(Baothanhhoa.vn) - Gạt đi những bận rộn, căng thẳng và áp lực trong nghề, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa luôn gần gũi, xem người bệnh như người thân. Chính sự yêu thương, chia sẻ ấy đã tiếp sức cho bệnh nhân ung bướu nói chung và “chiến binh K” nói riêng trong hành trình chiến thắng bệnh tật...

Nơi ấm tình người

Gạt đi những bận rộn, căng thẳng và áp lực trong nghề, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa luôn gần gũi, xem người bệnh như người thân. Chính sự yêu thương, chia sẻ ấy đã tiếp sức cho bệnh nhân ung bướu nói chung và “chiến binh K” nói riêng trong hành trình chiến thắng bệnh tật...

Nơi ấm tình ngườiThạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Hằng, Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa thăm khám cho người bệnh.

Gặp BSCKI Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc - Phụ trách Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa vào cuối chiều muộn. Công việc quản lý cũng như chuyên môn khiến bận rộn hơn nhiều, nhưng anh vẫn dành thời gian để đến các phòng trò chuyện, nắm bắt tâm tư, diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Từ đó, kịp thời tư vấn, động viên bệnh nhân vượt qua nỗi đau và can thiệp những ca khó, phức tạp, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh.

Bác sĩ Sơn sinh năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, anh về công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Năm 2018, Bệnh viện Ung bướu được thành lập, anh chuyển về đây công tác. Tròn 20 năm gắn bó với nghề y, anh không thể nhớ đã chẩn đoán bao nhiêu trường hợp bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân ung thư phát hiện giai đoạn sớm, điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, điều anh trăn trở nhất là có những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn cuối, việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.

“Ban đầu khi biết bản thân bị ung thư nhiều người có tâm trạng bi quan, chán nản, thậm chí có những trường hợp nghĩ quẩn tìm đến cái chết. Thấu hiểu những nỗi niềm, suy tư của bệnh nhân, tôi luôn gần gũi chăm sóc và truyền niềm lạc quan từ những câu chuyện người thật, việc thật để họ luôn nỗ lực vượt qua bệnh tật”, bác sĩ Sơn chia sẻ.

Để phục vụ người bệnh tốt nhất, với cương vị Bí thư Chi bộ Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, bác sĩ Sơn trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, phương án phát triển khoa, phòng ngắn hạn cũng như dài hạn, nhằm kịp thời ứng dụng tiến bộ về khoa học - kỹ thuật trong khám và điều trị bệnh hiệu quả cho bệnh nhân. Nhiều ca bệnh khó đã được cứu chữa thành công, mang lại niềm tin cho người bệnh như chụp nút mạch điều trị u gan, u xơ tử cung số hóa xóa nền; điều trị u xơ tiền liệt tuyến, đốt sóng cao tần/vi sóng điều trị tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm... Bên cạnh đó, với vai trò là chủ tịch công đoàn bệnh viện, bác sĩ Sơn cùng với đội ngũ cán bộ bệnh viện luôn là “cầu nối” đến nhà hảo tâm để có thêm nhiều món quà giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đó cũng là hình ảnh tận tâm, nhiệt tình của Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Hằng, Trưởng Khoa Nội 1, luôn được bệnh nhân và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng. Ấn tượng của tôi khi gặp bác sĩ Hằng, đó là sự gần gũi, nhiệt tình khi nói về chuyên môn, về những bệnh nhân đang đặt niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ của khoa.

“Hơn 22 năm gắn bó với chiếc áo blouse, tôi luôn xem bệnh nhân như người thân của mình, đặc biệt đối với những người bị ung thư. Để làm tốt công việc của mình, cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, tôi thường dành thời gian trò chuyện, trao đổi để hiểu hơn hoàn cảnh của từng bệnh nhân, giúp họ ổn định tâm lý cũng như bác sĩ có phác đồ điều trị hiệu quả”, bác sĩ Hằng tâm sự.

Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, những năm qua, với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Nội 1, bác sĩ Hằng đã chỉ đạo đội ngũ y, bác sĩ trong khoa triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đưa vào ứng dụng hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Tiêu biểu như các Đề tài: “Đánh giá kết quả xử trí, chăm sóc người bệnh ung thư hóa trị có tai biến thoát mạch, giai đoạn 2020-2021”, “Đánh giá tác dụng không mong muốn của hóa trị phác đồ Pemetrexed - Carboplatin trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IIIB, IV giai đoạn 2021-2022”; “Đánh giá kết quả điều trị của phác đồ hóa trị kết hợp Bevacizumab trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn, năm 2022-2023...

Bà Nguyễn Thị Minh ở phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: “Gần 5 năm trước, khi phát hiện ung thư phổi, tôi suy sụp lắm, nhưng từ khi vào Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa điều trị được các y, bác sĩ động viên, chăm sóc tôi đã vực dậy tinh thần. Đặc biệt, bác sĩ Hằng luôn nhiệt tình, trách nhiệm, thường xuyên dành thời gian qua phòng thăm hỏi, động viên khiến người bệnh như chúng tôi lạc quan, nỗ lực để chiến đấu với bệnh tật”.

BSCKI Nguyễn Văn Sơn và thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Hằng chỉ là hai trong rất nhiều tấm gương hết lòng vì người bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa. Nụ cười, niềm hạnh phúc của người bệnh khi bệnh tình thuyên giảm chính là động lực thôi thúc đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nơi đây tiếp tục cống hiến vì những bệnh nhân yêu thương.

Bài và ảnh: Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]