(Baothanhhoa.vn) - Không thể nghe, không thể nói nhưng những người khiếm thính đã biến đôi bàn tay của mình trở thành công cụ để giao tiếp. Chính mỗi câu, mỗi từ được phát ra từ đôi tay ấy đã gắn kết những tâm hồn với nhau, giúp cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn, cánh cửa tương lai dành cho họ cũng rộng mở hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những đôi bàn tay... biết nói

Không thể nghe, không thể nói nhưng những người khiếm thính đã biến đôi bàn tay của mình trở thành công cụ để giao tiếp. Chính mỗi câu, mỗi từ được phát ra từ đôi tay ấy đã gắn kết những tâm hồn với nhau, giúp cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn, cánh cửa tương lai dành cho họ cũng rộng mở hơn.

Những đôi bàn tay... biết nói

Ngoài học ngôn ngữ ký hiệu, các bạn học sinh khiếm thính Trường Trung cấp nghề Thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa còn được học nghề theo nhu cầu.

Chúng tôi đến thăm lớp học ngôn ngữ ký hiệu, Trường Trung cấp nghề Thanh, Thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa vào những ngày đầu xuân. Những học sinh trong ngôi trường này cũng đặc biệt đúng như tên gọi của nó, bởi họ phải tự mình vượt qua trở ngại do khuyết tật cơ thể để được hòa nhập với cộng đồng. Lớp học đặc biệt này do cô giáo Trịnh Mỹ Thương chủ nhiệm, cả lớp học có hơn chục học sinh, mỗi em có hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là gặp khó khăn về nghe, nói.

Cô giáo Trịnh Mỹ Thương dạy từ mới cho học sinh của mình bằng cách đưa hình ảnh cho các em xem, vừa phát âm bằng miệng để học sinh có thể hình thành khẩu ngữ, vừa làm động tác tay để các em có thể ghi nhớ. Áp tay lên má là “Mẹ”, để tay lên cằm có nghĩa là “Bố”, chụm hai bàn tay lại như hình mái nhà, đặt trước ngực nghĩa là “Gia đình”... Bao năm qua, từ ngày này qua ngày khác, cô Thương luôn kiên trì chỉ dạy cho các em từng từ một, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Xen kẽ với học ngôn ngữ từ đôi tay, các em còn được dạy tiếng Việt, Toán, dạy nghề như cắt may, thêu, điện... nếu em nào có thể ghép thành thạo chữ nghĩa thì có thể học tin học.

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Trịnh Mỹ Thương cho biết: “Khi bắt đầu vào học, nhà trường phải kiểm tra kỹ khả năng của từng em để có phương pháp dạy phù hợp, đồng thời hướng dẫn các em làm quen với ngôn ngữ ký hiệu. Trong lớp, ngoài tên khai sinh, mỗi em được đặt tên ký hiệu theo đặc điểm riêng: Em gầy thì tôi ký hiệu tên là hai ngón tay tạo thành hình chữ V đặt dưới cằm, em có nốt ruồi trên sống mũi thì mỗi lần tôi chỉ ngón trỏ vào vị trí đó của tôi các học sinh đều biết là tôi đang gọi em đó trả lời... Dù các em đều có độ tuổi từ khoảng 15 tuổi trở lên nhưng để dạy được cho các em vẫn phải bắt đầu như học sinh lớp 1. Và với lớp học đặc biệt này, cây cầu nối giúp cô trò giao tiếp với nhau là đôi tay, chính đôi tay sẽ giúp các em nói ra suy nghĩ, tâm tư của mình”, cô giáo Thương nói.

Theo cô giáo Thương, song song với việc học ngôn ngữ ký hiệu, các em cũng được học nghề theo nhu cầu. Trong đó, ngôn ngữ ký hiệu là học phần rất quan trọng, được ưu tiên nhiều thời gian. Với người khiếm thính một phần, ngôn ngữ này sẽ hỗ trợ cho ngôn ngữ lời nói; với người khiếm thính nặng, đây chính là ngôn ngữ chính để giúp mọi người giao tiếp với nhau. Nhưng với một giáo viên đặc biệt như cô Thương thì ngày nào cũng phải lên lớp. Vì nhiều khi những giáo viên dạy nghề không thể hiểu được những tâm tư, những điều các em muốn nói nên rất cần cô giáo Thương hỗ trợ.

Dạy những học sinh bình thường đã vất vả, việc dạy những em học sinh khiếm thính với ngôn ngữ ký hiệu càng gian nan, vất vả gấp bội. Bởi có em không chỉ bị khó khăn nghe nói, mà còn kèm theo những hành vi khác như không tập trung; có em học khá nhanh, nhưng cũng có em phải rất lâu mới tiếp thu được; thậm chí có những em ngoài khiếm thính còn bị thiểu năng trí tuệ... Những giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu, ngoài sự kiên trì còn phải có một tình yêu thương vô bờ bến đối với những học sinh khiếm thính của mình. Vì vậy, số người lựa chọn con đường này rất ít.

“Đã rất nhiều người cứ nói tôi là sao không kiếm việc gì khác mà làm lại chọn nghề này? Lúc đó tôi chỉ cười bởi có làm mới hiểu được tính nhân đạo và ý nghĩa của nghề. Nhiều khi đi ngoài đường, vô tình gặp lại một học trò cũ trước đây của mình giờ đã trưởng thành, tôi cảm thấy rất vui. Dạy ngôn ngữ ký hiệu không chỉ đơn thuần là dạy để các em giao tiếp, mà còn thắp lên niềm hy vọng vào tương lai nữa”, cô giáo Trịnh Mỹ Thương bộc bạch.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hoàng Đình Tưởng, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thanh, Thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa chia sẻ: Dạy những đứa trẻ bình thường đã khó, dạy những học sinh đặc biệt này bằng ngôn ngữ ký hiệu càng khó gấp bội phần. Cùng đó, không ít giáo viên cũng phải vượt qua dư luận, ý kiến trái chiều. Với những giáo viên như cô Thương, phải có một tình yêu thương thực sự thì mới có thể vượt qua được những khó khăn trong việc dạy học.

“Có thể nói, ngôn ngữ ký hiệu thực sự là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, không âm thanh, tiếng nói, nhưng ẩn trong đó là sự diệu kỳ giúp gắn kết những tâm hồn với nhau, cánh cửa tương lai dành cho họ cũng rộng mở hơn”, thầy giáo Hoàng Đình Tưởng bộc bạch.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài Và Ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]