Nỗ lực đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp (Bài 2): Gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm
Đóng cửa mỏ, thu hồi giấy phép khai thác, bị phạt nặng do các lỗi vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản (KTKS)... đó là “động thái” thể hiện sự quyết liệt của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản nhằm răn đe, cảnh báo, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong KTKS. Song, người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động KTKS trái phép cũng không tránh khỏi liên đới trách nhiệm.
Một mỏ khai thác, chế biến đá tại xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn). Ảnh: PV
Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, thực trạng KTKS trái phép xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra nhiều lúc chưa kịp thời do số lượng các mỏ trên địa bàn tỉnh lớn; công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo dẫn đến một số cơ quan đi thanh tra, kiểm tra nhưng không có chuyên môn sâu về lĩnh vực khoáng sản nên không phát hiện được hết các sai phạm. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại một số nơi chưa tốt, chưa đồng bộ, kịp thời dẫn đến tình trạng KTKS trái phép, ô nhiễm môi trường trên địa bàn...
Và, người đứng đầu địa phương - nơi để xảy ra hoạt động KTKS trái phép cũng không tránh khỏi liên đới trách nhiệm. Đơn cử như, vụ “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại mỏ cát số 41, thuộc địa phận thị trấn Quý Lộc (Yên Định), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa xác định chỉ trong vòng 17 tháng (từ tháng 10/2020 đến 31/5/2022), 3 đối tượng gồm: Lê Thị Thoan, Trịnh Xuân Thành (cùng ở huyện Yên Định) và Nguyễn Trọng Giang (ở huyện Vĩnh Lộc) đã khai thác vượt trữ lượng hơn 1,1 triệu m3 cát, giá trị ước tính lên tới 95,5 tỷ đồng. Năm 2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo nêu trên. Cả ba đối tượng phải nhận mức án tổng cộng 75 tháng tù.
Không chỉ các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi bị xử lý hình sự, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động KTKS đối với mỏ cát số 41; đồng thời, yêu cầu UBND huyện Yên Định chỉ đạo UBND thị trấn Quý Lộc và các đơn vị chức năng liên quan, căn cứ quy định của pháp luật, khẩn trương kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra hoạt động khai thác trái phép ngoài phạm vi mỏ cát số 41 nêu trên trong thời gian dài mà không có giải pháp, biện pháp xử lý.
Một vụ việc khai thác cát trái phép xảy ra tại bãi cát khu vực thôn Thượng Vôi, xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) cũng liên đới trách nhiệm đến một số cán bộ địa phương. Khu vực bãi cát này nằm ngoài mỏ cát được cấp phép khai thác. Trước đây, đã từng xảy ra hiện tượng một số người dân sử dụng xe trâu, xe bò và phương tiện thô sơ khai thác cát trái phép. Ngày 9/5/2023, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hoạt động KTKS làm vật liệu thông thường trên địa bàn huyện Thọ Xuân và đã phát hiện tại khu vực thôn Thượng Vôi có hiện tượng khai thác cát trái phép của người dân. UBND xã Xuân Hòa cũng đã báo cáo cụ thể với đoàn kiểm tra về việc phát hiện, tạm giữ phương tiện khai thác cát trái phép của người dân từ ngày 1/5/2023.
Nhưng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động KTKS, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân đã nêu rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để cho người dân khai thác cát trái phép tại khu vực thôn Thượng Vôi. Và, trách nhiệm nêu trên thuộc về các ông: Trịnh Đình Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã; Bùi Văn Thường, công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường; Nguyễn Hải Hưng, Trưởng Công an xã khi chưa thực hiện nghiêm chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thọ Xuân cũng có trách nhiệm trong việc chưa thường xuyên kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các địa bàn có nguy cơ khai thác, tập kết khoáng sản trái phép để báo cáo Chủ tịch UBND huyện có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Tại huyện Thạch Thành, tháng 5/2024, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành đã ban hành riêng một văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã Thành Trực. Đây là địa phương để xảy ra tình trạng khai thác đất làm đường giao thông nông thôn không đúng quy định.
Trước đó, thôn Định Thành có tờ trình gửi UBND xã Thành Trực xin được khai thác đất từ việc hạ thấp độ cao đất thổ cư của 2 hộ gia đình để làm 2 tuyến đường nội đồng với chiều dài khoảng 1.900m, dự kiến lấy 3.600m3 đất. Rõ ràng biết việc cho phép là không đúng thẩm quyền, vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản, tuy nhiên xã Thành Trực vẫn vô tư “tạo điều kiện” để thôn khai thác đất làm đường giao thông nội đồng. UBND huyện Thạch Thành đã yêu cầu UBND xã Thành Trực tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của địa phương khi thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tại huyện Triệu Sơn, mới đây, Chủ tịch UBND huyện cũng đã phải ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND xã Thọ Tân kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các sai phạm về đất đai, khoáng sản đối với vụ việc ông Lê Anh Ph. (thị trấn Triệu Sơn) tự ý hạ thấp độ cao, làm biến dạng thửa đất khi chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Ông Ph. đã thực hiện hành vi múc đất trên diện tích gần 1.000m2 tại khu vực thuộc đồi 32, thửa đất số 3, tờ số 17. Trước đó, ông Ph. đã từng bị phạt hành chính số tiền 5 triệu đồng vì hành vi tự ý san múc đất.
“Động thái” siết chặt quản lý từ cơ sở
Từ những vụ việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các sai phạm về đất đai, khoáng sản của các địa phương nêu trên cho thấy công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp và chặt chẽ hơn. Việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng hợp lý, hiệu quả đã góp phần tích cực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều chủ trương, chính sách về quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản được ban hành và tổ chức thực hiện tốt. Các biện pháp quản lý, sử dụng được siết chặt với phương châm kiên quyết xử lý nghiêm mọi vi phạm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Thanh Chung, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Nghi Sơn, cho biết: Trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có 35 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng được cấp giấy phép khai thác, tuy nhiên chỉ có hơn một nửa số mỏ được đưa vào khai thác, số còn lại chưa hoàn thiện hồ sơ nên thị xã kiên quyết tạm dừng. Thị xã còn tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời tình trạng KTKS trái phép. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Đoàn Thanh Chung cho rằng: Yếu tố then chốt để hoạt động KTKS đi vào nền nếp chính là vai trò của các xã, phường sở tại có mỏ khoáng sản hoạt động khai thác. Nếu địa phương nào buông lỏng quản lý chính là tiếp tay cho các hành vi vi phạm, trở thành “điểm nóng” về đơn, thư khiếu kiện. Ngược lại, nếu địa phương phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện kịp thời về những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản sẽ góp phần ngăn chặn, xử lý, chống thất thoát tài nguyên.
Tại huyện Nông Cống hiện có 17 mỏ được UBND tỉnh cấp phép hoạt động KTKS cho 17 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp khai thác đá, 1 doanh nghiệp khai thác đá phụ gia xi măng, 6 doanh nghiệp khai thác đất và 2 doanh nghiệp khai thác quặng secpentin. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống khẳng định: Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động KTKS, ngoài việc tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo trên cơ sở quy định của pháp luật, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp tăng cường phổ biến pháp luật về Luật Khoáng sản cho UBND cấp xã và các đơn vị hoạt động khai thác trên địa bàn chấp hành quy định của pháp luật; phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản đối với các đơn vị đang hoạt động KTKS nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn...
Thực tế kiểm tra tại một số xã có hoạt động KTKS cho thấy, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng mất mốc giới, khai thác ngoài mốc giới, khai thác quá độ sâu, vượt quá công suất cho phép, khai thác không đúng thiết kế mỏ, gây mất an toàn lao động, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng diện tích được giao tại các khu vực tiến hành KTKS; một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, gây ô nhiễm môi trường, vận chuyển vượt quá tải trọng, gây hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân...
Tại huyện Thạch Thành có 15 mỏ khoáng sản được cấp giấy phép và đang trong thời gian khai thác với 32 điểm mỏ. Đối với công tác bảo vệ khoáng sản, UBND huyện đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp phép KTKS thực hiện cắm mốc, tổ chức quản lý, bảo vệ không để xảy ra hoạt động KTKS trái phép trong khu vực được phép hoạt động khoáng sản. Giao cho UBND cấp xã, lực lượng công an huyện, xã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác tại các mỏ đã được cấp phép khai thác và khu vực có khoáng sản chưa khai thác để kịp thời xử lý khi có tình trạng KTKS trái phép xảy ra. Đánh giá của ngành chức năng huyện Thạch Thành cho thấy, trên địa bàn huyện vẫn còn hiện tượng KTKS ngoài phạm vi được cấp phép, làm mất mốc giới, thực hiện chưa đầy đủ các quy định về vận chuyển khoáng sản, bảo vệ môi trường. Một số xã, thị trấn vẫn để xảy ra tình trạng lợi dụng việc san gạt đất ở, đất đồi của hộ gia đình, cá nhân để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái quy định...
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản là phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền sở tại nơi có tài nguyên. Và, phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động KTKS trái phép. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu và cơ chế giám sát quyền lực của người đứng đầu trong từng khâu, từng công việc trong việc bảo vệ khoáng sản.
Tô Dung - Việt Hương
Bài cuối: Hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững
{name} - {time}
-
2024-12-12 11:47:00
Thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
-
2024-12-12 08:10:00
Mức sinh của Việt Nam xuống thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm
-
2024-10-11 17:08:00
Thành lập Nghiệp đoàn nghề nuôi cá nước ngọt xã Ái Thượng
5G phủ sóng nhiều tỉnh thành, nhà mạng đã sẵn sàng thương mại hóa
Diễn tập điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Nông Cống
Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người”
Hội LHPN tỉnh tổng kết hoạt động Quỹ tín dụng vệ sinh quay vòng
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai
Nụ cười đã nở bên những “căn nhà 22”
Heo hút thôn nghèo
Thành lập Nghiệp đoàn nghề Trồng đào cảnh xã Xuân Du
Công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai trên Quốc lộ 51