(Baothanhhoa.vn) - Dù 60 năm đã trôi qua, nhưng những bài học từ chiến công đánh thắng trận đầu của hải quân Nhân dân (HQND) Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời, trong ký ức của những cán bộ, chiến sĩ hải quân năm xưa vẫn vẹn nguyện hào khí ấy...

Người giúp “nối dài” truyền thống vẻ vang

Dù 60 năm đã trôi qua, nhưng những bài học từ chiến công đánh thắng trận đầu của hải quân Nhân dân (HQND) Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời, trong ký ức của những cán bộ, chiến sĩ hải quân năm xưa vẫn vẹn nguyện hào khí ấy...

Người giúp nối dài truyền thống vẻ vangÔng Nguyễn Văn Vũ, nguyên Trưởng Ban Liên lạc truyền thống HQND Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tìm hiểu tư liệu lịch sử.

Trong buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Vũ, nguyên Trưởng Ban Liên lạc truyền thống HQND Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được nghe ông chia sẻ về những kỷ niệm, chiến công của đồng đội mình. Dù đã ở tuổi 80, nhưng ông Vũ vẫn còn minh mẫn. Ông chia sẻ: “Sự kiện ngày 2 và 5/8/1964 diễn ra khi tôi đã nhập ngũ vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Sư 341, Quân khu 4 (đóng ở Vĩnh Linh - Quảng Trị). Trải qua nhiều giai đoạn của cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi được cấp trên điều chuyển công tác ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị và đảm nhận vai trò, vị trí khác nhau. Sau đó tôi được chuyển về công tác tại Lữ đoàn 131 Công binh hải quân (quân chủng hải quân Việt Nam) và nghỉ bảo hiểm xã hội năm 1998. Với vai trò trách nhiệm của nguyên Chính ủy Lữ đoàn 131 Công binh hải quân, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tôi đã kết nối với đồng đội và được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép thành lập Ban Liên lạc truyền thống HQND Việt Nam tỉnh Thanh Hóa năm 2004. Tôi làm trưởng ban liên lạc đến năm 2022...”.

Dù không trực tiếp tham gia trận đánh đầu tiên của HQND Việt Nam chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, nhưng ông Vũ là người biết khá tường tận trận đánh này và một số nhân chứng lịch sử thời ấy. Một phần là lịch sử đã lưu lại sự kiện qua các trang sách, một phần là khi còn công tác, ông nhiều lần tham gia các hội nghị, sự kiện kỷ niệm của quân chủng hải quân nên sự kiện ngày 2 và 5/8/1964 đã in sâu trong tâm trí ông. Đồng thời, với trách nhiệm của người đứng đầu ban liên lạc, ông Vũ luôn chủ động tìm hiểu và nhiều lần cùng ban liên lạc gặp gỡ đồng đội - những người anh đi trước trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và các nhân chứng là dân quân, người dân Lạch Trường (Hoằng Hóa)... để thực hiện công tác nghĩa tình, nhân chứng lịch sử.

Cầm trên tay cuốn sách “50 năm truyền thống đánh thắng trận đầu của hải quân Nhân dân Việt Nam”, do Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh hải quân phát hành tháng 5/2014, ông Vũ đưa chúng tôi trở về những tháng ngày lịch sử. Qua từng trang sách được lật giở, chúng tôi như được “sống lại” một thời bom đạn và hình ảnh những chiến sĩ hải quân năm xưa chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng, để giữ nguyên vùng trời, vùng biển. Cũng nhân dịp gặp gỡ này, chúng tôi được ông cho xem tấm hình kỷ niệm 40 năm chiến thắng đầu tiên của HQND Việt Nam chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Cách đây đã 20 năm, 22 đồng chí, đồng đội của ông hồi đó nay chỉ còn lại rất ít. Nhiều người trong số đó đã mãi mãi ra đi vì tuổi cao, sức yếu. Số còn lại không còn minh mẫn, nhưng thi thoảng nhớ nhau, các ông vẫn gọi điện hỏi thăm, coi như anh em trong nhà.

Trong tâm trí của mình, ông Vũ nhớ nhất là đồng chí Lê Xuân Tiếu (Thiệu Hóa) chiến đấu ở sông Gianh (Quảng Bình) thuộc Khu tuần phòng 4 - hải quân Việt Nam. “Anh Tiếu bị thương, một tay băng bó, một tay vẫn cầm cờ giơ lên ám hiệu cho quân ta đánh đến cùng. Những chi tiết lịch sử về anh Tiếu được ghi trong sách sử nội bộ của HQND Việt Nam mà tôi được tiếp cận. Tôi cảm phục tinh thần chiến đấu, quả cảm của anh, người đồng chí, đồng đội của tôi. Trong thời gian làm trưởng ban liên lạc, tôi và ban liên lạc đã nhiều gặp gỡ anh Tiếu ở quê nhà, làm việc với đơn vị của anh để xác minh và đề nghị Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, HQND Việt Nam xét công nhận đồng chí Lê Xuân Tiếu được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang hải quân. Sau 2 năm vinh dự đón nhận danh hiệu, vì sức khỏe, tuổi cao, anh đã mất. Danh hiệu cao quý ấy là phần thưởng xứng đáng, niềm vinh dự không chỉ của đồng chí Tiếu mà còn là niềm tự hào và trách nhiệm của ban liên lạc chúng tôi...”.

Ông Vũ kể tiếp: “Tôi còn nhớ liệt sĩ Anh hùng Đặng Đình Lống, phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn. Đồng chí là chiến sĩ đã cầm súng 14 ly 5 (14,5mm) bám tàu, bám biển chiến đấu dũng cảm, dù bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường bắn trả và hy sinh trên tàu trong trận đánh ngày 5/8/1964 ở cửa biển Lạch Trường. Đồng chí là 1 trong 54 chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Sau này, thân nhân đồng chí Lống được HQND Việt Nam hỗ trợ xây một căn nhà tình nghĩa trị giá hơn 100 triệu đồng... Còn nhiều lắm những người dân xã Hoằng Trường, người dân huyện Hậu Lộc đã giúp HQND Việt Nam chiến đấu, làm tốt công tác hậu phương quân đội. Những câu chuyện và những tấm gương yêu nước của 60 năm trước, vẫn cứ sống mãi trong tâm trí tôi".

Phát huy truyền thống tốt đẹp của HQND Việt Nam, ông Vũ cùng với ban liên lạc đã nỗ lực xây dựng tình đoàn kết; tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tri ân đồng đội, Nhân dân địa phương đã kề vai sát cánh cùng lực lượng hải quân chiến thắng kẻ thù. Ông mong muốn cán bộ, chiến sĩ hải quân tiếp tục xây dựng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân” trong lòng Nhân dân cả nước, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển ngày càng vững chắc. Đồng thời, Ban Liên lạc truyền thống HQND Việt Nam tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đóng góp sức mình giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]