Nhân Ngày toàn dân hiến máu (7/4): Ngân hàng máu - lan tỏa yêu thương
Mỗi lần hiến máu, những “ngân hàng máu sống” luôn mang tâm thế hiến máu cứu người, lan tỏa sự sống mà không cần trả ơn. Những tấm lòng ấy kết thành sức mạnh nhân đạo, xây dựng cộng đồng nhân ái và nhân lên sự sống cho biết bao người.
Bạn Đỗ Nhật Linh tham gia hiến máu tình nguyện.
Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với mong muốn được cống hiến, làm điều có ích cho xã hội, nên khi thấy thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia “Hành trình đỏ”, cô gái Đỗ Nhật Linh, xã Quảng Ngọc (Quảng Xương) đã đăng ký tham gia. Cũng từ lần tham gia “Hành trình đỏ” ấy, tư duy về hiến máu của Linh đã thay đổi. Theo chia sẻ của Đỗ Nhật Linh, em đã hiểu về vai trò của máu, các chế phẩm máu và công tác hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, sau khi hiến máu, sức khỏe của Linh vẫn ổn định và vẫn tham gia các hoạt động hỗ trợ người hiến máu và chương trình “Hành trình đỏ”. Điều đó đã khiến Linh dần “phải lòng” công việc hiến máu và các hoạt động của “nhà đỏ”.
Từ lần đầu tiên hiến máu vào năm 2018, đến nay, Đỗ Nhật Linh đã tham gia hiến máu 13 lần (hiến máu tại các chương trình và hiến máu khẩn cấp tại các bệnh viện). Chia sẻ về công tác hiến máu tình nguyện, Đỗ Nhật Linh cho biết: "Trong một lần đến Trung tâm Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để hiến máu, khi vừa đến viện thì tôi nhận được thông tin có người cần máu cấp cứu. Ngay lập tức, tôi đã liên lạc với người nhà bệnh nhân và tham gia hiến máu. Kể từ lần đó, khi nào nhận được tin người cần máu và tôi đủ điều kiện hiến máu là tôi tham gia ngay mà không cần chờ đến các chương trình hiến máu tình nguyện”.
Là tình nguyện viên của Câu lạc bộ Tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Nhật Linh không chỉ tích cực tham gia hiến máu tình nguyện mà còn tích cực tham gia hỗ trợ các hoạt động tổ chức chương trình “Giọt hồng xứ Thanh”, “Hành trình đỏ” và các chương trình hiến máu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham gia các hoạt động tuyên truyền về vai trò của máu, hiến máu tình nguyện và phòng chống căn bệnh tan máu bẩm sinh - Thalassemia; vận động người thân, bạn bè và người dân tích cực tham gia hiến máu cứu người.
Cũng mang tâm thế hiến máu cứu người, lan tỏa sự sống, thầy giáo Lâm Thanh Tình, Trường THPT Tĩnh Gia 2 (thị xã Nghi Sơn) đã âm thầm sẻ giọt máu đào cho những người kém may mắn. Trò chuyện cùng thầy giáo Tình, chúng tôi mới thấy bên trong dáng người cao gầy ấy là một tấm lòng nhân ái bao la. Anh Tình tham gia hiến máu khi còn là sinh viên. Đến nay, anh đã hiến máu khoảng 40 lần. Kể về lần đầu tiên hiến máu, anh Tình chia sẻ: “Khi đó tôi rất gầy nên lần đầu hiến máu tôi cũng hơi sợ. Nhưng sau đó đã tìm hiểu về việc hiến máu, sau khi hiến máu sức khỏe vẫn ổn định, nên tôi đã hiểu ra, hiến máu không có hại, mà hiến máu là nhân đạo, là gieo thêm hy vọng sống cho người bệnh”.
Từ việc nghĩ rằng gầy sẽ không hiến máu được, đến nay anh Tình không chỉ hiến máu toàn phần và anh còn tham gia hiến máu tiểu cầu. Anh kể: “Hôm ấy trời mưa, rét, hơn 21 giờ, tôi nhận được thông tin bệnh nhân cần 2 đơn vị tiểu cầu để cấp cứu. Tôi đã lên ngay Bệnh viện Đa khoa tỉnh để hiến máu. Khi hiến máu xong cũng đã gần 2 giờ sáng nhưng tôi không mệt mà thấy rất ấm lòng. Bởi nhìn thấy ánh mắt vui mừng, rưng rưng của người nhà bệnh nhân tôi biết rằng bệnh nhân qua cơn nguy hiểm”.
Người dân tham gia hiến máu nhân đạo.
Kể từ khi nhận thức đúng về hiến máu tình nguyện, anh Tình đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Trên con đường làm nhân đạo ấy, anh Tình đã gặp nhiều người cùng tấm lòng, nhiệt huyết. Và những “ngân hàng máu sống” ấy đã cùng nhau tập hợp lại thành lập nên Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo Giọt hồng xứ Thanh. Câu lạc bộ đã thu hút hàng nghìn người tham gia và hàng trăm người thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện, trợ giúp cho hàng nghìn người cần máu. Cùng với đó, anh Tình đã tích cực vận động gia đình, bạn bè tham gia hiến máu tình nguyện. Với những đóng góp cho công tác hiến máu tình nguyện, năm 2023, anh Tình đã được Ban Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động hiến máu tình nguyện.
Thầy giáo Lâm Thanh Tình hay chị Đỗ Nhật Linh chỉ là hai trong số nhiều những “ngân hàng máu sống” vẫn đang hăng hái sẻ chia những giọt máu đào để nhân lên sự sống, lan tỏa yêu thương. Bởi, hiện nay phần lớn người dân đã có nhận thức đúng và đủ về máu, các bệnh về máu và công tác hiến máu nhân đạo. Do đó, mỗi năm có hàng nghìn lượt người tham gia hiến máu nhân đạo. Như năm 2023, có hơn 53.000 lượt tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo thông qua các chương trình, sự kiện hiến máu.
Nhân ngày toàn dân hiến máu (7/4), cùng với những thông điệp kêu gọi, vận động người dân tham gia hiến máu thì những “ngân hàng máu sống” cũng được tôn vinh. Hy vọng rằng, ngày càng có nhiều hơn nữa những “ngân hàng máu sống” để góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong công tác cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-04-06 19:36:00
Trên 300 hộ dân xã Ngọc Lĩnh tự nguyện hiến đất, mở rộng đường giao thông
Thanh minh không trong sáng...
Tìm hiểu, giải đáp thắc mắc tiềm năng về nghề điện lạnh
Bộ Nội vụ tán thành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để nghỉ lễ 30/4-1/5 liền 5 ngày
“Lão ngư” và biển cả
Dịch bệnh Dại đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan mạnh
Thành lập mới 153 công đoàn cơ sở, phát triển hơn 16.600 đoàn viên
“Chắp cánh” khởi nghiệp cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số
Các địa phương chủ động phòng, chữa cháy rừng trước tình trạng nắng nóng gay gắt
Manh nha những mô hình du lịch nông nghiệp