(Baothanhhoa.vn) - Maksim Gorky - nhà văn của những nỗi đau đáu mang tên “Con người” - từng đưa ra nhận định hết sức sâu sắc về sự hiện diện của con người trên trái đất này: “Con người là kẻ mang trong mình năng lực tổ chức thế giới, kẻ sáng tạo ra thiên niên kỷ thứ hai, sáng tạo ra văn minh”.

Nghị quyết số 33-NQ/TW: Hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ! (Bài 2): Con người Việt Nam - nhân tố nòng cốt của văn hóa dân tộc

Maksim Gorky - nhà văn của những nỗi đau đáu mang tên “Con người” - từng đưa ra nhận định hết sức sâu sắc về sự hiện diện của con người trên trái đất này: “Con người là kẻ mang trong mình năng lực tổ chức thế giới, kẻ sáng tạo ra thiên niên kỷ thứ hai, sáng tạo ra văn minh”.

Nghị quyết số 33-NQ/TW: Hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ! (Bài 2): Con người Việt Nam - nhân tố nòng cốt của văn hóa dân tộcLễ hội Đền Bà Triệu. Ảnh: Lê Dung

Chủ thể văn hóa

Dân tộc Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử và trải qua vô vàn biến đổi, thăng trầm, đã hun đúc nên một nền văn hóa giàu giá trị và bản sắc riêng, làm nên hồn cốt dân tộc. Con người Việt Nam chính là sản phẩm của lịch sử Việt Nam và mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa, xã hội Việt Nam. Nói cách khác, văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tầm hồn, bản lĩnh, khí phách Việt Nam và làm nên “diện mạo” con người Việt Nam với những đặc tính rất nổi bật như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, thông minh, sáng tạo. Để rồi đến lượt mình, với những phẩm giá và bằng nhận thức, hoạt động cụ thể, con người Việt Nam qua nhiều thế hệ đã và đang làm giàu có thêm nội dung, đặc trưng và hun đúc nên những hệ giá trị rất nổi bật của văn hóa dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng sâu sắc...; cùng một kho tàng di sản được thiên nhiên ban tặng và một “thiên nhiên thứ hai” phong phú, giàu giá trị.

Nhà văn kiệt xuất của nền văn học Nga Maksim Gorky, tác giả của những áng văn trứ danh, thấm đượm tinh thần nhân văn, ngợi ca vẻ đẹp và tầm vóc con người đang hướng tới tương lai - đã đưa ra một nhận định hết sức sâu sắc về mối quan hệ giữa văn hóa và con người: “Văn hóa - sự nhận thức đạo đức, tinh thần về giá trị và tiềm năng bản chất con người- sẽ có tầm quan trọng lớn hơn với thành công của cách mạng so với nghiên cứu sự sắp xếp chính trị hay kinh tế”. Nhận định này một lần nữa khẳng định sức mạnh của văn hóa, mà thực chất văn hóa ở đây được hiểu như là sự biểu hiện của “đạo đức, tinh thần về giá trị và tiềm năng bản chất con người”. Nói cách khác, chính con người là nhân tố nòng cốt, là linh hồn của sức mạnh văn hóa.

Soi vào những minh chứng thực tế mới càng thấy rõ, sự đúc kết của nhà văn Nga là hoàn toàn đúng. Dân tộc ta đã trải qua giai đoạn đen tối nghìn năm Bắc thuộc. Song, bất chấp dã tâm đồng hóa và phá hủy nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt của kẻ thù xâm lược, văn hóa dân tộc - với những tinh hoa giá trị và nhiều truyền thống tốt đẹp như lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, nhiều thuần phong mỹ tục... - vẫn được cha ông ta chắt chiu, gìn giữ, dưỡng nuôi và trao truyền, để hậu thế hôm nay tiếp tục kế thừa và phát triển. Và rồi, ý chí kiên trì bảo vệ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đã được hoàng đế Quang Trung một lần nữa khẳng định như một lời tuyên thệ: “Đánh cho để tóc dài/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Nghĩa là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào - dù là khắc nghiệt nhất - thì bảo vệ văn hóa luôn luôn là mục tiêu, là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn, bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Thêm một minh chứng sống động về phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đó là, dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất - ví như sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy to lớn - thì nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tinh thần nhân ái “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” lại càng được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều đó cũng phần nào cho thấy, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam vẫn có sức sống bền vững trong đời sống đương đại. Song, để các giá trị tốt đẹp ấy được khơi dậy và phát huy trong mọi hoàn cảnh, thì cần chú trọng đến việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Đồng thời, tạo môi trường và điều kiện để phát triển toàn diện con người Việt Nam cả về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Đảng ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển và là chủ thể sáng tạo ra văn hóa. Và đến lượt nó, văn hóa giúp tôi luyện và hoàn thiện đạo đức, nhân cách con người Việt Nam với những phẩm chất, những giá trị cao đẹp của chân - thiện - mỹ. Và cũng chính mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và con người mới tạo ra nền tảng tinh thần xã hội và sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Điều này có lẽ cũng chính là căn nguyên để lý giải vì sao Nghị quyết số 33-NQ/TW đã đề cao việc xây dựng và phát triển toàn diện con người song song với văn hóa.

Nghị quyết số 33-NQ/TW: Hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ! (Bài 2): Con người Việt Nam - nhân tố nòng cốt của văn hóa dân tộcLăng Trường Nguyên Thiên Tôn thuộc quần thể di tích lăng, miếu Triệu Tường (xã Hà Long, Hà Trung).

Nền văn hóa Việt Nam mà Đảng ta đang định hướng xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn vừa mang tính dân chủ, khoa học, với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Do đó, để phát triển toàn diện văn hóa, mà nòng cốt là con người Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay, trước hết phải luôn đặt con người là chủ thể và giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển, xem phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Quan tâm gìn giữ và phát huy những gì gọi là tinh hoa, tinh túy nhất của văn hóa Việt Nam; đồng thời, phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người. Từ đó, làm cơ sở để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách trong mỗi con người; cũng như để mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.

Bởi con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa vừa là đối tượng thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, do đó, việc xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh để con người phát triển toàn diện là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, cần chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống.

Đặc biệt, cần chú trọng đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; lan tỏa sâu rộng ra toàn xã hội các giá trị cao đẹp, nhân văn. Chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ để tạo nên những tế bào khỏe mạnh, vững chắc của xã hội. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Lê Dung

Bài cuối: “Chấn hưng văn hóa” hướng đến nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin liên quan:
  • Nghị quyết số 33-NQ/TW: Hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ! (Bài 2): Con người Việt Nam - nhân tố nòng cốt của văn hóa dân tộc
    Nghị quyết số 33-NQ/TW: Hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ! (Bài 1): Văn ...

    Diện mạo nền văn hóa Việt Nam ngày nay là thành quả được kết tinh từ hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và trí tuệ, sức lao động của triệu triệu con người Việt Nam. Để đến lượt nó, văn hóa cũng chính là nhân tố nòng cốt, góp phần hun đúc nên khí phách, tâm hồn, bản lĩnh Việt Nam, cũng như định hình thế đứng và vóc dáng dân tộc trong “biển” hội nhập.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]