chị được điều động làm bưu tá xã Pù Nhi. 17 năm trôi qua, công việc hằng ngày của chị là nhận bưu phẩm, báo chí, thư từ rồi phân loại, đi đến từng bản để phát tận tay cho đồng bào. Trước đây, đặc thù địa hình miền núi nên con đường dẫn vào một số bản rất khó đi, có những con dốc thẳng đứng nên công việc của bưu tá rất khó khăn, vất vả, chủ yếu là đi bộ; trời nắng đi lại còn dễ chứ ngày mưa đường đất trơn trượt, nhiều khi phải lội suối để kịp đưa thư, báo đến tay bà con. Giờ đây, đường vào các bản đã được bê tông hóa, đổ nhựa, đi được xe máy nên đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Chỉ tay lên ngọn núi cao trước mặt, chị nói đấy là bản Pù Quăn - bản xa và đi lại khó khăn nhất của xã Pù Nhi, chỉ có lối mòn, ngày trước bưu tá phải đi bộ, trèo đèo, lội suối cả đi và về mất một ngày với quãng đường gần 10 km. Nay giao thông cơ bản đã thuận lợi, bà con sử dụng Internet, điện thoại thông minh nhiều nên nhiều bạn trẻ có xu hướng đặt hàng qua mạng và bán những sản phẩm của gia đình mình làm ra nên công việc của chúng tôi cũng bận rộn hơn. Ngoài ra, cùng với việc phục vụ nhu cầu của Nhân dân về tem thư, bưu phẩm, chuyển phát EMS, bán thẻ viễn thông, chúng tôi còn triển khai nhiều dịch vụ khác của bưu điện như bảo hiểm xe máy, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu cước viễn thông, tiền điện, chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội...

Rời Pù Nhi, chúng tôi ngược lên xã Mường Chanh. Với địa hình đồi núi quanh co, nhiều dốc, thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi theo chân nữ bưu tá Lộc Thị Xin vào bản Chai. Vừa đi chị Xin vừa cho biết, chị có thâm niên 15 năm làm bưu tá ở BĐVHX Mường Chanh nên từng thôn, bản chị thuộc như lòng bàn tay. Xã có 9 bản, dân cư thưa thớt, các bản lại cách xa nhau nên việc di chuyển từ bản này đến bản khác rất vất vả. Nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 8 giờ sáng hằng ngày là giao thông viên “đường thư cấp 3” bàn giao báo chí, công văn, bưu phẩm cho chúng tôi; sau đó khoảng 9 giờ là tôi đi chuyển phát cho các đơn vị trong xã và đi xuống các bản; nhiều hôm đi về trời đã quá trưa. Thường thì nghề này không theo giờ hành chính, cứ khi nào chuyển hết số thư, báo, bưu phẩm thì mới kết thúc về BĐVHX tiếp tục làm công việc khác.

“Nghề bưu tá gặp những ngày mưa gió thì ngoài việc đi lại khó khăn còn phải tìm cách bảo quản sản phẩm cẩn thận để khi đến tay người nhận sản phẩm còn nguyên vẹn. Nếu không thực sự yêu nghề thì người bưu tá khó lòng trụ được”, chị Xin kết thúc câu chuyện với chúng tôi khi đã vào đến bản Chai.

Cầm trên tay những tờ báo Đảng mà bưu tá Lộc Thị Xin vừa chuyển phát, ông Hà Văn Tần, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chai, cho biết ông và cả bản đã quen tiếng xe máy của bưu tá Xin. Nhờ bưu tá Xin mà bà con ở vùng sâu, vùng xa nắm bắt kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên để triển khai kịp thời.

"Nghề bưu tá ở các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt các nữ bưu tá lại càng khó khăn hơn vì địa hình rộng, khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt. Song, bằng sự tận tâm với nghề, các nữ bưu tá đã trở thành cầu nối đưa thông tin đến các thôn, bản, xa xôi", ông Đỗ Trọng Sáng, Giám đốc Bưu điện huyện Mường Lát nói.

Theo ông Sáng, hiện nay trên địa bàn huyện Mường Lát có 8 BĐVHX, nhưng có 4 nữ bưu tá, kiêm vận chuyển đường thư ở 4 xã, xa trung tâm huyện. Các nữ bưu tá luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc, chưa bao giờ để xảy ra việc chậm trễ, thất lạc thư tín, báo chí. Ngày nay lượng báo chí phát hành nhiều hơn, bí thư chi bộ, trưởng bản, người uy tín của các bản đều trong diện được phát Báo Thanh Hóa, Báo Nhân Dân, Báo Dân tộc và Phát triển... cùng với đó lượng bưu phẩm chuyển phát cũng tăng đáng kể nên bưu tá phải làm nhiều hơn.

Bài và ảnh: Ngọc Tiến



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]