(Baothanhhoa.vn) - Có một người dân tộc Kinh dưới xuôi lên định cư ở huyện miền núi Quan Hóa, nhưng lại được những cư dân bản Thái tín nhiệm bầu làm người có uy tín của bản. Ông là Lê Văn Giang, ở bản Cang, xã Xuân Phú.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cây cao, tỏa bóng rộng

Có một người dân tộc Kinh dưới xuôi lên định cư ở huyện miền núi Quan Hóa, nhưng lại được những cư dân bản Thái tín nhiệm bầu làm người có uy tín của bản. Ông là Lê Văn Giang, ở bản Cang, xã Xuân Phú.

Cây cao, tỏa bóng rộng

Ông Lê Văn Giang (bên phải ảnh): “Trong thuyết phục, vận động không nên nói chuyện gì to tát, càng không nên nâng cao quan điểm. Cần phải đi vào những vấn đề thực tế, gần gũi, rồi họ sẽ nghe”.

Chúng tôi vượt hơn trăm cây số tìm gặp ông đúng vào một ngày mưa. Những cơn mưa tầm tã theo đúng nghĩa “vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”… Bên ấm trà pha đi pha lại mấy lần, rốt cuộc ông cũng không thể từ chối những câu hỏi của chúng tôi.

Trước khi bắt đầu, ông lưu ý rằng lời mình kể chỉ nên xem như là một kênh thông tin. Ông làm thế nào, hãy để người xung quanh nói, đúng sai phân minh.Tôi đăm chiêu, lăn chén chè nóng trong tay, có cảm giác khác thường.

Không ồn ào, hoa mỹ, ông có cốt cách riêng, khác một số người tôi đã gặp.

Hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất trong suốt thời gian làm nhiệm vụ người có uy tín trong khuc vực đồng bào dân tộc thiểu số đến giờ, ông bảo: Nhớ nhất vẫn là vụ vận động đối tượng ra đầu thú.

Câu chuyện xảy ra 3 năm trước, đối tượng Lê Văn Hải chém Phó Công an xã Lò Văn Việt rồi bỏ trốn, kêu gọi không chịu ra. Tình cảnh ấy khiến ông phải một mình tìm đến vận động.

Bằng biện pháp thuyết phục, vừa lấy tình cảm đánh động sự thức giấc của lương tâm, vừa vận dụng các quy định của pháp luật để răn đe. Sau hai ngày đối thoại, đối tượng chịu ra đầu thú.

Sau lần ấy ông nghĩ lại chẳng may trong lúc không làm chủ được, đối tượng hoàn toàn có thể manh động, thì chưa biết bây giờ ông có còn ngồi ở đây không.

Chỉ nghĩ thế thôi, chứ nếu có những vụ việc như thế xảy ra ông vẫn làm. Đơn giản vì mình không làm thì ai sẽ làm.

Người dân đã tín nhiệm, thì không thể bội tín họ được. Đành rằng thuyết phục, vận động cũng có lúc thất bại, nhưng khi chưa hết cách, thì không buông xuôi.

Cùng ngồi ở bàn trà dưới cơn mưa rát có cả Trưởng Công an xã, cán bộ Công an huyện đi cùng. Những câu chuyện từ họ đã minh họa thêm cho việc làm của ông.

Đó là không chỉ tháo “ngòi nổ” các vụ việc nóng, ông còn tham gia hòa giải những vụ xích mích khi vợ chồng đòi ly dị. Rồi vận động người trong bản không là cà rượu chè, không dấu diếm con em nghiện hút… Chuyện gì cần đến, là ông làm.

Có cuộc ông đi một mình, cuộc đi với bí thư và trưởng bản…

Ông bảo phải tùy từng hoàn cảnh để đưa ra quyết định. Quan trọng nhất vẫn phải là phương pháp thuyết phục, ứng xử với tình huống.

Không nên nói chuyện gì to tát, càng không nên nâng cao quan điểm. Cần phải đi vào những vấn đề thực tế, gần gũi, rồi họ sẽ nghe.

Và nhất là, trong cuộc sống thường ngày mình phải năng đi lại, “la cà” địa bàn, vừa nắm thông tin, vừa tạo mối quan hệ gần gũi. Nhà ai có chuyện vui, có cơm rượu là mình vào, mệt cũng uống. Uống để đồng bào thấy mình thật lòng. Nhà ai có chuyện buồn thì đến chia sẻ, giúp họ…

Được biết, ông được chính quyền địa phương ghi nhận nhiều nhất ở hai việc đó là: Vận động người dân địa phương góp, chuyển đổi đất để doanh nghiệp xây dựng hạ tầng và góp phần vào việc giải quyết mâu thuẫn về địa giới đất đai.

Cách làm của ông là lấy đất nhà mình đổi cho nhà khác, sau đó lấy chính diện tích đó chuyển nhượng cho doanh nghiệp, chấp nhận chịu thiệt. Người dân thấy vậy quay sang ủng hộ, không cho rằng doanh nghiệp “cướp” đất của dân nữa. Vì thế, đến nay HTX chế biến lâm sản Sông Mã đặt tại xã Xuân Phú đã xây dựng được 5 cơ sở sản xuất quy mô. Cây luồng của dân bản trồng có đầu ra ổn định, nhiều người vào làm công nhân. Người dân cảm ơn ông, doanh nghiệp cũng thế.

Giám đốc HTX chế biến lâm sản Sông Mã - ông Lê Văn Bình cho biết: Những vấn đề liên quan đến đất đai, trật tự đều phải nhờ đến sự thương lượng của ông với bà con. Ông nói bà con mới nghe. Tiếng nói của ông trọng lượng lắm, chứ không phải cứ dùng tiền là mua được đất của dân đâu.

Cây cao, tỏa bóng rộng

Ông Lê Văn Bình - Giám đốc HTX chế biến lâm sản Sông Mã: “Tiếng nói của ông Giang trọng lượng lắm, chứ không phải cứ dùng tiền là mua được đất của dân đâu”.

Nhiều vụ việc liên quan đến xích mích giữa công nhân với người dân địa phương ông cũng đứng ra hòa giải. Có công to, việc nhỏ gì chúng tôi đều mời ông đến đặt vấn đề. Dịp lễ, tết ông cùng lực lượng an ninh thôn bản tham gia bảo vệ cơ sở vật chất của HTX, mà không đặt ra điều kiện gì.

Còn trong việc hòa giải tranh chấp đất đai, ông đã thực sự phát huy được khả năng thuyết phục của mình.

Địa bàn ông ở giáp ranh với xã Ban Công, huyện Bá Thước. Người dân hai bên tranh chấp đất đai nhiều năm nay, chính quyền vào cuộc nhiều lần nhưng không xong. Thấy mối nguy, ông vào cuộc hòa giải, phân tích thiệt hơn, nói cái lý, cái tình thông suốt, người dân hai bên bị thuyết phục, cùng thống nhất ký biên bản, còn làm cơm mời ông.

Ông bảo lúc ấy nước mắt cứ chảy ra. Khi hòa giải thấy bên nào cũng khăng khăng, tưởng đã thất bại rồi. Nhưng nếu bỏ cuộc thì còn diễn biến phức tạp. Nghĩ thế, tôi càng quyết tâm. Lúc làm có nghĩ đến chuyện dân làm cơm mời mình đâu.

Thông thường vị trí người có uy tín trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là những cá nhân sinh ra trong cộng đồng người dân tộc thiểu số có số đông hoặc chí ít cũng là người bản địa. Nếu cứ lý ấy, thì đâu phải là ông, bởi ông là người dân tộc Kinh, tít dưới huyện Đông Sơn lên cấy cư.

Để dân tin, ông ra sức xây dựng gia đình mẫu mực về văn hóa và kinh tế.

Quan Hóa là địa bàn phức tạp. Nếu không có những người có uy tín ở các khu dân cư, thì rất dễ nảy sinh bất ổn.

Lực lượng này bằng khả năng riêng biệt, mỗi người một cách làm, đã góp phần xây dựng nên những bản, làng văn hóa.

Nói về sự đóng góp của họ, trung tá Lê Thanh Thuận - Trưởng Công an huyện cho biết: Đội ngũ 36 người có uy tín trên địa bàn đều là những người có hiểu biết nhất định. Cơ quan Công an thông qua họ để tuyên truyền về chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, để người dân phòng tránh, nâng cao cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch.

Cùng với vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, người có uy tín còn góp phần hòa giải các bức xúc trong nhân dân, giải quyết ngay ở cơ sở.

Đây là lực lượng ở ngay trong khu dân cư, nên nắm đầy đủ diễn biến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, thay nhân dân để kiến nghị, ký cam kết với chính quyền về việc chấp hành pháp luật.

Vùng đất Quan Hóa đang đổi thay từng ngày. Trong sự đổi thay ấy, chúng tôi cảm nhận được sự đóng góp thầm lặng của những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chính là những cây cao tỏa bóng rộng trên bản làng.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]