(Baothanhhoa.vn) - "Hình ảnh những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ mà tôi đã gặp trong chuyến từ thiện cách đây gần 6 năm cứ ám ảnh tôi. Những ngày sau chuyến đi đó, các con xuất hiện trong trí nhớ của tôi cả khi ăn, khi ngủ và khi làm việc. Phải làm thế nào để giúp các con có thể trở về với cuộc sống bình thường? là câu hỏi cứ lặp đi lặp lại khiến tôi cảm thấy day dứt trong suốt một quãng thời gian dài. Và cuối cùng, tôi quyết định mang âm nhạc đến với các con".

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nặng lòng với trẻ tự kỷ

"Hình ảnh những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ mà tôi đã gặp trong chuyến từ thiện cách đây gần 6 năm cứ ám ảnh tôi. Những ngày sau chuyến đi đó, các con xuất hiện trong trí nhớ của tôi cả khi ăn, khi ngủ và khi làm việc. Phải làm thế nào để giúp các con có thể trở về với cuộc sống bình thường? là câu hỏi cứ lặp đi lặp lại khiến tôi cảm thấy day dứt trong suốt một quãng thời gian dài. Và cuối cùng, tôi quyết định mang âm nhạc đến với các con".

Nặng lòng với trẻ tự kỷ

Cô Nguễn Thị Lưu luôn dành tình cảm đặc biệt cho trẻ tự kỷ.

Tốt nghiệp khoa Sư phạm Âm nhạc, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cô Nguyễn Thị Lưu (sinh năm 1981) hiện đang là giáo viên bộ môn Âm nhạc tại trường THCS Đông Tiến (Đông Sơn). Tuy nhiên, ngoài công việc dạy âm nhạc cho những học sinh bình thường ở một trường cấp 2, cô Lưu còn là một gương mặt quen thuộc đối với những người làm cha, làm mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ tại TP Thanh Hóa. Và, quan trọng nhất, cô đã trở thành một người mẹ đặc biệt của những đứa trẻ không may mắn này.

Cơ duyên khiến cô Nguyễn Thị Lưu gắn bó với trẻ tự kỷ cũng thật tình cờ. "Vào năm 2014, trong một lần tham gia hoạt động từ thiện cùng chùa Đại Bi (TP Thanh Hóa), tôi và các sư thầy đã đến Trung tâm giáo dục chuyên biệt Phúc Tâm An tại phường Đông Vệ để trao quà cho các con đang theo học tại đây. Khi đến trung tâm, nhìn thấy các con có những biểu hiện bất thường như: ngồi một chỗ, không giao tiếp hay phản ứng khi cô giáo gọi, có bạn lại chạy nhảy, la hét, thậm chí đánh và cắn cô giáo,... tôi rất trăn trở. Sau đó, tôi đã tìm đọc nhiều tại liệu liên quan đến trẻ tự kỷ, từ dấu hiệu nhận biết, hành vi của trẻ đến phương pháp nuôi dạy trẻ mắc chứng tự kỷ. Trong quá trình tìm hiểu, tôi biết được, âm nhạc là một phương pháp trị liệu và hỗ trợ phục hồi rất hiệu quả với những đối tượng này. Không lâu sau, tôi trở lại Trung tâm Phúc Tâm An, trình bày với chị Đinh Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm về nguyện vọng được đến dạy âm nhạc cho các con vào những khoảng thời gian nhàn rỗi. Và tôi gắn bó với trẻ tự kỷ từ ngày đó đến nay, như "duyên trời định" vậy".

Nặng lòng với trẻ tự kỷ

Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô là hằng ngày được nhìn thấy các con tiến bộ.

Là một giáo viên chưa được đào tạo về phương pháp dạy trẻ tự kỷ nên thời gian mới bắt đầu công việc, cô Nguyễn Thị Lưu đã gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, đã rất nhiều lần cô bật khóc với cảm giác bất lực vì các con không tương tác hay phản ứng trong suốt quá trình học. Nhưng, tình yêu thương đối với những đứa trẻ kém may mắn ấy đã không cho phép cô nản lòng. Cô hiểu được, dạy trẻ tự kỷ không chỉ cần kiến thức, kỹ năng chuyên biệt mà quan trọng nhất là phải dạy bằng tình yêu thương, dạy bằng cả sự kiên trì và nhẫn nại. "Khi dạy trẻ tự kỷ, người giáo viên phải giúp các con có được cảm giác an toàn, vui vẻ và là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các con có thể trải lòng cũng như tham gia vào mọi hoạt động. Nếu không kiên trì, không yêu thương các con thì để các con tiến bộ là điều vô cùng khó". Nhận thức được điều đó, nên gần 6 năm qua, mỗi nốt nhạc, mỗi câu hát vang lên từ trái tim của người “mẹ” ấy là một niềm hi vọng về ngày mai, về một tương lai tốt đẹp. Ngày mai đó, các con sẽ biết nói, biết cười, biết buồn vui, biết thể hiện tình yêu với người thân ruột thịt...; ngày mai, rồi các con có thể hát, đôi tay có thể lướt trên những phím đàn và tạo nên những bản nhạc du dương, trầm bổng; rồi, ngày mai con lớn, con được sống hòa đồng với mọi người, không bị phân biệt, kỳ thị và có thể làm bất cứ điều gì, đi đến nơi đâu con muốn...

"Gần 6 năm theo nghề giáo dục những đứa trẻ đặc biệt, tôi không nhớ mình đã can thiệp, hướng dẫn, chăm sóc cho bao nhiêu trẻ. Tôi cũng không nhớ, mình đã dạy bao nhiêu học sinh biết hát, biết đánh đàn. Chỉ biết rằng, mỗi lần tiếp xúc với những đứa trẻ ấy, trong lòng tôi lại dâng lên cảm xúc khó tả. Thương lắm, thương như con mình vậy!" Lời chia sẻ của cô Lưu giúp tôi hiểu, nếu không tâm huyết với nghề, không thực lòng yêu thương trẻ, cô sẽ không thể nói ra những lời như vậy. "Thương lắm, thuơng như thương con mình"!

Khác với những lớp học bình thường, niềm vui của cô Lưu ở lớp học chuyên biệt rất giản dị. Đôi khi niềm vui đó chỉ là được nghe những câu hỏi rất đỗi ngô nghê của con trẻ, là những khi các con có thể cất tiếng hát dù câu hát chưa trọn vẹn, là lần các con có thể chạm những ngón tay không linh hoạt lên chiếc đàn piano, tạo nên những âm thanh lộn xộn, là khi đến lớp các con biết chào cô, cuối buổi học thì biết đi dép, đội mũ khi cha mẹ đến đón, là nụ cười trong veo và cái vẫy tay chào các cô trước khi về…. Những điều đó đã đủ để khiến những người như cô Lưu cảm thấy vui và tự hào.

Nặng lòng với trẻ tự kỷ

Đã từng nản lòng trước khó khăn nhưng tình yêu thương dành cho trẻ tự kỷ đã giúp cô vượt qua và kiên trì với con đường đã chọn.

Nhớ lại một kỷ niệm cách đây hai năm, khi một bé trai gần 10 tuổi có thể đánh trọn vẹn một bản nhạc sau gần 5 tháng theo học, cô Lưu không giấu nổi niềm hạnh phúc: "Khi tôi đến nhà và bắt đầu dạy nhạc cho bé, bé không thể ngồi một chỗ và tập trung vào bài học. Bé mắc chứng tự kỷ dạng tăng động nên bé nói rất nhiều, thích chạy nhảy, la hét. Vì thế, để bé có thể ngồi một chỗ học đàn, học hát là rất khó khăn. Ban đầu, tôi cũng mệt mỏi lắm. Nhưng, sau nhiều tháng dỗ dành, kiên trì dạy từng câu hát, từng nốt nhạc, bé cũng có thể tập trung vào giờ học. Thậm chí sau đó, bé tiến bộ rất nhanh. Vào một ngày, bé chơi được một bản nhạc hoàn chỉnh và là bản nhạc đầu tiên bé hoàn thành, tôi và bố mẹ của bé đã khóc. Cảm xúc lúc đó thật khó diễn tả bằng lời".

Mẹ của cháu bé trong câu chuyện của cô Lưu đã tâm sự với tôi rằng: "Tôi biết ơn cô ấy vì đã sát cánh cùng con tôi trong suốt những năm tháng qua. Có lẽ, nếu không có cô ấy kiên trì và đồng hành cùng vợ chồng tôi, con tôi sẽ không thể có được ngày hôm nay". Tình yêu thương và sự cố gắng của người phụ nữ ấy rồi cũng đến ngày được đền đáp. Và món quà ý nghĩa nhất chính là nhìn các con tiến bộ mỗi ngày và cảm nhận được niềm hạnh phúc của mỗi người làm cha, làm mẹ khi nhận thấy, con mình đã thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Nặng lòng với trẻ tự kỷ

Ngoài dạy âm nhạc cho trẻ tự kỷ, cô Nguyễn Thị lưu còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện dành cho trẻ tự kỷ.

Được biết, hiện nay, ngoài giờ dạy Âm nhạc tại trường THCS Đông Tiến và thời gian thu xếp công việc gia đình, hầu hết thời gian nhàn rỗi, cô Nguyễn Thị Lưu đều dành cho trẻ tự kỷ. Khi thì dạy âm nhạc cho trẻ tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt hoặc đến dạy tại nhà riêng của trẻ, khi thì tham gia các lớp tập huấn kỹ năng dạy trẻ tự kỷ hoặc các chương trình từ thiện do CLB Gia đình trẻ tự kỷ Thanh Hóa tổ chức, như: Vòng tay yêu thương, Trung thu yêu thương... và tham gia hoạt động Thể thao thân thiện do Vietnam Autism Network (VAN - Mạng lưới tự kỷ Việt Nam) tổ chức vào ngày 2 - 4 hàng năm tại các tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định... và TP Hà Nội.

“Trẻ tự kỷ rất cần và thích được người khác yêu thương, chăm sóc, vỗ về. Các con cũng có tình cảm với người xung quanh như bao đứa trẻ khác nhưng không biết phải thể hiện ra sao. Mong mọi người hãy thấu hiểu và dùng tình yêu thương xoa dịu nỗi đau, những thiệt thòi để các con có thể hòa nhập, sống vui vẻ hơn với cộng đồng”, đó là những lời chia sẻ chân thành cũng như mong muốn của cô Nguyễn Thị Lưu với những người xung quanh, nhằm giúp trẻ tự kỷ cũng như người thân của các con có đủ sức mạnh và dũng khí để vững tin hơn trên con đường lắm nỗi gian nan này.

Khánh Đan


Khánh Đan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

2 bình luận

 Hoàng Hà - 14:24 02/04/19

 Trả lời

Cảm ơn cô giáo Lưu nhiều lắm. Cô rất nhiệt tình và có tâm với trẻ Tự kỷ.

 Oanh phạm - 12:08 22/03/19

 Trả lời

Tôi biết cô Lưu qua nhiều lần tiếp xúc. Sự chân thành và lòng yêu nghề của cô khiến tôi cảm phục!

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]