(Baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm bôn ba khắp trong Nam ngoài Bắc, anh Nguyễn Thế Hoàng ở phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) quyết tâm hồi hương khởi nghiệp bằng nghề truyền thống. Những kiến thức học tập được ở các tỉnh phía Nam đã giúp chàng kỹ sư ngành giao thông - vận tải đổi mới và hiện đại hóa nghề mắm quê nhà; đồng thời, thành lập HTX để liên kết các cơ sở sản xuất địa phương, tạo sức cạnh tranh và phát triển thị trường cho sản phẩm.

Kỹ sư hồi hương tạo bước đột phá cho nghề mắm Hải Bình

Sau nhiều năm bôn ba khắp trong Nam ngoài Bắc, anh Nguyễn Thế Hoàng ở phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) quyết tâm hồi hương khởi nghiệp bằng nghề truyền thống. Những kiến thức học tập được ở các tỉnh phía Nam đã giúp chàng kỹ sư ngành giao thông - vận tải đổi mới và hiện đại hóa nghề mắm quê nhà; đồng thời, thành lập HTX để liên kết các cơ sở sản xuất địa phương, tạo sức cạnh tranh và phát triển thị trường cho sản phẩm.

Kỹ sư hồi hương tạo bước đột phá cho nghề mắm Hải BìnhNước mắm đóng chai thủy tinh tại cơ sở sản xuất nước mắm Vị Thanh.

Mới đầu tư cơ sở muối mắm và nước mắm quy mô lớn từ năm 2017, nhưng anh Nguyễn Thế Hoàng đã gặt hái được nhiều thành công mà hàng chục cơ sở mắm nhiều đời ở phường Hải Bình chưa thể có được. Nước mắm truyền thống địa phương nhờ đó đã xuất khẩu được thị trường Hàn Quốc và đang xúc tiến để đưa sản phẩm đến với thị trường Nga - nơi có rất đông cộng đồng người Việt sinh sống.

Với sản phẩm mắm và nước mắm đăng ký nhãn hiệu Vị Thanh, những năm gần đây, anh Hoàng liên tục tham gia các hội chợ giới thiệu, triển lãm sản phẩm trong và ngài tỉnh để tăng cường quảng bá. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP vào đầu năm 2021, mắm và nước nắm tại đây đã vào được các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của tỉnh. Những ngày đầu tháng 12 này, ông chủ xưởng mắm sinh năm 1979 khá tất bật cho việc khai trương, vận hành cửa hàng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa tại tổ dân phố Tiền Phong, phường Hải Bình. Ngoài hàng chục sản phẩm OCOP các địa phương trong tỉnh, mục đích chính của cửa hàng là giới thiệu, phát triển thị trường bán lẻ cho nhiều loại mắm và nước mắm địa phương.

Qua tiếp xúc nhiều lần, chúng tôi cảm nhận được sự từng trải và tính quyết đoán trong vẻ bề ngoài khá đôn hậu, hiền lành của ông chủ xưởng mắm tuổi tứ tuần. Có lẽ vì sự quyết đoán ấy mà hơn 4 năm trước, anh đã quyết định từ bỏ chốn thị thành với công việc ổn định, đưa vợ con về vùng biển Nghi Sơn để khởi nghiệp từ nghề mắm. Không chịu hài lòng với thực tại, luôn tìm cách thay đổi để phát triển đã giúp người con phường Hải Bình này kinh qua nhiều công việc và đi nhiều nơi. Giai đoạn 1998-2001, sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, anh Hoàng học tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, ra trường và đi làm cho Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc - Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2003, người thanh niên xa xứ tự ôn thi, đậu và học Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường năm 2007, Hoàng xin vào làm việc tại khâu xuất nhập khẩu đồ gỗ cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại TP Hồ Chí Minh. Dù công việc ổn định, nhưng năm 2014, anh vẫn muốn thử thách bản thân bằng việc ra thành phố cảng Hải Phòng, phụ trách mảng xuất nhập khẩu cho một doanh nghiệp khác. Đến năm 2016, anh được người anh họ mời lên Hà Nội để quản lý một công ty xây dựng, cùng vợ con sinh sống tại thủ đô. Ở nhiều nơi, làm nhiều việc chính là điều kiện để anh tích lũy vốn sống, học tập nhiều điều bổ ích cho việc phát triển nghề mắm hiện nay.

Khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương được nung nấu từ thuở thơ ấu lại trỗi dậy, nên năm 2017 anh về quê đầu tư vào xưởng mắm khiến chính người vợ trẻ và anh, em nội ngoại không khỏi bất ngờ. Chia sẻ với chúng tôi về bước rẽ lớn nhất cuộc đời này, anh cho biết: Khi ấy, vợ con vẫn ở Hà Nội, mình tôi về quê quyết tìm hướng vực dậy nghề mắm. Nhà tôi nhiều đời làm mắm, nhiều hộ dân địa phương cũng vậy, nhưng mắm Hải Bình chưa vươn xa, cần phải nung nấu thay đổi cách làm. Thế rồi tôi ba lô khăn gói, đi dọc các làng mắm từ Nghệ An đến Kiên Giang, lưu lại lâu nhất là Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Cà Mau và Bình Thuận để học tập cách làm. Nhận thấy cứ làm kiểu truyền thống địa phương thì không thể tạo đột phá, phải có nhãn mác, thay đổi phương pháp để sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu thị trường.

Hành trình khởi nghiệp của anh Hoàng được đánh dấu bằng việc mua 5 thùng gỗ cỡ lớn trong Nam về làm mắm, với diện tích xưởng ban đầu là 300m2 đất vườn nhà. Nhận thấy cách muối mắm nhiều đời ở địa phương là đánh khuấy, làm tan cá trong bể muối, phần phân cá vỡ và khuếch tán ra nên nước mắm có màu đen và còn mùi hôi. Ông chủ xưởng quyết áp dụng phương pháp muối nén gài, đè nặng nhưng không khuấy đảo - cách làm phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Nước mắm liên tục được rút ra phơi nắng, sau lại bơm vào thùng gỗ, tạo sự khuếch tán và nhanh ngấu. Lượng muối cũng được anh điều chỉnh cho nhạt hơn công thức truyền thống ở quê từ nhiều đời nay. Với “công nghệ” nhà thùng và một số thay đổi trong cách làm, người kỹ sư về quê làm mắm đã thu hái thành quả là những giọt nước mắm màu cánh gián, thơm dịu và đậm đà hậu vị.

Dần mở rộng sản xuất, đến nay cơ sở mắm Vị Thanh đã mở rộng thêm các khu nhà thùng, phát triển lên 30 thùng gỗ. Không ngừng cải tiến, anh đã mua sắm máy lọc hiện đại để lọc nước mắm, không còn những tạp chất li ti như truyền thống khiến màu sắc chưa đẹp. Việc đóng chai thủy tinh, dán nhãn mác cũng được thực hiện bởi máy móc thay sức lao động thủ công. “Uy tín phải được đặt lên hàng đầu nên chúng tôi chú trọng khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Không vì chạy theo lợi nhuận làm mất khách hàng, nên mắm Vị Thanh phải bảo đảm thời gian từ 18 đến 24 tháng mới thu hoạch. Nếu 1 năm đã rút nước mắm đem bán thì sản phẩm sẽ có mùi hôi và tanh, nhưng chúng tôi không làm vậy” - anh Hoàng chia sẻ.

Khi đã có những thành công bước đầu, anh Nguyễn Thế Hoàng đã đấu mối với chính quyền địa phương, thành lập HTX chế biến thủy sản Hải Bình do mình làm chủ. Đến nay, vị giám đốc trẻ đã kêu gọi được 30 hội viên là các cơ sở sản xuất mắm và nước mắm lớn của địa phương, áp dụng phương thức làm mắm theo tiêu chuẩn được đưa ra. Với cách làm có nhiều đổi mới, lại liên kết được nhiều hộ nên HTX có điều kiện để cạnh tranh, phát triển thị trường hơn. Những năm gần đây, toàn HTX luôn duy trì sản xuất khoảng 40.000 lít nước mắm và hàng trăm tấn mắm tôm, mắm tép các loại. Doanh thu bình quân toàn HTX đạt từ 10 đến 12 tỷ đồng mỗi năm, đang giải quyết việc làm ổn định cho 60 lao động địa phương. Đầu ra của các sản phẩm mắm và nước mắm ở Hải Bình đang ngày càng rộng mở nhờ công tác quảng bá, phát triển các kênh phân phối. Để thâm nhập sâu hơn vào thị trường thủ đô đầy tiềm năng, hiện HTX đã bày bán và giới thiệu sản phẩm của mình ở số 498, đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội và tiêu thụ khá nhiều sản phẩm qua kênh này.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]