(Baothanhhoa.vn) - Nhận thấy tiềm năng lợi thế về nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, ông Đỗ Xuân Trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông - lâm Thọ Bình (Triệu Sơn) đã đưa nghề mây tre đan xuất khẩu về quê, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Người đưa nghề mới về quê

Nhận thấy tiềm năng lợi thế về nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, ông Đỗ Xuân Trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông - lâm Thọ Bình (Triệu Sơn) đã đưa nghề mây tre đan xuất khẩu về quê, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Người đưa nghề mới về quêÔng Đỗ Xuân Trị kiểm tra hàng trước khi xuất bán.

Qua câu chuyện, ông Trị cho biết: Thọ Bình là xã miền núi thuần túy về nông - lâm nghiệp, ngành nghề phát triển chậm, lao động dư thừa, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động nữ. Đứng trước thực trạng đó, ông Trị luôn trăn trở làm thế nào để tạo nghề, phát triển kinh tế ổn định cho gia đình cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với suy nghĩ như vậy, năm 2021 ông Trị đã lặn lội đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh. Qua khảo sát, ông thấy hiện nay nghề mây tre đan xuất khẩu đang phát triển mạnh, phù hợp với địa phương. Vì vậy, năm 2022 ông quyết định đưa nghề này về địa phương. Ông đã phối hợp với Công ty Quốc Đại ở huyện Hoằng Hóa tổ chức dạy nghề cho bà con nông dân, đồng thời cung cấp nguyên liệu và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Đến nay, mỗi năm HTX Dịch vụ nông - lâm Thọ Bình sản xuất được 45.000 - 50.000 sản phẩm mây tre đan, chủ yếu là đèn lồng, giỏ đựng hoa, doanh thu ước đạt 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 70 lao động địa phương, với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết người lao động đến nhận nguyên liệu mang về nhà tận dụng những lúc nông nhàn để làm.

Từ ngày có nghề mây tre đan xuất khẩu, cuộc sống của nhiều gia đình ở xã Thọ Bình được cải thiện đáng kể, nhiều gia đình có thu nhập đều đặn từ nghề. Hiện nay, sản phẩm mây tre đan của HTX Dịch vụ nông - lâm Thọ Bình đã dần khẳng định thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường, được bạn hàng tin dùng thu mua xuất bán sang thị trường các nước châu Âu và châu Á.

Ngày nay, với xu hướng giảm rác thải nhựa thì những sản phẩm thủ công từ mây tre đan thân thiện với môi trường càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Bởi vậy, mong muốn của ông Đỗ Xuân Trị là sẽ tiếp tục nghiên cứu, du nhập, phát triển thêm một số nghề phụ về địa phương nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho bà con.

Bài và ảnh: Khánh Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]