Nghị quyết số 18-NQ/TW - Tiền đề xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (Bài 3): Xử lý tài sản công, tạo động lực cho phát triển
Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Trung ương, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh có hàng trăm xã, phường, thị trấn, đơn vị trường học được sắp xếp, sáp nhập. Các đơn vị sau sắp xếp, sáp nhập đã, đang hoạt động ổn định, việc xử lý tài sản công sau sáp nhập cũng nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của ngành chức năng, chính quyền các địa phương.
Công sở xã Yên Dương (Hà Trung) được đầu tư hiện đại bảo đảm điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập. Ảnh: Phong Sắc
Phát huy hiệu quả sau sáp nhập
Năm 2018, xã Hà Dương (Hà Trung) được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng khu công sở mới 2 tầng với 20 phòng làm việc và 1 hội trường lớn cùng nhiều công trình phụ trợ khác trong khuôn viên 6.700m2. Sau đó 1 năm, ngày 1/12/2019, xã Hà Dương và xã Hà Yên được sáp nhập và đổi tên thành xã Yên Dương. Ngay khi sáp nhập, trụ sở xã Hà Dương (cũ) được trưng dụng làm công sở. Do mới được xây dựng theo hướng hiện đại, đồng bộ, nên khi sáp nhập mặc dù số lượng cán bộ, công chức tăng, song công sở của xã Hà Dương (cũ) nay là xã Yên Dương vẫn đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động của các bộ phận chuyên môn.
Theo đại diện lãnh đạo xã Yên Dương, từ khi sáp nhập đến nay, địa phương đã sử dụng và phát huy tốt công năng của từng phòng cũng như trang thiết bị được đầu tư trước đó. Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân cũng như góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết công việc, năm 2022 xã tiếp tục đầu tư và đưa vào sử dụng khu một cửa liên thông. Đến nay sau 5 năm sáp nhập, các điều kiện phục vụ nhiệm vụ chuyên môn tại công sở xã Yên Dương luôn được bảo đảm; tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức không ngừng được nâng cao.
Tại xã Quảng Giao (Quảng Xương), ngay sau khi giải thể Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên, ngành giáo dục huyện và chính quyền địa phương đã xin chủ trương tiếp quản cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên để chuyển Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên về hoạt động. Thầy giáo Đàm Khắc Dương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên, xã Quảng Giao chia sẻ: “Với diện tích 20.000m2 cùng hệ thống phòng học, khuôn viên rộng rãi, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ở cả cấp tiểu học và THCS. Đặc biệt, từ khi tiếp quản và đưa vào sử dụng cơ sở vật chất, nhà trường không phải đầu tư xây dựng thêm phòng học, mặc dù những năm gần đây mỗi năm nhà trường tăng thêm 1 lớp học. Riêng khuôn viên sân trường đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cùng lúc cho cả 2 cấp học”.
Phát huy lợi thế về cơ sở vật chất cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường, chất lượng dạy và học của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên không ngừng được nâng cao qua từng năm học. Kết thúc năm học 2023-2024 ở cấp tiểu học nhà trường có hơn 100 học sinh đoạt giải trong các kỳ giao lưu cấp huyện và cấp tỉnh; ở cấp THCS có 35 học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh, trong đó nhiều môn trước đây không có giải nay đã có giải cao như môn tiếng Anh, Sinh học. Đây cũng là năm học nhà trường có 2 học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của cả trò và thầy.
Kết quả trên cho thấy, chủ trương sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy của Trung ương, của tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh giải thể, sắp xếp 13 trường THPT và hàng trăm trường tiểu học, THCS ở các địa phương trong tỉnh.
Nhận diện khó khăn và giải pháp khắc phục
Thực tiễn cho thấy, các trường học sau khi sắp xếp, sáp nhập đã làm tốt công tác tiếp nhận, bố trí học sinh, cán bộ, giáo viên hợp lý, bảo đảm định biên; hoạt động dạy và học của các nhà trường ổn định, nền nếp; công tác quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều trường sau khi giải thể cơ sở vật chất được đầu tư hàng chục tỷ đồng bị bỏ không trong nhiều năm. Ví như cơ sở vật chất của Trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa); THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc); THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống)... Ở đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, nhiều công sở dôi dư cũng chưa được xử lý như công sở xã Thiệu Tân (cũ), huyện Thiệu Hóa; công sở xã Hoằng Sơn (cũ), huyện Hoằng Hóa...
Cơ sở vật chất Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên, xã Quảng Giao (Quảng Xương) đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Không ít khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản công sau sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC đã được nhận diện như: Trình tự, thủ tục để xử lý tài sản là nhà, đất sau sáp nhập, sắp xếp phức tạp, phải qua nhiều bước nhưng lại thiếu hướng dẫn chi tiết, cụ thể dẫn đến thời gian xử lý kéo dài, đơn vị xử lý lúng túng. Trong khi đó một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu tại Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 25/3/2019 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập ĐVHC cấp xã, cấp thôn và sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, việc sắp xếp lại nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ thuộc vào tiến độ rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan. Tuy nhiên, công tác rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan khác ở một số địa phương còn chậm...
Từ thực tế trên, tại hội nghị nghe báo cáo tình hình sắp xếp lại, xử lý nhà đất trên địa bàn tỉnh của Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tỉnh diễn ra mới đây, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ví như cấp ủy, chính quyền cấp huyện, thủ trưởng các đơn vị phải xác định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị. Đối với các tài sản công đã đầy đủ các điều kiện thực hiện theo phương án được duyệt thì tập trung chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể cho từng tài sản để thực hiện. Đối với các tài sản công qua rà soát đang vướng mắc về trình tự, thủ tục thì UBND cấp huyện phải chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch xử lý, sắp xếp lại, xử lý tài sản công để kịp thời phát hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Cũng tại hội nghị này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đề nghị Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện tốt các quy định, nghị định mới liên quan đến việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tỉnh, các sở, ngành và các địa phương vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý hồ sơ đất đai, quản lý tài sản trên đất, quản lý đất chưa sử dụng, nhất là đất công ích, đất ao hồ..., tránh tình trạng lấn chiếm, làm hư hỏng, gây thất thoát tài sản Nhà nước và gây bức xúc trong Nhân dân. Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung xử lý tất cả tài sản công dôi dư theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND đúng với quy định đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương ban hành.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh cùng tinh thần, trách nhiệm, sự vào cuộc đồng bộ từ ngành chức năng đến các địa phương, việc xử lý tài sản công sau khi sắp xếp, sáp nhập ĐVHC, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ sớm được giải quyết để không còn tình trạng công sở, trường học, trạm y tế bỏ không sau sáp nhập gây lãng phí. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển cũng như tạo niềm tin trong Nhân dân để tỉnh tiếp tục thực hiện thành công kế hoạch sắp xếp ĐVHC trong thời gian tới.
Phong Sắc
Bài cuối: Cuộc tái cấu trúc toàn diện
{name} - {time}
-
2025-01-27 12:37:00
Những điểm check - in “cực hot” tại TP Thanh Hóa dịp Tết
-
2025-01-27 09:08:00
Thức cho dân an vui (Bài 1): Mùa xuân trên vai áo xanh
-
2024-12-24 11:01:00
Hệ lụy từ việc mức sinh giảm thấp: Cảnh báo thiếu hụt lực lượng lao động
Nhận diện màu sắc, seri, ký hiệu biển số xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân từ 1/1/2025
Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa tổng kết dự án VIE093
“Chìa khóa” giảm nghèo bền vững
Mở mới tuyến xe buýt số 18 TP Thanh Hóa - Như Xuân, khai thác từ hôm nay (24/12)
Thiệu Hóa có đại lộ mang tên Nhà sử học Lê Văn Hưu
Yêu cầu mới trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính
Thông báo truy tìm tung tích nạn nhân
Nguyên nhân căn hộ có giá hợp túi tiền dần “biến mất” tại các đô thị lớn
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi