(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, huy động sự vào cuộc tích cực, sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và XDNTM tại địa phương.

Nông dân chung tay hành động bảo vệ môi trường

Những năm qua các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, huy động sự vào cuộc tích cực, sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và XDNTM tại địa phương.

Nông dân chung tay hành động bảo vệ môi trường

Cán bộ HND tỉnh hướng dẫn hội viên nông dân huyện Hoằng Hóa phân loại, xử lý rác thải hữu cơ.

Đã thành nếp sống sinh hoạt, cứ vào mỗi dịp cuối tuần hội viên nông dân xã Nga Hải (Nga Sơn) lại ra quân dọn vệ sinh môi trường làm sạch tuyến đường hoa tự quản. Mỗi người một việc, ai nấy đều nhiệt tình tham gia với tinh thần hăng hái, trách nhiệm. Đây là việc làm thường xuyên, thiết thực của HND xã, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần đưa Nga Hải “cán đích” xã NTM kiểu mẫu năm 2024.

Xác định thực hiện tiêu chí môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, 100% huyện, thị, thành hội; 542 HND cấp xã và 4.225 chi hội trong tỉnh đã ký cam kết thi đua thực hiện các tiêu chí BVMT. Hàng năm, HND các cấp đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực như: Tích cực tham gia hưởng ứng “Tết Trồng cây”, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; xây dựng các mô hình “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”, “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải thành phân bón tại nguồn”, “Hàng cây nông dân”, “Tuyến đường nông dân tự quản”... Qua đó, thu hút đông đảo hội viên và cộng đồng tham gia, góp phần hạn chế tình trạng vứt rác thải, tạo diện mạo mới cho nông thôn.

Theo Phó Chủ tịch HND tỉnh Vũ Tiến Dũng, các cấp hội đã đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của hội viên, nông dân và cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện, BVMT; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, bảo tồn đa dạng sinh học; hình thành và phát triển lối sống xanh. Tham gia giám sát, phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường, quản lý đất đai, khoáng sản; xây dựng ý thức, thói quen thực hiện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT, đặc biệt là tuyên truyền, phân loại rác tại nguồn, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh...

Các cấp hội tích cực tổ chức các hoạt động ra quân BVMT, tập huấn BVMT bằng hình thức trực quan tại các hộ, bàn giao các mô hình BVMT do HND tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng... Vận động hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tái sử dụng, hạn chế sử dụng túi nilon và sống thân thiện với môi trường; thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; tích cực tham gia “Ngày chủ nhật xanh”, vệ sinh đồng ruộng... Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức gần 4.300 lớp tập huấn về công tác BVMT cho gần 191.200 lượt người tham gia, hỗ trợ vật tự, dụng cụ để thu gom rác; tổ chức 57 cuộc hội thảo cho hơn 3.300 lượt người tham gia. HND tỉnh trực tiếp tổ chức 118 lớp tập huấn, hướng dẫn hơn 15.800 cán bộ, hội viên, nông dân về phân loại, thu gom và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón từ hộ gia đình; triển khai 15 mô hình bảo vệ môi trường, qua đó hỗ trợ 1.200 thùng phân loại rác thải, 100 bể ủ rác hữu cơ, 120 xe thu gom rác và hàng trăm lít chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch...

Để nâng cao nhận thức trong xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, thời gian qua HND tỉnh đã triển khai sâu rộng Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Thông qua dự án, hội viên nông dân được tập huấn, hướng dẫn áp dụng 5 giải pháp kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ như: lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi sâu can xi, nuôi trùn quế. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, các cấp hội còn tích cực huy động xã hội hóa trong sắm thùng rác chuyên dụng, túi nilon màu để hội viên thực hiện phân loại ngay từ gia đình. Việc phân loại chất thải sinh hoạt tại gia đình của hội viên được thực hiện thông qua các mô hình ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học, góp phần tiết kiệm tài nguyên rác, giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Những việc làm thiết thực, hiệu quả trong công tác BVMT của các cấp HND đang dần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên, nông dân, từ đó chủ động, tích cực tham gia BVMT trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, kinh doanh. Chất lượng môi trường của nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng nếp sống xanh trong cộng đồng dân cư và thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong XDNTM, đô thị văn minh.

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]